5 giải pháp chống dịch Covid-19 trọng tâm trong nửa cuối 2021
Trong 6 tháng cuối năm 2021, giải pháp chống dịch trọng tâm của Chính phủ là tập trung mọi lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất, không để dịch tiếp tục bùng phát trên diện rộng, nhằm nhanh chóng ổn định tình hình.
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển 6 tháng cuối năm 2021 của Chính phủ, trong trung và dài hạn, Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ người dân thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ gia tăng.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến giá một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, chi phí vận tải, đầu vào tăng cao. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương bùng phát dịch và thực hiện giãn cách xã hội.
Trước nguy cơ dịch lan rộng ở nhiều địa phương có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu, theo báo cáo của Chính phủ, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 sẽ gặp rất nhiều thách thức, đòi hỏi phải có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, về giải pháp kiểm soát đại dịch, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết”, Chính phủ tập trung chỉ đạo năm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Giải pháp chống dịch cực đoan khiến doanh nghiệp gặp khó
Thứ nhất, Chính phủ quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng nhằm nhanh chóng ổn định tình hình. Tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc-xin và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, có tính chất quyết định.
Người dân và các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương “5K + vắc-xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao,khu đông dân cư.
Trước mắt, cả nước sẽ tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP.HCM và một số tỉnh đang bùng phát mạnh. Tăng cường thông tin tuyên truyền và kêu gọi người dân tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch.
Thứ hai, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong tham gia phòng chống dịch. Chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân. Các cấp chính quyền cần giữ vững tình hình an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho Nhân dân trong mọi tình huống.
Thứ ba, các cấp, các ngành, địa phương thực hiện chủ động, hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Bám sát thực tiễn, đánh giá đúng tình hình để có giải pháp kịp thời, phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả đối với từng địa phương, từng thời điểm.
Các biện pháp triển khai giãn cách, phong tỏa, cách ly cần linh hoạt, phù hợp, nhưng phải triệt để, hiệu quả. Khi cần, mỗi địa phương có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Trong đó, các ca bệnh nặng sẽ phải được tập trung điều trị, giảm tối đa các ca tử vong.
Thứ tư, chiến lược vắc-xin cần được thực hiện có hiệu quả, phân bổ linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022.
Các cấp, các ngành cần huy động rộng rãi các nguồn lực hợp pháp, nhất là hợp tác công tư trong phòng, chống dịch; đẩy nhanh nhập khẩu vắc-xin; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, tiến tới tự chủ vắc-xin nhanh nhất, sớm nhất có thể.
Thứ năm, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh; tăng cường truy vết, quản lý cách ly, sau cách ly; có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu về kiểm soát các tuyến biên giới.
Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời khen thưởng, biểu dương kịp thời những cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân làm tốt trong công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh các giải pháp chống dịch, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành địa phương chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội
Các giải pháp hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cần được triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Mục tiêu là không để người dân nào thuộc đối tượng mà không nhận được hỗ trợ; tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất cần tiếp tục triển khai, mở rộng cách làm sáng tạo trong sản xuất như lưu trú, cách ly ngay tại nhà máy, xí nghiệp. Đồng thời, các địa phương cũng cần xây dựng kịch bản thích nghi với điều kiện mới “vừa sản xuất, vừa chống dịch ngay tại nhà máy, xí nghiệp”, bảo đảm nguồn lao động cho sản xuất liên tục, không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.