5 điểm bất đồng giữa Nga và Ukraine trong quá trình hòa đàm

Có 5 điểm bất đồng giữa Nga và Ukraine trong quá trình hòa đàm mà hiện tại hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Nga và Ukraine đã không thống nhất được về một số vấn đề quan trọng khi hai bên tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình vào mùa xuân năm 2022. Từ các tài liệu của những cuộc đàm phán này, tờ The New York Times chỉ ra một số điểm bất đồng giữa Nga và Ukraine trong quá trình hòa đàm.

Vị thế trung lập của Ukraine

Lập trường của Nga

Một trong những lý do chính mà Nga quyết định chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2-2022 là để chống lại nỗ lực của Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nga muốn Ukraine không bao giờ tham gia NATO hoặc các liên minh khác; muốn Ukraine không cho nước ngoài đóng căn cứ quân sự và không tiếp nhận vũ khí nước ngoài; không tập trận quân sự với nước khác mà không có sự đồng ý của Nga.

Dù không muốn Ukraine vào NATO nhưng trong cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine năm 2022, Nga cam kết sẽ không cản trở việc Ukraine trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU).

 Đã có nhiều điểm bất đồng giữa Nga và Ukraine trong quá trình hòa đàm từ mùa xuân 2022. Ảnh: ANADOLU/GETTY IMAGES

Đã có nhiều điểm bất đồng giữa Nga và Ukraine trong quá trình hòa đàm từ mùa xuân 2022. Ảnh: ANADOLU/GETTY IMAGES

Lập trường của Ukraine

Còn Ukraine mong muốn trở thành một “quốc gia trung lập vĩnh viễn” và “chấm dứt các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế không phù hợp với tính trung lập vĩnh viễn”. Tuy nhiên, trong 2 năm giao tranh với Nga, các nhà lãnh đạo Ukraine nhiều lần lên tiếng về việc tìm cách gia nhập NATO.

Đảm bảo an ninh cho Ukraine

Lập trường của Ukraine

Ukraine đề xuất một cơ chế an ninh mà sẽ được kích hoạt “trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang vào Ukraine”. Theo đó, các quốc gia bảo lãnh tham gia hiệp ước đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ tổ chức các cuộc tham vấn khẩn cấp trong thời gian không quá 3 ngày.

Sau đó, các nước này sẽ “tự hành động hoặc hành động tập thể khi cần thiết” để bảo vệ Ukraine, bao gồm thiết lập vùng cấm bay, cung cấp vũ khí và sử dụng lực lượng quân sự.

Lập trường của Nga

Nga đồng ý với phần lớn đề xuất đảm bảo an ninh của Ukraine nhưng có một số ngoại lệ. Đó là Nga không hoan nghênh ý tưởng của các quốc gia khác thiết lập vùng cấm bay hoặc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Ngoài ra còn có một câu hỏi chưa được giải quyết là những quốc gia nào thực sự sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Ukraine? Các nước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga đều được liệt kê trong dự thảo hiệp ước này với tư cách là quốc gia bảo lãnh. Nga cũng muốn thêm Belarus, trong khi Ukraine muốn thêm Thổ Nhĩ Kỳ và không rõ liệu các quốc gia này có đồng ý hay không.

Vấn đề lãnh thổ Ukraine

Lập trường của Ukraine

Trong cuộc đàm phán với Nga hồi 2022, Ukraine từ chối công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bất kỳ khu vực nào của Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea - khu vực được Nga sáp nhập vào lãnh thổ vào năm 2014.

Tuy nhiên, Ukraine đã đưa ra một thỏa thuận trong đó hai nước sẽ đồng ý “giải quyết các vấn đề liên quan Crimea” trong 10 đến 15 năm đàm phán và cam kết tránh dùng các biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề này.

Lúc đó, Ukraine có vẻ sẵn sàng chấp nhận một phần lãnh thổ phía đông nước này nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Tuy nhiên, sau đó thì quan điểm của Ukraine trở nên cứng rắn hơn khi lãnh đạo và quan chức Ukraine liên tục tuyên bố Ukraine đang chiến đấu để giải phóng tất cả lãnh thổ Ukraine được quốc tế công nhận, bao gồm Crimea.

 Vẫn còn nhiều điểm bất đồng giữa Nga và Ukraine trong quá trình hòa đàm dù hai bên đã trao đổi với nhau nhiều lần và nhiều nơi, như ở Belarus,Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: BELTA

Vẫn còn nhiều điểm bất đồng giữa Nga và Ukraine trong quá trình hòa đàm dù hai bên đã trao đổi với nhau nhiều lần và nhiều nơi, như ở Belarus,Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: BELTA

Lập trường của Nga

Lập trường của Nga cũng có nhiều thay đổi. Khi bắt đầu cuộc đàm phán năm 2022, Nga yêu cầu Ukraine từ bỏ toàn bộ khu vực phía đông Donbass, gồm tỉnh Luhansk và Donetsk, và công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea.

Đến tháng 4-2022, Nga đã chấp nhận một mô hình mà trong đó Crimea và một số khu vực khác của Ukraine sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga nhưng Ukraine không công nhận là hợp pháp.

Tuy nhiên, giờ đây, yêu cầu về lãnh thổ của Nga đã khác. Vào tháng 9-2022, bên cạnh Crimea, ông Putin tuyên bố 4 tỉnh của Ukraine, gồm Donetsk, Luhansk, Kherson, Zaporizhia, là một phần của Nga dù Ukraine vẫn kiểm soát phần lớn các khu vực này.

Hôm 14-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng sẽ phụ thuộc vào việc Ukraine nhượng lại cả 4 khu vực nói trên cho Nga, dù hiện tại không khu vực nào nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Nga.

Lệnh ngừng bắn sẽ ra sao?

Lập trường của Nga

Một phụ lục của dự thảo thỏa thuận tháng 4-2022 do các nhà đàm phán Nga bổ sung đã nêu rõ viễn cảnh ngừng bắn trong mắt của Moscow diễn ra như thế nào.

Theo đó, phía Nga cho rằng lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu khi thỏa thuận được "tạm thời áp dụng", được xác định là ngày Ukraine và hầu hết các quốc gia bảo lãnh, bao gồm Nga, ký kết. Cả hai bên sẽ không “tiến hành các hành động có thể dẫn đến việc mở rộng lãnh thổ do họ kiểm soát hoặc nối lại các hành động thù địch”.

Theo các điều khoản do Nga đề xuất, quân đội Moscow sẽ có sự linh hoạt hơn trong việc rút lui khỏi chiến trường. Cụ thể, trong khi Ukraine phải rút quân ngay lập tức thì việc Nga rút quân sẽ được tiến hành sau những cuộc tham vấn riêng.

Nga đề xuất Liên Hợp Quốc giám sát lệnh ngừng bắn và Hội chữ thập đỏ quốc tế tham gia quá trình trao đổi tù binh chiến tranh, thường dân bị giam giữ và hài cốt những người đã thiệt mạng giữa Nga và Ukraine.

 Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine diễn ra ở Thụy Sĩ ngày 15-6 nhưng không có sự tham dự của Nga. Ảnh: REUTERS

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine diễn ra ở Thụy Sĩ ngày 15-6 nhưng không có sự tham dự của Nga. Ảnh: REUTERS

Lập trường của Ukraine

Dự thảo tháng 4-2022 cho thấy Ukraine bác bỏ đề xuất của Nga nhưng không đưa ra giải pháp đề xuất. Thay vào đó, các quan chức Ukraine cho rằng Nga có thể ngừng chiến đấu bất cứ lúc nào. Một ghi chú được các quan chức Ukraine đưa vào dự thảo thỏa thuận tháng 3-2022 có nội dung rằng “phía Nga đã phớt lờ nhiều yêu cầu ngừng bắn của Ukraine”.

Giới hạn đối với quân đội Ukraine

Lập trường của Nga

Nga đang muốn giới hạn về quy mô quân đội Ukraine, bao gồm giới hạn số lượng lính và các loại vũ khí khác nhau mà Ukraine sở hữu. Chẳng hạn Nga muốn đội quân Ukraine chỉ giữ ở mức 100.000 lính, sở hữu chỉ 147 súng cối và 10 máy bay trực thăng chiến đấu. Nga cũng muốn tầm bắn của tên lửa Ukraine bị giới hạn ở mức 40 km.

Lập trường của Ukraine

Trong các cuộc đàm phán năm 2022, Ukraine sẵn sàng chấp nhận giới hạn về quy mô quân đội của mình, nhưng ở mức cao hơn nhiều so với yêu cầu của Nga.

Ukraine mong muốn có một đội quân lên tới 250.000 người, 1.080 súng cối và 60 máy bay trực thăng chiến đấu. Ukraine cũng đề xuất tầm bắn tối đa của tên lửa ở mức 280 km, nhưng đó là trước khi Ukraine bắt đầu nhận được lượng vũ khí, thiết bị và đào tạo từ phương Tây.

Các quan chức Ukraine chỉ ra rằng quân đội Ukraine hiện là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất ở châu Âu và khó có khả năng họ sẽ chấp nhận những giới hạn đối với khả năng tự vệ của nước này.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/5-diem-bat-dong-giua-nga-va-ukraine-trong-qua-trinh-hoa-dam-post795948.html