5 định hướng phát triển hợp tác đầu tư giữa OECD và Đông Nam Á
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - Đông Nam Á năm 2023 chiều 26/10 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đề xuất 5 định hướng để thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa OECD và Đông Nam Á
Tạo động lực cho hợp tác đầu tư về phát triển bền vững trong các lĩnh vực mới nổi
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị quốc gia về đầu tư bền vững.
Hai bên cần triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ OECD - ASEAN, thúc đẩy các dự án ưu tiên, nhất là về thuế, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, đồng thời phối hợp chuẩn hóa và hài hòa hóa các quy định đầu tư, các chính sách bảo vệ môi trường, đầu tư xanh.
Hai bên cũng cần tạo động lực cho hợp tác đầu tư về phát triển bền vững trong các lĩnh vực mới nổi và trọng điểm, như chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái.
Phó Thủ tướng kêu gọi các nước OECD hợp tác với các nước Đông Nam Á xây dựng các trung tâm công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, qua đó giúp ASEAN phát huy hết tiềm năng và trở thành trung tâm liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng đề nghị OECD hỗ trợ thiết lập các nền tảng cho đầu tư bền vững, như hợp tác nâng cấp, kết nối hạ tầng chiến lược tại Đông Nam Á, tăng cường kết nối giữa Đông Nam Á và OECD thông qua hỗ trợ triển khai Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025, các sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng của OECD và các nước thành viên.
Ông cũng đề nghị OCED hỗ trợ ASEAN phát triển nguồn lao động chất lượng cao, nhân lực quản lý đáp ứng nhu cầu của các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn.
Đồng thời, hai bên cần tạo lập các hình mẫu trong hợp tác đầu tư bền vững và chất lượng. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu đầu tư rất lớn, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, cần có sự kết hợp hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, khu vực tư nhân, các ngân hàng phát triển đa phương, thông qua thống nhất tầm nhìn và hành động giữa các quốc gia, tổ chức khu vực và toàn cầu.
Phó Thủ tướng tin tưởng, với tiềm năng và lợi thế to lớn, quan hệ hợp tác đầu tư OECD - Đông Nam Á sẽ là hình mẫu cho xây dựng các khuôn khổ quan hệ đối tác đầu tư toàn cầu.
Hai bên cũng cần không ngừng củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam cùng ASEAN luôn kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp và bất đồng bằng giải pháp hòa bình.
Trước tình trạng xung đột leo thang tại các điểm nóng trên thế giới, Phó Thủ tướng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Đây là lần thứ hai Diễn đàn Bộ trưởng OECD - Đông Nam Á được tổ chức tại Hà Nội, theo sáng kiến của Việt Nam và Australia trên cương vị đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD giai đoạn 2022 - 2025.
Đông Nam Á là điểm sáng trong thu hút FDI tại khu vực
Những năm gần đây, hợp tác giữa OECD và Đông Nam Á có nhiều bước phát triển tích cực với các cơ chế hiệu quả, có sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các dự án cụ thể. Diễn đàn năm nay là minh chứng nổi bật cho nỗ lực chung của cả hai bên nhằm đưa quan hệ đối tác OECD - Đông Nam Á phát triển ngày càng sâu rộng.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, tăng trưởng chậm, đầu tư toàn cầu sụt giảm do hậu quả của đại dịch Covid-19 cùng những bất ổn trong môi trường chính trị - an ninh quốc tế, khu vực Đông Nam Á vẫn là điểm sáng trong thu hút FDI.
Năm 2022 nguồn vốn FDI đầu tư vào Đông Nam Á đạt mức cao kỷ lục với hơn 220 tỷ USD, khẳng định vị trí ngày càng quan trọng trong bản đồ kinh tế của khu vực.
Đông Nam Á là mắt xích quan trọng của liên kết kinh tế toàn cầu, "tâm điểm" của các FTA có quy mô lớn nhất thế giới, là điểm đến chiến lược để đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn…
Đông Nam Á cũng là khu vực tiên phong trong những lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, với những cam kết mạnh mẽ về trung hòa carbon. Đây cũng là khu vực có tiềm năng to lớn trong chuyển đổi số với quy mô thị trường lên tới 1 tỷ USD vào năm 2030.
Bên cạnh những lợi thế đó, khu vực cũng đang đối mặt với không ít thách thức, điển hình như độ mở kinh tế cao, cạnh tranh thu hút FDI chất lượng cao ngày càng gay gắt, nhất là khi quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ năm 2024, tác động mạnh mẽ đến quyết định đầu tư, tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các tập đoàn.
Dòng vốn đầu tư vào tăng trưởng xanh và giảm phát thải vào khu vực chưa được đảm bảo. Ước tính khu vực cần tới 3.000 tỷ USD đến năm 2030 để triển khai các dự án về năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, cơ sở hạ tầng.
Nhiều quốc gia trong khu vực gặp khó khăn trong việc gia tăng mối liên kết chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp nội địa, trong đó có vấn đề chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện nay, Việt Nam xác định đầu tư là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế; đầu tư công luôn được Chính phủ quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ; đầu tư nước ngoài được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển lâu dài trong môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Về đầu tư nước ngoài, tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp nước ngoài gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ 3 cam kết của Việt Nam gồm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư; đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất kinh doanh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh và bền vững.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tin tưởng, những thành tựu cùng với định hướng phát triển nêu trên và cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ sẽ là nền tảng để tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư chất lượng cao và bền vững giữa Việt Nam với các đối tác, trong đó có các nước OECD và Đông Nam Á.