5 lý do điện thoại gập chưa thể thay thế được máy tính bảng
Mặc dù có thể đem lại những trải nghiệm khác biệt hơn điện thoại thông thường, nhưng để có thể thay thế được máy tính bảng thì vẫn còn là một chặng đường dài.
Theo một báo cáo chuyên sâu của Counterpoint Research, thị trường smartphone gập toàn cầu đã tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái, với số lượng bán ra đạt 2.5 triệu chiếc chỉ trong quý 1 năm 2023. Trong bối cảnh thị trường smartphone toàn cầu đang trên đà giảm, con số này cho thấy điện thoại gập vẫn đang là xu hướng phát triển chính của nhiều nhà sản xuất và được dự báo sẽ còn tăng trưởng tiếp theo trong tương lai gần.
Có được điều này, một phần là bởi những chiếc điện thoại gập giờ đây đã có những thay đổi vượt bậc đem lại trải nghiệm khác biệt so với điện thoại và gần giống như một tablet có thể bỏ túi. Đơn cử như chiếc Galaxy Z Fold5 vừa mới được Samsung ra mắt hay nhưng mẫu điện thoại gập từ OPPO, Xiaomi… đều nhận được nhiều phản hồi tích cực cả về thiết kế lẫn tính năng, hiệu năng, hứa hẹn sẽ còn tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, bất chấp những cải tiến ấy thì với cá nhân tôi, điện thoại gập vẫn chưa thể thay thế được máy tính bảng. Sau một khoảng thời gian dài sử dụng qua nhiều chiếc điện thoại gập và máy tính bảng, tôi vẫn sẽ quyết định chưa dùng đến điện thoại gập cho nhu cầu hàng ngày vì 5 lý do sau:
Màn hình to, nhưng chưa đủ "sướng"
Một trong những điểm nhấn làm nên sự khác biệt giữa smartphone gập so với điện thoại thông thường chính là vì màn hình của chúng lớn hơn. Có thể nói, chính mong muốn được "nới" rộng màn hình trên những chiếc smartphone dạng thẳng đã trở thành tiền đề cho việc sáng tạo nên smartphone gập hiện tại. Tuy nhiên, dù có lớn và mang trải nghiệm thoải mái đến mấy thì kích thước của những màn hình này cũng chưa thể so sánh được với máy tính bảng, dù là những chiếc tablet cơ bản.
Đơn cử như Galaxy Z Fold5 có màn hình 7.6 inch, vẫn nhỏ hơn một chút nếu so với màn hình iPad mini 8.3 inch. Đương nhiên, một số người sẽ lựa chọn dòng điện thoại gập này vì nó dễ dàng bỏ vào trong túi. Nhưng nếu để so với mẫu iPad Pro có màn hình 11 hay bản 12.9 inch mà tôi đang dùng đây, nghĩa là gần gấp đôi về kích thước thì mẫu điện thoại gập vẫn chưa thể là đối thủ nếu xét về trải nghiệm hình ảnh, dù có bỏ qua câu chuyện nếp gấp màn hình 'phải có' trên điện thoại gập.
Không những vậy, tỷ lệ khung hình cũng là điểm khiến cho hầu hết các mẫu điện thoại gập chưa thực sự thỏa mãn được tôi. Việc có tỷ lệ gần như vuông, khiến có các ứng dụng (vốn phát triển cho điện thoại chữ nhật) khó có thể tối ưu một cách tốt nhất. Ngay cả các ứng dụng như Facebook, đôi khi vẫn gây khả năng hiển thị không hoàn hảo nếu phải xem video ở dạng dọc hoặc hình ảnh dễ bị bè ra hai bên.
Nếu là người thích xem các nội dung video hay nói chính xác hơn là xem phim, hãy cân nhắc khi lựa chọn điện thoại màn hình gập, bởi chúng không mang lại giá trị tối ưu khi thực tế kích thước hiển thị của nội dung cũng chỉ nhỉnh hơn điện thoại thông thường đôi chút. Diện tích màn hình còn lại là hai dải đen lớn trên dưới khi xem sẽ khá khó chịu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm. Với iPad Pro 12.9 inch mà tôi đang sử dụng, điều này cũng tương tự, nhưng đương nhiên do tỉ lệ khung hình chữ nhật nên dải đen này cũng nhỏ hơn, đồng thời khung hình lớn hơn nên xem cũng tập trung và "sướng" hơn.
Thời lượng pin, có cải thiện nhưng là chưa đủ
Nhìn vào thiết kế hiện tại của các mẫu điện thoại gập, có thể thấy khả năng cải thiện thời gian sử dụng lâu dài dựa trên việc tăng cường dung lượng pin là khá thấp, nếu không tìm ra được loại pin thích hợp có kích thước tỷ lệ nghịch với dung lượng.Phần vì những chiếc máy này đều có màn hình lớn, cùng với đó là rất nhiều các linh kiện bên trong, khiến không gian để có thể "nhét" thêm pin vào là không nhiều. Chúng ta đã có những giải pháp như chia pin thành 2 nửa đặt riêng ở hai bên máy trong những chiếc Galaxy Z Fold5, hay nhiều mẫu điện thoại khác đang ứng dụng nhằm giải quyết vấn đề này.
Bên cạnh đó, như mẫu điện thoại gập nhà Samsung đã có thêm sự hỗ trợ của vi xử lý với thuật toán cân bằng được hiệu năng và dung lượng tiêu hao, giúp chiếc máy phần nào có thể hoạt động được bền bỉ suốt cả ngày. Nhưng đó vẫn chưa đủ để chứng minh điện thoại gập lại có pin tốt hơn máy tính bảng.
Thực tế cho thấy, dù là có cùng thời lượng sử dụng khoảng 1 ngày, tuy nhiên tần suất hoạt động của máy tính bảng lại vượt trội hơn nhiều. Như mẫu iPad Pro 12.9 inch của tôi sẽ thường hoạt động liên tục hàng giờ liền mỗi khi tôi xem phim, chơi game hoặc xử lý công việc. Trong khi đó, với điện thoại gập tần suất này cũng ít hơn, hầu như chỉ check mail, lướt web hoặc messenger nhẹ nhàng với thời gian sử dụng cũng ngắn hơn nhiều. Nếu đổi lại 2 công việc của hai thiết bị với nhau, tôi e rằng điện thoại gập sẽ sập nguồn luôn chỉ sau vài tiếng.
Trải nghiệm duyệt web vẫn chưa đủ vượt trội
Một trong những lý do mà tôi rất thích khi sử dụng iPad Pro chính là vì nó có trình duyệt web "xịn" giống như trên chiếc Macbook nhưng trong hình hài của một thiết bị di động. Nói rõ hơn, khi bạn lướt vào bất cứ trang web nào trên iPad Pro, nó thường mặc định là giao diện desktop giống như trên các thiết bị chạy MacOS.
Trong khi đó, ở các thiết bị điện thoại màn hình gập, dù mở ra có không gian rộng rãi hơn, nhưng khi truy cập vào một trang web nào đó trên Chrome thì bỗng dưng máy vẫn mặc định là giao diện mobile. Điều này sẽ gây khó chịu đôi chút và tôi phải vào lựa chọn "Mở giao diện máy tính" thì mọi thứ mới theo ý muốn. Tất nhiên, việc ép theo giao diện như vậy cũng khiến cho trải nghiệm lướt không được suôn sẻ cho lắm và trừ khi đang có việc gấp cần xử lý ngay công việc mà trong tay chỉ có mỗi điện thoại màn hình gập, tôi mới đành chấp nhận.
Nếu là Android fan, bạn có thể cân nhắc dòng máy tính bảng Galaxy Tab S9. Chiếc tablet này kết hợp cùng DeX là con đường đúng đắn của Samsung để giúp người dùng có thể tận dụng hết "mã lực" của thiết bị cũng như mang lại cảm giác gần nhất với một chiếc laptop.
Sáng tạo nội dung? Cũng được nhưng hạn chế
Như đã nói, màn hình lớn chính là điểm đột phá của điện thoại gập so với smartphone thông thường. Bên cạnh trải nghiệm hình ảnh, một điểm khiến Samsung vượt trội hơn so với các đối thủ gập khác chính là việc hãng này có thể tích hợp khả năng sử dụng bút S Pen, để viết vẽ ghi chú giống như các mẫu Galaxy Note trước đây. Điều này rất thích hợp vì khi kết hợp màn hình kích thước lớn sẽ đem đến không gian rộng rãi, đủ để người dùng có thể sáng tạo, vẽ phác thảo hoặc lên ý tưởng thông qua ghi chú một cách trực quan dễ dàng. Tuy nhiên, nếu để so sánh việc này với tablet nói chung hay iPad Pro nói riêng thì vẫn còn hạn chế.
Đơn cử như việc viết vẽ trên Galaxy Z chưa thực sự đã tay vì trên màn hình mẫu máy này được phủ lớp kính UTG nhằm bảo vệ màn hình gập mỏng manh, nhưng lại gián tiếp khiến cho trải nghiệm dùng bút không có cảm giác "chân thực" như trên các mẫu Galaxy S hay Note trước đây. Đó cũng là lý do để việc sử dụng bút qua lại giữa các phiên bản trở nên hạn chế, ví dụ như bút trên Galaxy Tab S9 không dùng được trên Galaxy Z Fold5, hay giữa các đời Fold cũng khó có thể dùng chung, làm thiếu đi sự liên kết trong cùng hệ sinh thái đồng thời khiến cho việc di chuyển bị ảnh hưởng ít nhiều.
Đó là chưa kể đến phần nếp gấp màn hình, sẽ khiến bạn không thể có được nét vẽ chuẩn xác, nếu đi qua khu vực này. Với tất cả những điều này, trải nghiệm sáng tạo, viết vẽ hay ghi chú trên một chiếc tablet như Tab S9 hay iPad Pro của tôi đều có thể làm được dễ dàng và còn tốt hơn.
Độ bền, vẫn còn là dấu hỏi chấm
Trong những năm vừa qua, mặc dù những mẫu điện thoại gập như Z Fold5 đều được trang bị những nâng cấp cải tiến về độ bền như vật liệu mới cho khung vỏ, kính bảo vệ tốt hơn nhưng câu hỏi về độ bền vẫn là thách thức lớn. Người ta thường chỉ nghĩ đến sự mỏng manh nằm ở bản lề khi thay phiên thử thách và 'khoe' xem chịu được bao nhiêu lần gập, nhưng để có thể thực sự 'xông pha' hàng ngày thì còn cần nhiều yếu tố khác.
Một điểm đáng khen là Z Fold5 cũng đã có thêm kháng bụi, nước, đảm bảo phần nào được yếu tố chịu đựng khắc nghiệt nhưng để có thể an toàn với hàng trăm linh kiện siêu nhỏ bên trong thì chiếc máy vẫn không thể so được với tablet. Thực ra, các mẫu như iPad Pro cũng chưa thể bền bỉ được như điện thoại thường, khi mà kích thước lớn dễ khiến nó bị biến dạng mà cụ thể là cong đi nếu bị tác động từ bên ngoài. Nhưng để nhìn nhận thực tế thì nó vẫn không mỏng manh dễ vỡ như những chiếc điện thoại gập (đặc biệt là màn hình iPad không cần phải gập), vẫn có thể thoải mái để tôi 'quăng quật' mà không cần nhìn trước ngó sau như với Z Fold5.
Tổng kết
Điện thoại gập vẫn đâu đó cho tôi một vài lý do thuyết phục để trở thành một chiếc điện thoại hàng ngày. Thiết kế đột phá, gọn gàng, khả năng xử lý mạnh mẽ, camera tốt vẫn là những yếu tố đáng tiền cho một chiếc điện thoại đúng nghĩa (và tất nhiên là cả tính năng gọi điện thoại). Nhưng nếu để dùng cho các tác vụ mạnh mẽ hơn, cần sự sáng tạo và chuyên sâu thì iPad hay các máy tính bảng khác sẽ là lựa chọn của tôi. Trong tương lai, nếu một ngày nào đó những chiếc điện thoại gập có thể thay thế máy tính bảng thì có lẽ màn hình, thời lượng pin, độ bền cũng như phần mềm hỗ trợ sẽ là những thứ cần phải cải thiện đầu tiên.