5 hoang tưởng đã gây ra thảm họa tại Afghanistan
Cảnh tượng hàng nghìn người Afghanistan chạy trốn khỏi Taliban và cuộc tấn công chết người vào sân bay Kabul ngày 26/8 đã tạo ra các mối đe dọa nhân đạo và an ninh. Những hoang tưởng về thực tại ở Afghanistan và quyết tâm chấm dứt 'Cuộc chiến vô tận' của Mỹ tại đây đã gây ra thảm họa này.
Một chiến binh Taliban đứng gác tại địa điểm xảy ra vụ tấn công liều chết ngày 26/8 tại sân bay Kabul - Ảnh: Wakil Kohsar, AFP
Bài liên quan
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi Taliban thực hiện các cam kết
Nữ nhà báo chạy trốn khỏi Afghanistan sau cuộc phỏng vấn lịch sử với Taliban
Ngoại trưởng Vương Nghị: Thế giới cần hướng dẫn Taliban
Sau vụ đánh bom tự sát giữa đám đông bên ngoài sân bay Kabul giết chết hơn 175 người Afghanistan và 13 binh sĩ Mỹ, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, McMaster, đã nói thẳng hôm thứ Năm (26/8) tuần trước trên BBC rằng: "Mọi chuyện mới chỉ bắt đầu. Đó là những gì sẽ đến khi bạn đầu hàng một tổ chức khủng bố”.
Tuy nhiên, những lời chỉ trích của McMaster nhanh chóng bị gạt sang một bên. Nên nhớ, trung tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu và từng là cố vấn an ninh quốc gia cho cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Họ giải thích rằng các lập luận của ông chỉ là nỗ lực của đảng Cộng hòa trong việc kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chức.
Từ lâu, mối quan hệ không lành mạnh giữa các đảng phái trong chính trị Mỹ đã làm méo mó hiện thực ở Afghanistan. Thực ra, cả Trump lẫn Biden đều hứa về một sự kết thúc nhanh chóng cho “Cuộc chiến vô tận” ở quốc gia này.
Trong quyết tâm kết thúc chiến tranh, một số quan niệm sai lầm và hoang tưởng đã xuất hiện trên các diễn đàn chính trị tại Mỹ trong vài năm qua. Chính vì chúng, thảm họa đã và đang dần xuất hiện tại Afghanistan. Dưới đây là 5 trong những quan niệm hoang tưởng đó.
Taliban đã “hoàn lương”
Khái niệm Taliban 2.0 và đã “hoàn lương” bắt đầu được chú ý vào khoảng năm 2018, khi chính quyền Trump bổ nhiệm cựu đại sứ Mỹ tại Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad, làm đại diện đặc biệt mới của Mỹ về hòa giải Afghanistan.
Taliban thế hệ mới đã học được bài học thảm khốc từ những năm 1990. Họ đã thay súng AK bằng những “vũ khí” trên mạng xã hội như Twitter, bằng những chiêu trò đánh bóng hình ảnh qua các hoạt động thể thao và cả những bức ảnh thân thiện với trẻ nhỏ.
Trong khi Liên Hợp Quốc xác định Taliban là tổ chức khủng bố 2 năm trước vụ tấn công 11/9, Mỹ chưa bao giờ làm điều tương tự, dù tổ chức này có tiêu chí để được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào. Năm 2002, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush đã ký một sắc lệnh xác định Taliban là "Thực thể khủng bố toàn cầu được định danh đặc biệt".
Song, các động thái định danh Taliban là tổ chức khủng bố nước ngoài đã bị gác lại vì người ta thừa nhận rằng các cuộc đàm phán với một nhóm khủng bố nước ngoài sẽ rất phức tạp.
Chính vì vậy, Taliban đã đánh lừa được tất cả, hoặc tất cả đã làm ngơ cho họ. Họ vẫn tập trung vào việc chấm dứt "cuộc xâm lược" của Mỹ và tôn vinh sự dũng cảm của các chiến binh cảm tử. Taliban không bao giải quyết các mối quan tâm về quyền con người - đặc biệt là phụ nữ. Khi bị thúc ép, họ lại áp dụng một chiêu cũ là "quyền phụ nữ trong khuôn khổ Hồi giáo".
Chiến binh Taliban sung sướng tự chụp ảnh sau lệnh ngừng bắn tháng 6/2018 đánh dấu lễ hội tôn giáo Eid ul-Fitr - Ảnh: Reuters
“Taliban đã đoạn tuyệt với Al Qaeda”
“Taliban tuyên bố rằng họ chuẩn bị đoạn tuyệt với đồng minh lịch sử, Al Qaeda”, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3/2020. “Bạn có thể thấy, hãy đọc tài liệu đi, Taliban đang cắt bỏ mối quan hệ với chúng”, ông nói thêm.
Ông Pompeo đã phát biểu một ngày sau khi Mỹ ký thỏa thuận rút quân với Taliban có tên là “Thỏa thuận mang lại hòa bình cho Afghanistan giữa các Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan". Phần hai của thỏa thuận dài 4 trang nêu rõ Taliban “sẽ không cho phép bất kỳ thành viên nào, cá nhân hoặc nhóm nào khác, bao gồm Al Qaeda, sử dụng đất của Afghanistan để đe dọa an ninh của Hoa Kỳ và đồng minh của mình”.
Tuy nhiên, tất cả đều chỉ những tuyên bố trên giấy tờ. Các chuyên gia quân sự và an ninh cảnh báo, mối liên hệ giữa Taliban và Al Qaeda rất sâu sắc và bao gồm cả các hôn nhân giữa 2 nhóm, khiến họ trở thành một gia đình lớn.
“Mối quan hệ giữa Taliban, đặc biệt là Mạng lưới Haqqani và Al Qaeda vẫn khăng khít, dựa trên tình bạn, lịch sử đấu tranh, sự đồng cảm về ý thức hệ và hôn nhân”, một báo cáo của Liên hợp quốc gửi Hội đồng Bảo an hồi tháng 8 này cho biết.
Trong khi các “thánh chiến” Taliban ôm bom lao vào xe buýt, thì Al Qaeda "đã ăn mừng nó như một chiến thắng cho chính nghĩa", báo cáo trên cũng cho biết. Rồi sau khi Taliban tiếp quản Kabul vào ngày 15/8, chi nhánh Bắc Phi của al Qaeda ở Maghreb (AQIM ), chào mừng “chiến thắng” ở Afghanistan. Còn Al Qaeda tại Bán đảo Ả Rập (AQAP), phần lớn ở Yemen, tuyến bố đó là "sự khởi đầu của một sự chuyển đổi quan trọng" trên toàn thế giới.
Trong khi Taliban tạo khoảng cách với nhóm khủng bố toàn cầu đã tiến hành vụ tấn công 11/9, thì Al Qaeda không chút e ngại khi tuyên bố rằng số phận của họ gắn liền với Taliban ở Afghanistan, đồng thời xem đây là tiền đề để tiến hành các vụ khủng bố đe dọa Mỹ và các đồng minh.
“Taliban chỉ là nhóm dân tộc chủ nghĩa”
Việc đánh giá Taliban như phong trào chủ nghĩa dân tộc là cách để Mỹ đàm phán với nhóm này một cách chính danh, như với một tổ chức chính trị bình thường tại Afghanistan.
Tuy nhiên, những kẻ đứng đầu Taliban sống sót sau cuộc chiến của Mỹ trước đây thực tế từng trú ngụ ở nhiều căn cứ tại Pakistan để tiếp tục chiến đấu. Hội đồng Đại Tây Dương từng lưu ý trong một báo cáo về sự phụ thuộc của Taliban vào Pakistan: “Họ nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Pakistan về tình báo và quân sự”.
"Làm sao họ có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào quân đội và cơ sở chính trị Pakistan để hoạt động như một phong trào dân tộc chủ nghĩa?", báo cáo trên đưa ra một câu hỏi mà không cần ai trả lời.
Bức tường vẽ hình ảnh Đại diện Mỹ về Hòa giải - Zalmay Khalilzad và người đồng sáng lập Taliban - Mullah Abdul Ghani Baradar, tại Kabul ngày 5/4/2020 - Ảnh: Wakil Kohsar
“Cuộc chiến vô tận” quá tốn kém
“Cuộc chiến vô tận” tại Afghanistan đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.400 lính Mỹ và gần 2 nghìn tỷ USD là những con số thống kê thường được trích dẫn để biện minh cho việc chấm dứt chiến tranh ngay lập tức.
Song thực tế, từ năm 2014, số quân đội Mỹ đóng quân ở Afghanistan đã ít hơn rất nhiều, dẫn đến giảm chi phí và thương vong. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến ngày 23/08/2021, có không đến 100 lính Mỹ chết ở Afghanistan trong 5 năm qua - “chỉ tương đương số người Mỹ chết vì Covid-19 sau mỗi hai giờ đồng hồ hiện tại”, tờ New York Times lưu ý.
Khi Biden nhậm chức vào đầu năm nay, ông đã hủy bỏ một số chính sách thời Trump. Tuy nhiên, thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban lại không nằm trong số đó. Đại diện hòa bình Zalmay Khalilzad mà Trump cử tới trước đây, dù của Đảng Cộng hòa, song tiếp giữ chức vụ.
Trên tờ New York Times, Ryan Crocker, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Afghanistan dưới thời Obama, chỉ ra: "Sự thiếu kiên nhẫn của Mỹ vào những thời điểm quan trọng đã làm tổn hại đến các đồng minh, khuyến khích kẻ thù của chúng ta và tăng nguy cơ đối với an ninh của chúng ta".
“Chính phủ dân chủ Afghanistan còn yếu”
Chính phủ được bầu cử dân chủ của Afghanistan trước khi bị Taliban lật đổ mới đây đã không được tham gia vào các cuộc đàm phán về tương lai đất nước. Đó là một sự quyết định thiếu công bằng của Mỹ. Nước Mỹ từng hô vang khẩu hiệu đề cao các giá trị dân chủ là chính sách đối ngoại chính. Trong khi đó, họ đã loại bỏ chính phủ được bầu của Afghanistan trong việc đàm phán rút quân, qua đó đã khiến các đồng minh sửng sốt, còn những kẻ thù thì vui mừng.
Lý do được giải thích cho vấn đề này là Mỹ không hài lòng với những tổng thống được bầu cử dân chủ của Afghanistan. Tổng thống đắc cử đầu tiên, Hamid Karzai, luôn bị rêu rao tham nhũng, kém hiệu quả. Người kế nhiệm ông là Ashraf Ghani cũng được cho rằng không khá hơn.
Sau khi Taliban tiếp quản, người ta còn đổ lỗi cho cả quân đội nước này. Quân đội Quốc gia Afghanistan chịu nhiều thương vong trong nỗ lực chống lại Taliban và bị truy quét sau vụ lật đổ. Nhưng cách hành xử của Mỹ đã làm suy kiệt tinh thần của họ. Khi Mỹ rời bỏ căn cứ Bagram vào giữa đêm mà không thông báo cho các đối tác Afghanistan, nó giáng một đòn chí mạng vào đội quân đang phải đối mặt với kẻ thù.
Nhà báo kỳ cựu Bilal Sarwary giải thích: “Khi người Mỹ rời đi vào lúc nửa đêm mà không thông báo, điều đó cũng có nghĩa các nhân vật quan trọng của họ đã rời đi”. Ông nói thêm: “Các lực lượng tinh nhuệ của Afghanistan nhận ra tín hiệu đó và họ đã hoang mang. Họ nghĩ, điều gì đang xảy ra? Mỹ đang bỏ rơi chúng ta, Taliban đang đến, hệ thống chính trị đang bị chia rẽ?”.
Đó là lý do một đội quân được đầu tư hàng tỷ đô la với vô số vũ khí hiện đại lại sụp đổ một cách nhanh chóng trước Taliban, để rồi chỉ trong vòng hơn một tuần khép vòng vây, nhóm phiến quân đã tiến vào tiếp quản thủ đô Kabul mà không tốn một viên đạn. Kabul thất thủ đã tạo ra sự hỗn loạn khủng khiếp khi hàng nghìn người nước ngoài và người Afghanistan đổ về sân bay quốc tế Hamid Karzai để tìm kiếm hy vọng rời khỏi đất nước, trốn khỏi sự cai trị của Taliban.