5 mô hình tự quản phát huy hiệu quả

5 mô hình tự quản do MTTQ tỉnh chủ trì thực hiện trong nhiều năm qua ngày càng phát huy hiệu quả và không ngừng được nhân rộng.

Các thành viên trong Tổ tự quản môi trường thôn Quỳnh Huê, xã Thống Nhất (Gia Lộc) kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom rác thải

Các thành viên trong Tổ tự quản môi trường thôn Quỳnh Huê, xã Thống Nhất (Gia Lộc) kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom rác thải

Nhân dân đồng tình

Xây dựng và nhân rộng 5 mô hình tự quản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2014-2019. Đó là các mô hình: "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường", "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang", "Ban thanh tra nhân dân thực hiện giám sát đầu tư cộng đồng có hiệu quả", "Khu dân cư tự quản về an ninh trật tự" và "Ban công tác mặt trận thôn, khu dân cư vận động nhân dân hiến đất, hiến công trong chương trình xây dựng nông thôn mới".

Những mô hình trên đã được MTTQ các cấp trong tỉnh chú trọng triển khai, nhân rộng trong nhiệm kỳ qua. Nhiều mô hình khi áp dụng tại các thôn, khu dân cư đã có những tác động tích cực đến đời sống, văn hóa, xã hội, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân.

Trước kia, các đám tang ở xã Thanh Sơn (Thanh Hà) vẫn còn tình trạng khóc thuê, rải tiền vàng. Hầu như nhà nào khi có đám cũng tổ chức ăn uống linh đình gây lãng phí. Năm 2016, Thanh Sơn được tỉnh chọn làm điểm thực hiện mô hình "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang". Xã đã xây dựng và triển khai quy chế "5không" trong tổ chức việc tang, đó là: không hút thuốc lá; các đoàn thể đến viếng không phát biểu; không làm cỗ mời khách; không rải tiền vàng; không khóc thuê, thổi kèn quá 22 giờ hôm trước và trước 5 giờ sáng hôm sau. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, tất cả cán bộ, đảng viên đã gương mẫu đi đầu thực hiện. Nhân dân ngày càng nhận thức rõ hiệu quả mô hình này mang lại nên tích cực hưởng ứng. Ông Nguyễn Văn Tuynh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh Sơn thông tin: "Quy chế "5 không" trong việc tang được tất cả các hộ dân chấp hành nghiêm túc. Không làm cỗ mời khách nên chi phí mỗi đám tang ở quê tôi giờ chỉ hết khoảng 30-40 triệu đồng, giảm một nửa so với trước".

Môi trường ở xã Thống Nhất (Gia Lộc) ngày càng cải thiện kể từ khi các thôn triển khai thực hiện mô hình tự quản bảo vệ môi trường. Năm 2015, MTTQ xã chọn thôn Cẩm Đới (nay là thôn Quỳnh Huê) làm điểm thực hiện mô hình. Ban công tác mặt trận thôn thành lập 2 tổ tự quản bảo vệ môi trường gồm 10 thành viên. Các thành viên trong tổ trực tiếp vận động nhân dân, giám sát nhiệm vụ thu gom rác thải đến từng hộ dân, vận động ký cam kết thực hiện “3 không”: không đổ rác bừa bãi; không phóng uế, vứt xác động vật ra môi trường xung quanh và không chặt phá cây xanh, thả rông súc vật. Các gia đình nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sạch sẽ. Mỗi tuần 1 lần các chi hội, đoàn thể ở thôn đều tổ chức vệ sinh đoạn đường tự quản. Từ ngày 10-15 hằng tháng, nhân dân trong thôn ra quân khơi thông cống rãnh và quét dọn trên các trục đường chính. "Sau Quỳnh Huê, 4 thôn còn lại trong xã cũng triển khai mô hình tự quản bảo vệ môi trường. Nhân dân đồng tình về việc này và nêu cao ý thức bảo vệ môi trường", Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thống Nhất Đoàn Văn Thoảng nói.

Chỉ trong một nhiệm kỳ nhưng 5 mô hình tự quản do MTTQ triển khai đã phát huy tác dụng và không ngừng được nhân rộng. Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp tổ chức hàng chục hội nghị triển khai, phát triển 5 mô hình. MTTQ các huyện, thành phố nhân rộng theo hướng thành lập từ 3-5 mô hình ở mỗi xã, phường, thị trấn. Các mô hình khi triển khai xuống cơ sở đều phát huy hiệu quả thiết thực, được nhân dân tích cực tham gia.

Chính quyền địa phương đánh giá cao

5 mô hình tự quản do MTTQ các cấp chủ trì triển khai trong nhiệm kỳ qua mang lại hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Ông Vũ Xuân Đạt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tứ Kỳ cho biết toàn huyện có 11 xã đã về đích nông thôn mới. Ở những địa phương đã về đích, vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên thể hiện rất rõ nét. Tất cả các cuộc vận động, phong trào và các mô hình do MTTQ triển khai đều tập hợp được nhân dân tham gia nhiệt tình, trách nhiệm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. "Hiệu quả các mô hình tự quản do MTTQ các cấp triển khai đã được minh chứng trong thực tế. Những mô hình này cần tiếp tục được duy trì, nhân rộng", ông Đạt nói.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Hà đồng tình với quan điểm cần tiếp tục nhân rộng và nâng cao chất lượng 5 mô hình tự quản mà MTTQ các cấp đang triển khai. Kinh nghiệm cho thấy để các mô hình tự quản phát huy tác dụng cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. MTTQ các cấp cần phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp triển khai các mô hình theo hướng dẫn của cấp trên, phù hợp với điều kiện thực tế. Các mô hình cần thường xuyên được đánh giá để rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Hiện nay, đa số các địa phương đều triển khai thực hiện hiệu quả 5 mô hình tự quản. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị nhân rộng mô hình theo phong trào, hình thức, thiếu tính bền vững. Một số nơi cấp ủy và chính quyền địa phương chưa quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến... Những hạn chế này cần sớm được khắc phục để các mô hình thực sự phát huy hiệu quả.

TIẾN MẠNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/5-mo-hinh-tu-quan-phat-huy-hieu-qua-111356