5 hầm chứa vàng lớn nhất của nhân loại
Các ngân hàng trung ương toàn cầu hiện nắm giữ hơn 36.000 tấn vàng, chiếm gần 20% tổng dự trữ vàng và ngoại hối thế giới, trong đó Mỹ sở hữu 2/5 hầm vàng lớn nhất.
Theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng trung ương toàn cầu đang nắm giữ khoảng 1,16 tỷ ounce vàng với tổng trị giá lên đến 3.100 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng dự trữ vàng thế giới.
Trước bất ổn kinh tế và địa chính trị, nhiều ngân hàng trung ương đang có kế hoạch tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới, qua đó khẳng định vai trò của kim loại quý như một tài sản trú ẩn an toàn và chiến lược đa dạng hóa dự trữ của các quốc gia.
Mỹ hiện là quốc gia sở hữu lượng vàng dự trữ lớn nhất thế giới với 8.133 tấn vàng, tương đương gần 4% tổng lượng vàng đang lưu hành trên toàn cầu. Trong đó, 2 hầm vàng lớn nhất thế giới tại quốc gia này đang lưu trữ gần 11.000 tấn.
1. Kho vàng của Cục Dự trữ Liên bang New York (Mỹ)

Kho vàng lớn nhất thế giới nằm sâu dưới lòng đất, bên dưới tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang New York. Ảnh: Supercarblondie.
Tọa lạc tại số 33 Liberty Street, ngay trung tâm Khu Tài chính sầm uất của Lower Manhattan (New York), Cục Dự trữ Liên bang New York không chỉ là trụ cột trong hệ thống tài chính mà còn sở hữu hầm vàng lớn nhất thế giới.
Tòa nhà gồm 14 tầng nổi và 5 tầng hầm, trong đó tầng sâu nhất - nằm 24 m dưới mặt đất - là nơi lưu trữ khoảng 6.331 tấn vàng, tương đương 507.000 thỏi, biến nơi đây thành một trong những kho vàng quan trọng nhất hành tinh.
Hiện kho vàng có 122 ngăn, nhưng không một thỏi vàng nào thuộc sở hữu của ngân hàng trung ương Mỹ.
Cụ thể, 98% số vàng là tài sản của ngân hàng trung ương từ 36 quốc gia, phần còn lại thuộc về chính phủ Mỹ và các tổ chức quốc tế khác.
Với giá trị khổng lồ, hệ thống an ninh được đảm bảo ở mức tối đa. Cánh cửa thép nặng 90 tấn là lối vào duy nhất, chỉ có thể mở khi có sự giám sát của ít nhất 3 người, bao gồm một kiểm toán viên của Cơ quan Dự trữ New York. Mỗi thỏi vàng trước khi nhập kho đều trải qua quy trình kiểm tra, cân đo và định giá chặt chẽ, sau đó được bảo quản trong các tủ chuyên dụng với 3 lớp khóa bảo mật.
Ngoài ra, kho vàng được bảo vệ nghiêm ngặt với hệ thống cảm biến âm thanh, chuyển động, camera giám sát và tường đá granit kiên cố, chống khoan cắt và bom đạn.
Đáng chú ý, Fed chi nhánh New York không thu phí lưu trữ vàng nhưng tính phí xử lý giao dịch khi chủ tài khoản gửi thêm, rút bớt vàng hoặc chuyển đổi quyền sở hữu - khi đó, vàng sẽ được di chuyển đến các ngăn tương ứng trong kho.
2. Kho vàng của Ngân hàng Trung ương Anh

Vàng thỏi tại hầm chứa của Ngân hàng Trung ương Anh. Ảnh: Bank of England.
Nằm sâu dưới lòng đất tại phố Threadneedle, trung tâm tài chính London, hầm vàng của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) là kho vàng lớn thứ 2 thế giới.
Được xây dựng từ những năm 1930, hệ thống gồm 9 kho chứa kiên cố này đang cất giữ hơn 400.000 thỏi vàng, tổng khối lượng khoảng 5.000 tấn, trị giá ước tính 200 tỷ bảng Anh (252 tỷ USD).
Tương tự Fed chi nhánh New York, BoE chủ yếu đóng vai trò giữ hộ vàng, với chỉ 6% thuộc sở hữu của Bộ Tài chính Anh, phần lớn còn lại thuộc về các ngân hàng trung ương và tổ chức tài chính quốc tế.
Với giá trị khổng lồ, hầm vàng được bảo vệ bởi các bức tường kiên cố có thể chống bom, trong khi lối vào duy nhất chỉ mở được khi có đủ 3 chiếc chìa khóa dài 30 cm, nhận dạng giọng nói cùng nhiều lớp bảo mật khác.
Gần đây, trước lo ngại về thuế nhập khẩu của Mỹ, khoảng 8.000 thỏi vàng - tương đương 2% tổng số vàng tại đây - đã được rút khỏi BoE và chuyển đến New York, phản ánh sự dịch chuyển trong chiến lược dự trữ vàng toàn cầu.
3. Kho vàng Fort Knox (Mỹ)

Hoàn thành năm 1936 với chi phí hơn nửa triệu USD, kho vàng Fort Knox được thiết kế kiên cố, có thể chống mọi hình thức tấn công. Ảnh: BI.
Nằm cách Louisville, Kentucky khoảng 35 dặm về phía Nam, hầm vàng Fort Knox là một trong những kho dự trữ vàng bảo mật nhất thế giới. Hiện nơi đây cất giữ khoảng 147,3 triệu ounce vàng (tương đương 4.581 tấn), chiếm gần một nửa tổng dự trữ vàng của Bộ Tài chính Mỹ.
Được xây dựng vào năm 1936, Fort Knox sở hữu cấu trúc kiên cố với 16.000 feet khối đá granite, 4.200 yard khối bê tông, cùng 750 tấn thép gia cố và 670 tấn thép kết cấu.
Cánh cửa hầm nặng hơn 20 tấn, được bảo vệ bởi hệ thống an ninh tuyệt đối khi không một cá nhân nào nắm giữ toàn bộ mật mã mở cửa, và việc mở hầm đòi hỏi sự phối hợp của nhiều người. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các chi tiết về cấu trúc và quy trình mở cửa vẫn được giữ tuyệt mật.
Trong gần 90 năm hoạt động, Fort Knox chỉ mở cửa công khai 3 lần, lần gần nhất vào năm 1974. Gần đây, những phát biểu của cựu Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk về việc kiểm tra kho vàng này đã làm dấy lên sự quan tâm của dư luận về những bí ẩn bao quanh Fort Knox.
4. Kho vàng của Ngân hàng Trung ương Đức

Kho dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Đức - Bundesbank. Ảnh: Bundesbank.
Đức là quốc gia có dự trữ vàng lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, khoảng 3.351 tấn tính tại thời điểm quý III/2024.
Trước đây, phần lớn lượng vàng này được lưu trữ tại các ngân hàng ở New York (Mỹ), London (Anh) và Paris (Pháp). Tuy nhiên, từ năm 2013, dưới áp lực của dư luận, Đức đã bắt đầu quá trình hồi hương vàng dự trữ. Đến năm 2017, hơn khoảng 50,6% đã được chuyển về kho của Bundesbank tại Frankfurt.
Theo báo cáo thường niên của Bundesbank về trữ lượng vàng, tính đến năm 2023, chi nhánh Fed tại New York vẫn nắm giữ 36,6% dự trữ vàng của Đức và Ngân hàng Trung ương Anh ở London nắm giữ 12,8%.
Việc phân bổ vàng tại nhiều địa điểm nhằm đảm bảo an toàn và đa dạng hóa rủi ro. Các hầm vàng của Bundesbank, đặc biệt là tại Frankfurt, được bảo vệ bởi các biện pháp an ninh nghiêm ngặt và hiện đại, song chi tiết cụ thể được bảo mật.
5. Kho vàng của Ngân hàng Trung ương Pháp

Ngân hàng Trung ương Pháp - Banque de France - trụ sở tại Paris (Pháp). Ảnh: Reuters.
Ngân hàng Trung ương Pháp (Banque de France) sở hữu kho vàng quốc gia với khoảng 2.436 tấn, đưa Pháp trở thành nước có dự trữ vàng lớn thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Đức và Italy.
Số vàng này được lưu trữ tại hầm ngầm "La Souterraine" nằm dưới trụ sở chính của ngân hàng ở Paris. Hầm được xây dựng vào năm 1924 và chính thức hoạt động từ năm 1927.
Nằm sâu 27 m dưới lòng đất, "La Souterraine" chứa khoảng 194.944 thỏi vàng, với tổng giá trị khoảng 188 tỷ euro (197 tỷ USD).
An ninh tại hầm được thắt chặt tối đa, với chưa đến 10 người có quyền tiếp cận, cùng nhiều biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.
Ngoài việc lưu trữ vàng quốc gia, Ngân hàng Trung ương Pháp còn bảo quản vàng cho các ngân hàng trung ương khác và các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), do đó, khối lượng vàng thực tế trong "La Souterraine" có thể lớn hơn con số 2.436 tấn.
Việc lưu trữ vàng tại nhiều địa điểm và cung cấp dịch vụ bảo quản cho các tổ chức quốc tế giúp Pháp đảm bảo an toàn cho dự trữ vàng, đa dạng hóa rủi ro và duy trì khả năng giao dịch trên thị trường quốc tế.
Nguồn Znews: https://znews.vn/5-ham-chua-vang-lon-nhat-cua-nhan-loai-post1533934.html