5 năm nỗ lực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông - kết quả đạt được từ nhiều giải pháp đồng bộ
Thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020, thời gian qua các sở, ban, ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, huy động có hiệu quả nhiều nguồn lực tham gia công tác giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; lực lượng tuần tra kiểm soát cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Năm 2016, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự, ATGT giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai tại Lâm Đồng, Ban ATGT tỉnh đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều mặt công tác bảo đảm trật tự, ATGT; trong đó, tập trung quán triệt nội dung Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, Nghị quyết số 12 của Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông, Nghị quyết số 18 về tăng cường thực hiện các biện pháp trọng tâm nhằm đảm bảo ATGT... cụ thể hóa thành văn bản chỉ đạo; từ đó, tạo sự thống nhất giữa các cấp, các ngành trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATGT.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giữ gìn trật tự, ATGT được Ban ATGT tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng và thực hiện tương đối tốt với nhiều hình thức tuyên truyền mang lại hiệu quả cao. Ban ATGT tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT; duy trì các chuyên mục ATGT trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng. Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương, các sở, ngành tổ chức tuyên truyền về ATGT, văn hóa giao thông..., Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, ATGT, các chế tài của pháp luật đối với từng hành vi vi phạm, các quy định mới liên quan. Ngoài ra, còn tập trung tuyên truyền về các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), hậu quả và hệ lụy do TNGT gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội; các biện pháp, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền trực tiếp pháp luật về giao thông đường bộ cho Nhân dân, học sinh, sinh viên; tổ chức tập huấn kiến thức và hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn; tuyên truyền thông qua sinh hoạt tổ nhân dân tự quản; phát tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền; treo băng-rôn, pa-nô, áp phích tuyên truyền pháp luật về ATGT trên địa bàn tỉnh; lắp đặt và bổ sung các biển cảnh báo về giao thông...
Công tác cưỡng chế thi hành pháp luật được thực hiện mạnh mẽ với nhiều chính sách, chế tài mạnh đã góp phần làm cho tình hình trật tự, ATGT được cải thiện, các hành vi vi phạm về trật tự, ATGT đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trong thời gian qua, tỉnh đã chú trọng, ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển khắc phục tình trạng KCHTGT còn yếu và thiếu đồng bộ. Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh hoàn thành các quy hoạch, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm phát triển KCHTGT của tỉnh. Về giao thông đối ngoại, Bộ GTVT đã tiến hành triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ quan trọng của tỉnh như QL20 (đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Đà Lạt); tiếp tục đầu tư tuyến QL20, đoạn tránh đô thị TP Bảo Lộc; khởi công trong năm 2019 dự án xây dựng tuyến QL 27, đoạn tránh Liên Khương (dự án đình hoãn từ năm 2013 đến nay); Bộ Quốc phòng đang đầu tư đường Trường Sơn Đông qua địa bàn tỉnh. Hiện Bộ GTVT đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư và dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 các dự án bao gồm: Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, QL 28B, QL 27 Liên Khương - K'Rông Nô, QL 55, đoạn đèo Mimosa và các cầu yếu trên QL 20...
Sở GTVT cũng tiếp tục tăng cường phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong thực hiện công tác quản lý, bảo trì đối với các tuyến quốc lộ giao ủy thác quản lý. Tiếp nhận đoạn đèo Prenn thành đường địa phương để quản lý, bảo trì từ tháng 11/2017. Kể từ năm 2017, Bộ GTVT đã chấp thuận nâng định mức kinh phí bảo dưỡng thường xuyên (từ 25 triệu/km lên 50 triệu/km), qua đó đã kịp thời xử lý, khắc phục các hư hỏng cục bộ, nâng cao chất lượng khai thác, đã tiến hành việc triển khai cắm mốc lộ giới đường bộ để tăng cường quản lý hành lang ATGT đường bộ trên hệ thống quốc lộ.
Về giao thông đối nội, tỉnh đã tập trung ưu tiên các nguồn lực trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở GTVT được bố trí khoảng 1.778 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,08% nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ các dự án do địa phương quản lý và đã đầu tư làm mới, nâng cấp khoảng 66,11 km đường, 13 cầu với chiều dài 525,9 m và 1 cống dài 29,7 m. Từ năm 2016 đến nay, Sở GTVT đã tổ chức nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng 7 dự án và khởi công 9 dự án, dự kiến sẽ hoàn thành 8/9 dự án trong năm 2020 vừa qua. Hiện đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án như Dự án nâng cấp, cải tạo đường tỉnh ĐT725 đoạn Di Linh - Bảo Lâm; nút giao Phan Chu Trinh TP Đà Lạt; đường gom cao tốc Liên Khương - chân đèo Prenn; đường vành đai TP Đà Lạt; tuyến tránh phía Tây TP Bảo Lộc.
Các công trình kết cấu hạ tầng giao thông thiết yếu được quan tâm đầu tư xây dựng mới, xây dựng, cải tạo, nâng cấp đã nâng cao được năng lực vận tải, đồng thời đáp ứng các điều kiện về bảo đảm ATGT. Công tác đăng kiểm phương tiện, quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng được kiểm soát tốt. Công tác quản lý kinh doanh vận tải hành khách, giáo dục pháp luật, rèn luyện đạo đức người lái xe, khám sức khỏe lái xe đã được triển khai, góp phần đưa hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đi vào trật tự, ổn định. Công tác phối hợp liên ngành được tăng cường nhằm xử lý nghiêm các vi phạm về tải trọng và an toàn kỹ thuật phương tiện. Nhận thức của người hoạt động kinh doanh vận tải được nâng lên, số phương tiện chở quá tải trọng trên các tuyến quốc lộ giảm rõ rệt.
Trong 5 năm qua, có thể khẳng định rằng, với nhiều cách làm mới, chủ động, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp công tác, huy động có hiệu quả nhiều nguồn lực tham gia, công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, góp phần đảm bảo trật tự, ATGT. Các số liệu thống kê hàng năm cho thấy, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế, số vụ, số người chết và số người bị thương đều có chiều hướng giảm dần.