5 năm thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk: Vững bước trong giai đoạn phát triển mới
Chiều ngày 8/3, tại TP Buôn Ma Thuột, Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk (Phân hiệu) đã long trọng tổ chức 5 năm thành lập ngày thành lập.
Tham dự chương trình về phía Bộ Tư Pháp có sự tham dự của ông Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Về phía tỉnh Đắk Lắk có ông Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk; ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn.
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng, các thành viên Hội đồng Trường, Ban giám hiệu Trường cùng lãnh đạo Phân hiệu và các phòng, khoa đơn vị thuộc Trường cùng toàn thể viên chức, người lao động, sinh viên, học viên đang học tập tại Phân hiệu.
5 năm vững bước phát triển
Với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các cấp, cùng những thuận lợi là sự kế thừa tiếp nối bề dày thành tựu của Trường Đại học Luật Hà Nội, cơ sở vật chất tiếp nhận từ Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, trải qua 05 năm hình thành và phát triển, thời gian ấy đối với một cơ sở đào tạo là không dài song Phân hiệu đã vươn lên và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, đóng góp thiết thực vào thành công chung của Trường Đại học Luật Hà Nội và của Bộ, Ngành Tư pháp.
Đến nay, cơ cấu tổ chức của Phân hiệu đã được kiện toàn với Ban giám đốc gồm 01 Phó Giám đốc phụ trách, 01 Phó Giám đốc; 02 phòng chức năng và 02 khoa với 05 bộ môn. Số lượng viên chức có 35 viên chức biên chế tại chỗ, 05 viên chức của trụ sở chính kiêm nhiệm các vị trí quản lý tại Phân hiệu. Trong đó có 16 giảng viên cơ hữu, gồm 01 Phó Giáo sư, Tiến sĩ; 01 Tiến sĩ; 01 nghiên cứu sinh và 13 thạc sĩ.
Phân hiệu đã tuyển sinh và đào tạo 05 khóa đại học chính quy, 02 lớp liên thông đại học vừa làm vừa học, 02 lớp đại học văn bằng 1 vừa làm vừa học, 04 lớp đại học văn bằng 2 vừa làm vừa học và 06 lớp cao học. Tổng số người học tại Phân hiệu là 1.101 sinh viên, học viên. Đến nay, tại Phân hiệu đã có 188 sinh viên, học viên tốt nghiệp, trong đó có 53 sinh viên đại học chính quy khóa đầu tiên tại Phân hiệu được cấp bằng tốt nghiệp cử nhân luật của Trường Đại học Luật Hà Nội. Công tác nghiên cứu khoa học tại Phân hiệu được chú trọng với nhiều hội thảo khoa học được tổ chức, các bài đăng trên tạp chí quốc tế và nhiều bài công bố trên các tạp chí khoa học trong nước...
Ông Nguyễn Hùng Vừa, Phó Giám đốc Phân hiệu chia sẻ: Hôm nay đánh dấu một thời khắc quan trọng trên hành trình hình thành và phát triển của Phân hiệu. Chặng đường 5 năm qua được xây dựng bằng sự nỗ lực, sự cố gắng, bằng những giọt mồ hôi và cả nụ cười của tập thể lãnh đạo, viên chức và người lao động Phân hiệu. Trong không khí trang trọng này, sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk và toàn thể các quý vị đại biểu là minh chứng rõ nhất cho sự quan tâm, tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để Phân hiệu vững bước phát triển trong chặng đường tiếp theo.
Từ khi thành lập Phân hiệu đến nay, bản thân tôi là người trong cuộc cũng cảm thấy vô cùng xúc động, nhớ hồi này năm ấy cách đây 5 năm, ngày 09/3/2019, Bộ Tư pháp, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Đắk Lắk, Trường Đại học Luật Hà Nội long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định số 310/QĐ-BGDĐT ngày 12/2/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk.
Ngay sau khi Phân hiệu được thành lập, mặc dù được Bộ Tư pháp quyết định điều chuyển toàn bộ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực từ Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột (đã giải thể) chuyển giao sang, song với mô hình tổ chức mới, trình độ đào tạo ở bậc cao hơn, công tác quản lý và quản trị đặt ra yêu cầu phải đổi mới kể cả về tư duy, nhận thức, trình độ và nhiều kỹ năng khác. Bản thân tôi cũng như các viên chức cộng sự khi ấy có nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn, vui mừng vì cơ sở đào tạo ở trình độ trung cấp cũ đã được chuyển sang môi trường mới, nhiệm vụ mới là tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học, cao học theo hướng ổn định và bền vững hơn; trăn trở lo lắng khi trở thành đơn vị trực thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội với bề dày lịch sử 45 năm hình thành và phát triển, theo quy định Phân hiệu không có tư cách pháp nhân thì mức độ độc lập, tự chủ trong mọi hoạt động sẽ gặp nhiều khó khăn trong khi không gian lại cách quá xa trụ sở chính…những ngày đầu đi vào hoạt động, nhất là trong giai đoạn từ năm 2020-2022, một mặt Phân hiệu vừa phải triển khai sắp xếp ổn định tổ chức, hình thành bộ máy, thành lập các tổ chức chính trị - xã hội, ban hành các nội quy, quy chế, quyết định phân cấp ủy quyền, xét chuyển chức danh nghề nghiệp từ giáo viên trung học sang chức danh giảng viên đại học đối với một số viên chức từ Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột chuyển sang, mặt khác phải bắt tay ngay vào công tác tuyển sinh hệ đại học chính quy đầu tiên trong năm học 2019-2020 tại Phân hiệu, có những thời điểm công việc như bị ngưng trệ do dịch bệnh covid-19 bùng phát và biến động khôn lường. Song tập thể lãnh đạo, viên chức và người lao động của Phân hiệu đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để triển khai nhiệm vụ được giao và đã đạt được kết quả tích cực trên tất cả các mặt công tác.
Kết quả trên là minh chứng khẳng định chủ trương của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp về việc giải thể Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột để thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk là đúng đắn, đồng thời kết quả trên cũng đặt nền móng vững chắc để Phân hiệu tự tin, vững bước trong giai đoạn phát triển mới. Không chỉ cá nhân tôi với tư cách là Phó Giám đốc phụ trách Phân hiệu, mà có lẽ tập thể các thầy giáo, cô giáo, viên chức, người lao động và các em học viên, sinh viên đều cảm thấy vinh dự, tự hào và trong Buổi Gặp mặt hôm nay mong muốn được bày tỏ sự trân trọng, lòng biết ơn và cảm ơn tới các quý vị lãnh đạo Trung ương và địa phương...
Bước sang giai đoạn phát triển trong 05 đến 10 năm tới, Phân hiệu đứng trước nhiều cơ hội và có cả những khó khăn, thách thức nhưng từng thành viên trong ngôi nhà chung Phân hiệu nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình: “Mỗi thầy giáo, cô giáo, viên chức, người lao động Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung và Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng luôn là những tấm gương sáng, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, không ngừng học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để tiếp tục xây dựng Phân hiệu ngày càng phát triển, góp phần khẳng định uy tín, vị thế của Trường Đại học Luật Hà Nội trong công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao ở Khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước”.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ chức
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhận định: Sau 5 năm thành lập và phát triển, Phân hiệu tại Đắk Lắk đã tiếp cận kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống của Trường Đại học Luật Hà Nội, không ngừng nỗ lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đến nay, Phân hiệu đã dần khẳng định được uy tín, thương hiệu và dần mang dáng vóc của một địa chỉ đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn, có uy tín tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và thu hút được học viên, sinh viên tại nhiều vùng, miền trong cả nước; nhiều học viên, sinh viên đã tốt nghiệp tại Phân hiệu đã và đang khẳng định được phẩm chất, năng lực, trình độ trong điều kiện cạnh tranh ngày càng cao trong đào tạo luật hiện nay ở Việt Nam. Điều này cho thấy chủ trương thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk trên cơ sở nền tảng Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp là đúng đắn.
Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu và những thành tích của tập thể các thầy giáo, cô giáo, học viên, sinh viên của Phân hiệu nói riêng và Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Lê Thành Long chân thành cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ GD&ĐT và các cơ quan, tổ chức hữu quan để Phân hiệu Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk đạt được những kết quả ấn tượng trong thời gian qua.
Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định: Công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCH, phục vụ hội nhập, hợp tác quốc tế ngày càng quan trọng và được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết số 49 ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và tái khẳng định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCH Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, Nghị quyết số 27 tiếp tục đã đặt ra nhiều yêu cầu về, thách thức lớn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật “Nâng cao chất lượng các cơ sở nghiên cứu và đào tạo pháp luật”; “Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực tư pháp”; “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật”. ….
Trong bối cảnh đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của Phân hiệu trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội và Lãnh đạo Phân hiệu tiếp tục quan tâm, thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục bám sát, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định 1156/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 54-NQ/BCS của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp; chú trọng các nhiệm vụ phát triển Phân hiệu theo Đề án thành lập Phân hiệu đã được Ban cán sự Đảng cho ý kiến, chỉ đạo; quyết tâm thực hiện mục tiêu khẳng định chất lượng đào tạo, vị thế, vai trò của Phân hiệu là cơ sở đào tạo lớn, trọng điểm về pháp luật cho Khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và các vùng, miền khác trên cả nước, có sức ảnh hưởng, lan tỏa về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý đến các cơ sở đào tạo luật khác ở Việt Nam.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng gắn với thế mạnh của Trường, của Phân hiệu, trong đó chú trọng nghiên cứu, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là những đề tài, đề án nghiên cứu, các hoạt động cụ thể theo các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, gắn với việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương; gắn kết tốt hơn nữa công tác đào tạo, nghiên cứu với hoạt động của các cơ quan, chính quyền và nhân dân trên địa bàn.
Thứ ba, tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học viên, sinh viên học tập, sinh hoạt, rèn luyện; đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của người học và yêu cầu, đòi hỏi của thị trường lao động và tình hình mới, chú trọng công tác phát triển Đảng trong sinh viên, hướng tới phát triển đội ngũ cán bộ tư pháp chất lượng cao theo các định hướng của Đảng, của Nhà nước và Bộ Tư pháp.
Thứ tư, tiếp tục chú trọng đến công tác thu hút, phát triển, khai thác nguồn lực, cơ sở vật chất, chuyển đổi số tại Phân hiệu đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của Phân hiệu; đầu tư, khai thác có hiệu quả địa điểm làm việc của Trường tại Trung tâm thành phố (số 02 YBihaleo).
Thứ năm, tiếp tục gắn kết chặt chẽ hoạt động của Trường với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị tại địa phương, đặc biệt là của tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện nhiệm vụ của Trường và các nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương; góp phần quan trọng trong việc xây dựng, thiết lập mối quan hệ hợp tác, gắn bó chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp với tỉnh Đắk Lắk và các địa phương khác tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.
Về phía mình, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Phân hiệu nói riêng và trong tổng thể xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật nói chung theo Quyết định số 1156/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp cũng rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt hơn nữa của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn để Phân hiệu tiếp tục tạo dựng thương hiệu, vị thế, qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao. Chúc Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát triển, có kết quả tích cực hơn nữa, khẳng định vị thế, vai trò của cơ sở đào tạo có uy tín, đóng góp vào sự phát triển của Trường, của Bộ, ngành và địa phương.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá: Qua 5 năm xây dựng và phát triển đã cho thấy nhiều kết quả nổi bật mà Phân hiệu đạt được. Những thành tựu đó được ghi nhận cụ thể bằng việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen; Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Điều này có vai trò, ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp cho tỉnh Đắk Lắk, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu trọng tâm đề ra của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn tin tưởng, Phân hiệu sẽ tiếp tục khẳng định được uy tín, vị thế là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, hoàn thành các mục tiêu, sứ mệnh của Nhà trường và có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực của địa phương. Chúc Phân hiệu phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới./.