5 năm qua, điểm chuẩn Trường Đại học Tài chính – Marketing duy trì ở mức cao
Điểm chuẩn ngành Marketing luôn giữ vị trí cao nhất từ năm 2019 đến năm 2023 tại Trường Đại học Tài chính - Marketing.
Trường Đại học Tài chính - Marketing là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Tài chính, tiền thân là Trường Cán bộ Vật giá Trung ương tại miền Nam.
Năm 1994, trường được nâng cấp lên và có tên là Trường Cao đẳng bán công Marketing, trực thuộc Ban Vật giá Chính phủ.
Đến ngày 5/3/2004, trường được nâng cấp, trở thành Trường Đại học bán công Marketing, trực thuộc Bộ Tài chính. Và vào năm 2009 trường được đổi tên thành Trường Đại học Tài chính - Marketing.
Trên website của nhà trường có thông tin về sứ mạng như sau: “Trường Đại học Tài chính - Marketing có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ đại học và sau đại học theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đáp ứng nhu cầu của xã hội; nghiên cứu và chuyển giao những thành tựu khoa học, công nghệ về kinh doanh, quản lý phục vụ công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội”.
Trường đặt mục tiêu đến năm 2045, trường được xếp hạng trong top 500 trường đại học hàng đầu khu vực Châu Á (theo chuẩn xếp hạng có uy tín) và trở thành một trường đại học theo định hướng ứng dụng hàng đầu Việt Nam; đồng thời là một trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ có uy tín cao trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý của Việt Nam và khu vực ASEAN.
Theo thông tin công bố trên website, trường có trụ sở chính tại 778 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
Các cơ sở đào tạo tại: B2/1A Đường 385, Tăng Nhơn Phú A, Thành phố Thủ Đức; 306 Nguyễn Trọng Tuyển, Quận Tân Bình; 343/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Quận Tân Bình; 306 Võ Văn Hát, Phường Long Trường, Thành phố Thủ Đức
Hiện, Chủ tịch hội đồng trường là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thủy Tiên; Hiệu trưởng nhà trường là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt.
Theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Tài chính - Marketing từ năm 2019 – 2023, số phương thức tuyển sinh đại học chính quy của trường có một số thay đổi.
Theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Tài chính - Marketing, từ năm 2019 – 2023, nhà trường ngày càng áp dụng đa dạng các phương thức tuyển sinh.
Năm 2019, trường thực hiện 2 phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển dựa trên kết quả của Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; Xét tuyển theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông.
Trong năm 2020, nhà trường bổ sung thêm phương thức: Xét tuyển dựa theo kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Năm 2021, trường sử dụng thêm phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia những môn học thuộc tổ hợp xét tuyển của trường.
Đến năm 2022 và 2023, nhà trường áp dụng cả 4 phương thức xét tuyển ở các năm trước đó và bổ sung thêm phương thức xét tuyển theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông.
Theo dự thảo đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Tài chính - Marketing, nhà trường dự kiến sử dụng 6 phương thức xét tuyển, trong đó, trường bổ sung thêm phương thức: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá đầu vào trên máy tính (V-SAT) phục vụ tuyển sinh năm 2024 của các trường tham gia ký kết với Trường Đại học Tài chính – Marketing.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua đề án tuyển sinh của Trường Đại học Tài chính - Marketing, trong 5 năm trở lại đây, nhà trường mở thêm một số ngành đào tạo mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội trong tình hình hiện nay.
Cụ thể, trong năm 2020, Trường Đại học Tài chính - Marketing bắt đầu tuyển sinh ngành Kinh tế.
Năm 2021, nhà trường mở ngành Luật kinh tế; Toán kinh tế; Đến năm 2023 vừa qua, nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành học mới là Công nghệ tài chính.
Để có góc nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Tài chính - Marketing và thuận tiện cho thí sinh theo dõi, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê về tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn trường qua các năm như sau:
Từ năm 2019 đến năm 2022, chỉ tiêu của Trường Đại học Tài chính - Marketing luôn được giữ nguyên với 4500 chỉ tiêu/năm. Năm 2023, nhà trường tăng thêm 100 chỉ tiêu.
Theo dự thảo đề án tuyển sinh năm 2024 của trường, nhà trường dự kiến tuyển 4300 chỉ tiêu trong năm học này, tức giảm 300 chỉ tiêu so với năm trước.
Về điểm chuẩn qua các mùa tuyển sinh của Trường Đại học Tài chính - Marketing, các ngành như Marketing, Công nghệ thông tin, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là những ngành học thường nằm trong top ngành điểm chuẩn cao (theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông).
Năm 2019, mức điểm các ngành học của trường dao động từ 16,45 đến 24,5 điểm. Ngành lấy điểm cao nhất là ngành Marketing với 24,5 điểm. Ngành lấy điểm thấp nhất là ngành Kế toán (chương trình quốc tế) lấy 16,45 điểm.
Các ngành học có điểm chuẩn cao tại Trường Đại học Tài chính - Marketing
Năm 2020, ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường Đại học Tài chính - Marketing là Marketing với 26,1 điểm. Mức điểm chuẩn thấp nhất của trường là 18 ở ngành Kế toán.
Năm 2021, trường xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 chương trình: Chương trình đại trà, chương trình đặc thù, chương trình chất lượng cao tiếng Anh toàn phần và chương trình chất lượng cao. Điểm chuẩn dao động trong khoảng từ 21,25-27,1 điểm.
Với chương trình đại trà, 2 ngành có mức điểm chuẩn cao nhất là Marketing lấy 27,1 điểm và Kinh doanh quốc tế lấy 26,4 điểm. Với chương trình đặc thù, ngành Hệ thống thông tin quản lý lấy điểm cao nhất là 25,2 điểm.
Với chương trình chất lượng cao tiếng Anh toàn phần, ngành học Marketing cũng có điểm chuẩn cao nhất là 24,2 điểm. Với chương trình chất lượng cao, ngành Marketing và Kinh doanh quốc tế lấy điểm cao nhất là 26,2 điểm.
Năm 2022, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Marketing với 26,7 điểm, tiếp theo là Kinh doanh quốc tế với 25,7 điểm. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là các ngành thuộc Chương trình đặc thù: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống đều lấy 22 điểm.
Đến năm 2023, ngành Marketing vẫn là ngành có điểm chuẩn cao nhất Trường Đại học Tài chính - Marketing với 25,9 điểm.
Xếp sau ngành Marketing là Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn 25,8 ở chương trình chuẩn và chương trình Tiếng Anh toàn phần.
Nhiều ngành có mức trúng tuyển giảm khoảng 1 điểm so với năm 2022 như Marketing, Kinh tế, Kế toán, Luật kinh tế. Riêng ngành Bất động sản giảm gần 2 điểm, đây cũng là ngành có điểm chuẩn thấp nhất năm 2023 với 21,1 điểm.