5 gia tộc người Việt gốc Hoa giàu nứt vách ở Việt Nam
Tại Việt Nam có nhiều gia tộc người Việt gốc Hoa sở hữu khối tài sản đồ sộ và là những tỷ phú ngầm giàu nhất.
Gia tộc Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan
Trong số những gia tộc giàu có lâu đời ở Việt Nam, Trương gia tộc với tập đoàn Vạn Thịnh Phát chính là một cái tên khiến nhiều người phải kiêng dè. Người đứng đầu Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan.
Doanh nhân Trương Mỹ Lan sinh năm 1956, là người Việt gốc Hoa giàu có. Bà Trương Mỹ Lan hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát, doanh nghiệp đang sở hữu nhiều khu đất vàng tại TP.HCM.
Bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: Internet
Chồng bà Lan là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân bất động sản mang quốc tịch Hồng Kông.
Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan thành lập vào năm 1992, đến nay doanh nghiệp này có vốn điều lệ 13.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng các công ty con hiện sở hữu nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại TP.HCM như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton,..
Ngoài bà Trương Mỹ Lan, gia tộc họ Trương còn hai doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là cha đẻ – ông Trương Chí Trung và cháu – Trương Huệ Vân (sinh năm 1988), được công chúng biết đến là vợ của ca sĩ Thanh Bùi.
Gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành và tập đoàn Thành Thành Công
Gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành – Huỳnh Bích Ngọc cùng 4 người con gồm: Đặng Hồng Anh, Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Huỳnh Anh Tuấn, và Đặng Huỳnh Thái Sơn hiện nắm cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp mía đường lớn bậc nhất cả nước là CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT), CTCP Đường Biên Hòa (BHS), CTCP Đầu tư Thành Thành Công (TTC).
Gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành. Ảnh: Internet
Trong đó, bà Huỳnh Bích Ngọc là Chủ tịch HĐQT tại SBT, Phó Chủ tịch HĐQT tại TTC. “Công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My hiện là Chủ tịch HĐQT tại TTC và Phó Chủ tịch HĐQT tại SBT.
Ông Đặng Văn Thành hiện không trực tiếp điều hành các doanh nghiệp kể trên, nhưng cá nhân ông đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu SBT và GEG của CTCP Điện Gia Lai. Các thành viên trong gia đình ông Thành cũng đang sở hữu lượng lớn cổ phần tại những doanh nghiệp này và Sacomreal, Tổng Công ty Tín Nghĩa với tổng giá trị tài sản khoảng 7.000 tỷ đồng.
Gia tộc nhà Trầm Bê: Đại gia một thời trong ngành ngân hàng
Dù vướng vòng lao lý do những sai phạm trong kinh doanh, nhưng đại gia Trầm Bê vẫn đang đứng thứ 150 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản trị giá hơn 900 tỷ đồng.
Ảnh: Internet
Khối tài sản này đến từ việc ông Trầm Bê sở hữu lượng lớn cổ phiếu STB của Sacombank và BCI của Xây dựng Bình Chánh.
Ngoài ông Trầm Bê, 3 người con của ông cũng góp mặt trong danh sách này, trong đó ông Trầm Trọng Ngân đứng thứ 56 với khối tài sản trị giá hơn 3.000 tỷ đồng. Hai người còn lại là Trầm Khải Hòa và Trầm Thuyết Kiều hiện sở hữu lượng cổ phiếu STB trị giá hơn 2.000 tỷ đồng.
Ông Trầm Bê từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) từ năm 1999, sau đó rời khỏi vị trí này vào năm 2016.
Gia đình "Vua giày dép" Vưu Khải Thành
Biti’s được gia đình doanh nhân gốc Hoa Vưu Khải Thành thành lập từ những năm đầu thập niên 80. Tiền thân của Biti’s là 2 tổ hợp sản xuất Bình Tiên và Vạn Thành năm 1982 tại đường Bình Tiên, quận 6, Tp.HCM với 20 công nhân chuyên sản xuất các loại dép cao su đơn giản.
Vợ chồng doanh nhân Vưu Khải Thành. Ảnh: Internet
Đầu thập niên 1990, Biti's chuyển hướng tập trung sang thị trường nội địa và gây được thiện cảm của người dùng Việt nhờ câu “Nâng niu bàn chân Việt”.
Biti’s còn là thương hiệu được Forbes Việt Nam định giá hơn 17 triệu USD. Tuy nhiên, người góp phần nâng tầm thương hiệu này không phải doanh nhân Vưu Khải Thành mà là con gái của ông, Vưu Lệ Quyên.
Hiện Vưu Lê Quyên đang nắm giữ chức vụ CEO của Biti’s, trong khi ông Vưu Khải Thành là Chủ tịch HĐQT công ty.
Gia đình “Vua gốm sứ” Lý Ngọc Minh
Được mệnh danh là công ty gốm sứ số 1 Việt Nam, Minh Long là thương hiệu lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn gây tiếng vang trên thế giới. Thành lập từ năm 1970 bởi doanh nhân gốc Hoa Lý Ngọc Minh và một người bạn, sản phẩm Minh Long hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia.
Doanh nhân Lý Ngọc Minh. Ảnh: Minhlong
Năm 1990, Minh Long là một trong những doanh nghiệp dân doanh nhận được giấy phép xuất khẩu đầu tiên và liên tiếp 5 năm sau tỷ trọng hàng xuất khẩu chiếm tới 98% sản lượng.
Ông Lý Ngọc Minh không phải là người duy nhất trong gia đình theo đuổi nghiệp gốm sứ. Những người em của ông cùng con cái cũng theo đuổi nghiệp kinh doanh.
Bốn người con của ông Minh là Lý Huy Sáng, Lý Huy Đạt, Lý Kha Trân, Lý Huy Bửu đều tham gia vào các hoạt động điều hành của Minh Long 1