5 dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ sớm
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo sớm nhất để phòng tránh bệnh tự kỷ.
Nhân ngày thế giới phòng chống bệnh tự kỷ 2/4, hai chuyên gia, bác sĩ Điền Âm và Hà Phàm, công tác tại khoa Nhi, Bệnh viện An Định Bắc Kinh, Đại học Y khoa Thủ đô (Trung Quốc) có những chia sẻ hữu ích trên trang Báo Sức khỏe.
"Những đứa trẻ đến từ các vì sao"
Bạn có thể từng thấy những em nhỏ có hành vi rất cẩn thận và liên tục sắp xếp đá trên sân chơi, thuộc lòng tất cả các trạm xe buýt, đột nhiên bịt tai và trốn sau rèm khi nghe thấy tiếng động. Chúng không phải là những đứa trẻ kỳ lạ sợ hãi hay thu mình, chúng chỉ trải nghiệm thế giới theo cách đặc biệt. Đó là những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, còn được gọi là "Những đứa trẻ đến từ các vì sao".
Tự kỷ (hay rối loạn phổ tự kỷ), là loại rối loạn phát triển thần kinh bất thường ở trẻ, đặc trưng là các rối loạn giao tiếp và tương tác xã hội, hành vi rập khuôn lặp đi lặp lại hay sở thích đặc biệt kỳ lạ. Các triệu chứng có thể kéo dài từ sơ sinh đến tuổi trưởng thành. Trong số đó, khoảng 2/3 số trẻ mắc bệnh một cách từ từ kể từ sau khi ra đời, khoảng 1/3 số trẻ mắc bệnh thoái triển sau 1 đến 2 năm phát triển bình thường.

(Ảnh minh họa)
Nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ rất phức tạp và vẫn chưa được hiểu đầy đủ, có thể liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường. Yếu tố di truyền được coi là nguyên nhân chính gây ra chứng tự kỷ, chiếm hơn 90% trường hợp mắc chứng tự kỷ.
Các yếu tố môi trường, đặc biệt là những yếu tố xảy ra trong giai đoạn phát triển não bộ quan trọng của thai nhi, cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh, chẳng hạn như căng thẳng của bà mẹ trong thời kỳ mang thai và thời kỳ sắp sinh, cũng như các yếu tố sinh học khác.
Dấu hiệu sớm của trẻ tự kỷ
Nếu trẻ gặp nhiều dấu hiệu trong số "5 không" dưới đây, cha mẹ cần cảnh giác và đưa trẻ đến bệnh viện để sàng lọc càng sớm càng tốt để làm rõ chẩn đoán và xây dựng kế hoạch can thiệp.
- Không/ít khi trẻ giao tiếp bằng mắt
Ở giai đoạn sơ sinh, trẻ thiếu hoặc giảm sự chú ý về mặt thị giác đối với các kích thích xã hội, giảm sự chú ý, đặc biệt là đôi mắt. Ví dụ, trẻ có thể không nhìn vào khuôn mặt hoặc không phản ứng khi được gọi tên sau 6 tháng tuổi, hoặc có thể không dõi theo ánh mắt của người khác khi được 1 tuổi.

(Ảnh minh họa)
- Không phản ứng với tiếng gọi, không nhạy cảm với tên của mình
Đây thường là một trong những biểu hiện của chứng tự kỷ mà cha mẹ cần để ý. Sự chú ý chung là khả năng chú ý phối hợp trong quá trình phát triển nhận thức xã hội sớm của trẻ.
- Không có/ít thực hiện các động tác bằng ngón tay
Thiếu ngôn ngữ cơ thể phù hợp và không có khả năng yêu cầu những thứ mình quan tâm. Trẻ mắc chứng tự kỷ có thể biểu hiện giảm tần suất sử dụng chuyển động cơ thể ngay từ khi 12 tháng tuổi, chẳng hạn như không thể gật đầu để ra hiệu khi cần, lắc đầu để ra hiệu khi không đồng tình, chỉ tay có mục đích hoặc làm cử chỉ trong giao tiếp.
- Không nói hoặc nói ít
Hầu hết trẻ tự kỷ đều chậm phát triển ngôn ngữ. Đối với trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, cha mẹ cần phải cân nhắc đến khả năng mắc chứng tự kỷ.
- Sử dụng đồ vật không đúng cách, có các bất thường về cảm giác
Trẻ mắc chứng tự kỷ có thể bắt đầu sử dụng đồ vật không đúng cách, bao gồm xoay, sắp xếp và khám phá đồ vật bằng thị giác liên tục, bắt đầu từ 12 tháng tuổi. Ví dụ, xếp xe thành một hàng, xoay đồ vật và để mắt đến chúng.
Khi trẻ có những lời nói không phù hợp cũng cần được lưu ý. Biểu hiện cụ thể là trẻ sử dụng ngôn ngữ bình thường nhưng lời nói những từ khó hiểu, lặp đi lặp lại và vô nghĩa.
Khi được chẩn đoán, cần can thiệp ngay
Theo các bác sĩ, vấn đề cốt lõi của chứng tự kỷ là rối loạn giao tiếp xã hội không chỉ đơn thuần là chậm phát triển ngôn ngữ. Phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và can thiệp sớm có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng và tiên lượng của trẻ tự kỷ.
Thời gian điều trị tốt nhất cho trẻ tự kỷ là trước 6 tuổi. Trẻ được chẩn đoán mắc bệnh cần được can thiệp ngay, trẻ nghi ngờ mắc bệnh cần được can thiệp kịp thời. Việc trì hoãn điều trị có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài.
Phương pháp điều trị chính cho chứng tự kỷ là huấn luyện phục hồi chức năng, thường mất vài năm hoặc thậm chí lâu hơn.
Can thiệp hành vi có thể cải thiện hiệu quả các vấn đề về giao tiếp xã hội và tương tác của trẻ em, giảm các hành vi có vấn đề. Trẻ em ở các giai đoạn khác nhau cần điều chỉnh mục tiêu và phương pháp can thiệp. Đồng thời phải bảo đảm thời gian can thiệp đủ và hiệu quả hàng ngày, thời gian can thiệp mỗi tuần phải trên 20 giờ.
Các thành viên trong gia đình và người chăm sóc chính nên tham gia tích cực vào quá trình can thiệp. Việc dạy trẻ hàng ngày có thể cải thiện đáng kể hiệu quả can thiệp với trẻ. Cha mẹ có thể học hỏi kiến thức liên quan, thiết kế nội dung đào tạo theo sở thích, khả năng và tính cách của con em mình, áp dụng phương pháp tiếp cận vui vẻ, ôn hòa và thông minh để thực hiện đào tạo can thiệp mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày để đạt được trạng thái "học mà chơi, chơi mà học".
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/5-dau-hieu-nhan-biet-tre-tu-ky-som-ar935137.html