5 lý do khiến cầu thủ Việt Nam dễ sa ngã

Không được trang bị kiến thức đầy đủ đi kèm với môi trường phức tạp của bóng đá Việt Nam được nhìn nhận như là những nguyên nhân chủ yếu khiến các cầu thủ đánh mất mình.

Đổ rất nhiều mồ hôi trên sân tập và sẵn sàng đánh đổi để giành danh hiệu ở các giải trẻ, nhưng các cầu thủ nhí tốn rất ít nơ-ron cho việc học văn hóa. Ảnh: tinthethao.

Đổ rất nhiều mồ hôi trên sân tập và sẵn sàng đánh đổi để giành danh hiệu ở các giải trẻ, nhưng các cầu thủ nhí tốn rất ít nơ-ron cho việc học văn hóa. Ảnh: tinthethao.

Học đá bóng trước khi học làm người

Rất nhiều ý kiến phản hồi xung quanh vụ bán độ của các cầu thủ Đồng Nai từ độc giả của Zing.vn cho rằng, việc không được giáo dục một cách đầy đủ là nguyên nhân khiến phần lớn cầu thủ Việt Nam có nhận thức lệch lạc về cuộc sống và nghề nghiệp. Trong nhiều trường hợp, họ thậm chí không ý thức hết việc mình đang làm là phạm pháp. Chỉ đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, cầu thủ thực hiện hành vi mới hối hận nhưng đã quá muộn.

Trừ HAGL với lứa cầu thủ trẻ của học viện HAGL Arsenal JMG được đào tạo bài bản và toàn diện, hầu hết các CLB ở Việt Nam, sau khi tuyển sinh được các cầu thủ nhí, chủ yếu chỉ chú ý đến khâu đào tạo kỹ năng chơi bóng. Việc học văn hóa bị xem nhẹ hoặc chỉ mang tính hình thức để đối phó.

Các cầu thủ trẻ phải xa gia đình từ nhỏ, thiếu thốn tình cảm yêu thương và sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ đã bị ảnh hưởng lớn đến quá trình hoàn thiện nhân cách. Họ lại không được giáo dục một cách đầy đủ nên dẫn tới hậu quả là không được trang bị kiến thức, sự hiểu biết khi trưởng thành và dễ dàng dẫn tới hành vi sa ngã, phạm pháp.

Trung vệ Huy Hoàng, một điển hình của những mối quan hệ xã hội phức tạp bên ngoài sân cỏ. Ảnh: internet

Trung vệ Huy Hoàng, một điển hình của những mối quan hệ xã hội phức tạp bên ngoài sân cỏ. Ảnh: internet

Cạm bẫy bủa vây bên ngoài sân cỏ

Trong khi không được “mặc áo giáp” bằng trình độ nhận thức, các cầu thủ Việt Nam tiếp xúc với quá nhiều cạm bẫy ngoài giờ tập luyện và thi đấu. Tất cả các vụ án bán độ, dàn xếp tỷ số hoặc scandal bị phanh phui từ trước tới nay, bị can (nghi phạm) là cầu thủ luôn có mối quan hệ với các đối tượng, thành phần phức tạp ngoài xã hội.

HLV Trần Bình Sự của Đồng Nai chia sẻ về vụ án bán độ của 6 cầu thủ: “Tôi luôn dặn các cháu là đừng thấy họ mời mình ăn, mời mình chơi thì nghĩ là họ tốt với mình. Đấy chính là quá trình lôi kéo, rủ rê các cầu thủ vướng vào vòng phi pháp của những đối tượng phức tạp bên ngoài đội bóng”.

Ở V.League, SLNA có lẽ là CLB phải trả giá nhiều nhất do mối quan hệ của cầu thủ với “dân xã hội”. Đại bản doanh của đội bóng xứ Nghệ nằm trên đường Đào Tấn có dạo là địa bàn phức tạp nhất nhì ở thành phố Vinh. Cứ sau giờ tập, cầu thủ lại tiếp xúc với đủ loại thói hư tật xấu và đã có những trường hợp phải trả giá.

Cùng thế hệ với HLV Nguyễn Hữu Thắng có tiền vệ Phan Thanh Tuấn đánh mất tất cả vì nghiện ma túy. Đến thế hệ đàn em sau này có Nguyễn Văn Ý bị đuổi khỏi đội năm 2004 vì trộm cắp tài sản tình nghi do liên quan đến ma túy. Năm 2007, đội trưởng U19 SLNA Lưu Văn Hiền bị bắt quả tang đang sử dụng heroin tại phòng riêng. Đến năm 2008, đến lượt Nguyễn Hồng Việt, thành viên của U20 VN vô địch ĐNA, bị bắt ngay trước cổng CLB vì tội tàng trữ ma túy.

Đấy là chưa kể đến nghi án “say rượu múa hát trong xe ô tô” của Huy Hoàng hay vụ án bán độ chấn động tại SEA Games 23 (2005) mà chủ mưu là các cầu thủ xứ Nghệ…

Đồng tiền kiếm được từ bóng đá quá dễ dàng với sự xuất hiện của các nhà tài phiệt.

Đồng tiền kiếm được từ bóng đá quá dễ dàng với sự xuất hiện của các nhà tài phiệt.

Đồng tiền đến dễ thì cũng nhanh đi

Với cú hích từ chức vô địch Đông Nam Á năm 2008, bóng đá Việt Nam đón nhận thêm một luồng tiền khổng lồ từ các ông chủ trong quãng thời gian khoảng 3-4 năm sau đó.

Đây cũng chính là giai đoạn chứng kiến sự ra đời của rất nhiều CLB lấy tiền làm nền tảng, dùng lương thưởng trên trời để chèo kéo cầu thủ dẫn tới hệ quả là không có ngành nghề nào dạo ấy kiếm tiền nhiều và dễ thực hiện giấc mơ đổi đời bằng bóng đá. Một cầu thủ tầm tầm cũng có phí lót tay 4-5 tỷ đồng/3 năm chưa kể lương thưởng hàng tháng.

Đến thời điểm hiện tại, tuy khó khăn về kinh tế đã khiến thu nhập của giới cầu thủ giảm đi đáng kể nhưng vẫn ở mức cao trong xã hội. Nhóm 6 cầu thủ Đồng Nai bán độ có những người vẫn kiếm tới 700 triệu đồng/năm.

Tiền vệ Quốc Vượng (chủ mưu trong vụ án bán độ tại SEA Games 23) từng tâm sự: “Đồng tiền đến quá dễ khiến cầu thủ không biết quý trọng và tiêu xài hoang phí vào những trò vô bổ. Nên đến khi hết tiền, họ sẵn sàng làm liều để thỏa mãn nhu cầu “đốt” ở mức cao của mình”.

Không ai biết họ làm gì cho đến khi cơ quan điều tra vào cuộc.

Không ai biết họ làm gì cho đến khi cơ quan điều tra vào cuộc.

Sự buông lỏng quản lý của CLB

GĐĐH Nguyễn Văn Long và HLV Trần Bình Sự đã sốc khi biết nhóm 6 cầu thủ Đồng Nai thực hiện hành vi dàn xếp tỷ số. Khó trách ông Long và ông Sự khi phi vụ bán độ đã được dàn xếp tinh vi, nó chỉ được đưa ra ánh sáng khi cơ quan công an vào cuộc.

Nhưng sự bị động của ban lãnh đạo và ban huấn luyện đội bóng, hoặc cảm giác “nghi ngờ mà không làm gì được” cho thấy họ thiếu một cơ chế và những biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa sự việc từ trong trứng nước.

Trong tất cả các vụ án bán độ từ trước tới nay của bóng đá Việt Nam từ cấp CLB đến cấp đội tuyển, hầu hết những người có trách nhiệm đứng mũi chịu sào đều không hay và sau đó chỉ biết than vãn sau khi cơ quan điều tra vào cuộc.

Khái niệm “quản lý đội bóng” vẫn chưa được định nghĩa một cách chính xác với các CLB Việt Nam. Cá biệt như trường hợp của Ninh Bình thì công tác quản lý cầu thủ gần như bị buông xuôi trong một thời gian dài. CLB có lúc bị ví như cái chợ nên không nắm bắt được những diễn biến trong lòng đội bóng.

Từ tuyển thủ U23, Đắc Khánh (trái) đánh mất tất cả vì thú đỏ đen trong dịp World Cup 2010.

Từ tuyển thủ U23, Đắc Khánh (trái) đánh mất tất cả vì thú đỏ đen trong dịp World Cup 2010.

Hậu quả từ những giải đấu lớn

Cơ quan điều tra chưa xác minh liệu hành vi bán độ của nhóm 6 cầu thủ Đồng Nai có liên quan gì đến World Cup 2014 hay không, nhưng có một sự thật là bấy lâu, các HLV và các nhà quản lý bóng đá trong nước luôn nhìn những giải đấu bóng đá lớn như Euro hay World Cup bằng ánh mắt đề phòng.

HLV lão làng Nguyễn Thành Vinh từng phát biểu: “Nhiều cầu thủ Việt Nam mất nghiệp vì World Cup”. Bởi cứ sau mỗi giải bóng đá lớn là lại xuất hiện những “tấm gương” bổ chửng. Hậu vệ Trương Đắc Khánh (SLNA) vì cá độ tại World Cup 2010 nên dẫn tới nợ nần và đánh mất cả sự nghiệp. Tiền đạo Trần Công Danh (Hòa Phát Hà Nội) thân bại danh liệt cũng vì lý do tương tự…

Nổi tiếng nhất trong số những cầu thủ Việt Nam dính vào trò đỏ đen là trường hợp của trung vệ Vũ Như Thành, khi cầu thủ này công khai thừa nhận những lần đặt cửa đã khiến anh đánh mất quá nhiều thứ trong cuộc sống và sự nghiệp. Giờ đây, ở độ tuổi xế chiều, Như Thành vẫn đang cặm cụi cày ải với mơ ước được làm lại từ đầu.

Hoàng Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/5-ly-do-khien-cau-thu-viet-nam-de-sa-nga-post439434.html