5 năm qua, ĐH Ngoại thương có nhiều thay đổi về chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh
Trường ĐH Ngoại thương vừa công bố Đề án tuyển sinh 2024. Đáng chú ý, trường có nhiều sự thay đổi về chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh so với 4 năm trở lại đây.
Trường Đại học Ngoại thương (tên tiếng Anh là Foreign Trade University – FTU) là một trường đại học công lập của Việt Nam, tiền thân là khoa Quan hệ Quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính.
Với sứ mệnh “phụng sự xã hội bằng sự xuất sắc trong giáo dục, sáng tạo và chuyển giao tri thức”, Trường Đại học Ngoại thương định hướng tầm nhìn trở thành đại học đổi mới sáng tạo, nằm trong nhóm các đại học hàng đầu Châu Á.
Về lịch sử phát triển, năm 1962, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Khoa Quan hệ Quốc tế tách khỏi Trường Đại học Kinh tế - Tài chính để thành lập Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương trực thuộc Bộ Ngoại giao.
Năm 1967, Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương được chia tách thành hai trường: Trường Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao) trực thuộc Bộ Ngoại giao và Trường Ngoại thương thuộc Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công Thương). Tên hiệu chính thức của Trường Đại học Ngoại thương có từ thời gian này.
Theo thông tin công bố trên website, trụ sở chính của nhà trường có địa chỉ ở số 91, phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Cơ sở II của trường tại số 15, đường D5, phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cơ sở Quảng Ninh ở số 260, đường Bạch Đằng, phường Nam Khê, Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thu Thủy giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường; và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn là Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương.
Trường Đại học Ngoại thương (Foreign Trade University – FTU). Ảnh: Ngọc Ánh.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Ngoại thương, trong 5 năm trở lại đây, nhà trường mở thêm nhiều ngành đào tạo mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội trong tình hình hiện nay.
Năm 2020, nhà trường mở ngành Quản trị khách sạn. Trường cũng bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành Marketing năm 2022.
Tiếp tục vào năm 2023, Trường Đại học Ngoại thương mở ngành Kinh tế chính trị.
Đặc biệt, trong năm học 2024 - 2025 tới đây, trường mở thêm ngành Khoa học máy tính.
Về đào tạo sau đại học, Trường Đại học Ngoại thương được phép đào tạo thạc sĩ từ năm 1993, và đào tạo tiến sĩ từ năm 1994.
Những thay đổi trong phương thức tuyển sinh đáng chú ý
Theo tổng hợp của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Ngoại thương, từ năm 2020 – 2024, phương thức tuyển sinh đại học chính quy của trường có sự thay đổi.
Về phương thức xét tuyển, năm 2020, trường thực hiện 05 phương thức tuyển sinh là:
- Xét tuyển dựa trên kết quả học tập Trung học phổ thông dành cho thí sinh tham gia và đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (hoặc Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, thuộc lĩnh vực phù hợp với tổ hợp điểm xét tuyển của trường); đạt giải (nhất, nhì, ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12; thí sinh thuộc hệ chuyên của trường trung học phổ thông trọng điểm quốc gia, trung học phổ thông chuyên.
- Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập Trung học phổ thông/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên.
- Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
- Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
- Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định riêng của nhà trường.
Kể từ năm học 2021 – 2022 cho đến nay, nhà trường thực hiện, bổ sung thêm 1 phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển dựa trên kết quả các Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Đáng chú ý, năm 2024, riêng ngành Kinh tế chính trị của Trường Đại học Ngoại thương có thêm phương thức xét tuyển đặc thù là: Xét tuyển đặc thù các thí sinh được đề xuất theo công văn của Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo các yêu cầu về đối tượng xét tuyển của chương trình.
Ngoài ra, theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Ngoại thương, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê kết quả khảo sát vào năm 2023 về tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp năm 2022 được xác định theo một số ngành dưới đây:
Kết quả khảo sát vào năm 2023 về sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp năm 2022 được xác định theo một số ngành.
Biến động chỉ tiêu tuyển sinh và điểm chuẩn qua các năm
Để có góc nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Ngoại thương, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã cập nhật biểu đồ thống kê về tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trụ sở chính và chỉ tiêu một số ngành học tiêu biểu xét tuyển theo phương thức dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông qua các năm:
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trụ sở chính Trường Đại học Ngoại thương và chỉ tiêu các ngành học “hot” theo phương thức xét tuyển kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông qua các năm.
Theo số liệu nêu trong đề án tuyển sinh, có thể thấy, tổng chỉ tiêu hệ đại học chính quy của Trường Đại học Ngoại Thương có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây.
Trong hai năm 2020 và năm 2021, trụ sở chính của Trường Đại học Ngoại thương duy trì số lượng chỉ tiêu tuyển sinh bằng nhau, ở mức 2890 chỉ tiêu. Đến năm 2022 cơ sở đào tạo tăng lên 60 chỉ tiêu; và đạt 3000 chỉ tiêu vào năm 2023.
Mới đây, nhà trường vừa công bố Đề án tuyển sinh năm 2024. Theo đó, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tiếp tục tăng chỉ tiêu ở trụ sở chính, với 3080 chỉ tiêu.
Mặt khác, Kinh tế và Kinh tế quốc tế là hai trong những ngành học có số lượng chỉ tiêu cao nhất toàn trường. Đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, năm 2020, ngành Kinh tế đạt chỉ tiêu cao nhất là 315. Trong khi đó, ngành Kinh tế quốc tế chiếm 210 chỉ tiêu.
Tuy nhiên, chỉ tiêu của hai ngành này giảm dần qua từng năm học sau đó. Từ năm 2021 đến năm 2023, ngành Kinh tế có chỉ tiêu lần lượt là 215, 160 và 120. Còn chỉ tiêu của ngành Kinh tế quốc tế giảm nhẹ dần từ 115 xuống 110 và 90 chỉ tiêu qua ba năm 2021, 2022 và 2023.
Ngoài ra, năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh 120 chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cho ngành Kinh tế. Con số này đối với ngành Kinh tế quốc tế là 90 chỉ tiêu.
Về điểm chuẩn qua các mùa tuyển sinh của Trường Đại học Ngoại thương, các ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế thường có điểm chuẩn cao.
Dưới đây là biểu đồ so sánh biến động điểm trúng tuyển giữa các ngành học trong 4 năm trở lại đây dựa trên phương thức xét tuyển kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông:
Điểm chuẩn ở tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) của các ngành học hot tại trụ sở chính Trường Đại học Ngoại thương thay đổi qua 4 năm.
Từ năm 2020 đến năm 2021, ngành Kinh doanh quốc tế có điểm trúng tuyển tăng cao ở tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), dao động từ 27.75 đến 28.30 điểm.
Kế tiếp sau đó là hai ngành Kinh tế và Kinh tế quốc tế vào năm 2020, có điểm chuẩn lần lượt đạt 27.65 và 27.5 điểm. Trong năm 2021, hai ngành này đều có mức điểm trúng tuyển bằng nhau (28.30 điểm).
Riêng trong năm 2022, ngành Kinh tế có điểm chuẩn cao vượt lên trước hai ngành học còn lại với 28.25 điểm. Đứng sau là ngành Kinh doanh quốc tế (28.2 điểm) và ngành Kinh tế quốc tế (27.9 điểm).
Năm học 2023-2024, ngành Kinh tế có điểm đầu vào là 27.8. Điểm trúng tuyển ở tổ hợp D01 của ngành Kinh tế quốc tế lại vượt lên trên ngành Kinh doanh quốc tế, cụ thể là cao hơn 0.1 điểm.
Cũng trong năm ngoái, ngành Ngôn ngữ Trung ở tổ hợp D01 lấy điểm chuẩn cao nhất toàn Trường Đại học Ngoại thương (đạt 28.5 điểm). Ngành Kinh tế lấy điểm chuẩn cao thứ hai, kế đó là Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế.
Trong khi đó, ngành Ngôn ngữ Pháp có điểm chuẩn thấp nhất Trường Đại học Ngoại thương với 26.2 điểm.