5 người bị thương do bão số 13, nhiều địa phương có nguy cơ sạt lở đất

Sáng nay, 15-11, vị trí tâm bão số 13 ở ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão. Ghi nhận ban đầu đã có 5 người bị thương khi chằng chống nhà cửa phòng, chống bão (Quảng Trị 2, Quảng Nam 3).

Đến 13 giờ ngày 15-11, bão số 13 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia.

Đến 13 giờ ngày 15-11, bão số 13 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia.

Nhiều địa phương có nguy cơ sạt lở đất

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của bão số 13, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; trên đất liền ven biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10.

Ở các tỉnh Trung Trung bộ đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm. Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ) có mưa bão, gió mạnh cấp 9, giật cấp 12; sóng biển cao 3-5m, biển động rất mạnh. Trên đất liền từ phía Nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.

Hoàn lưu bão số 13 sẽ gây đợt mưa lớn từ ngày 15 đến 16-11 tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, từ hôm nay (15-11) đến 16-11, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 100-150mm, có nơi trên 200mm. Khu vực đồng bằng Bắc bộ, Hòa Bình, Sơn La có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 40-80mm.

BĐBP Quảng Trị đã hoàn thành công tác giúp dân chằng chống nhà cửa phòng, chống bão số 13 từ ngày 14-11. Ảnh: CTV

BĐBP Quảng Trị đã hoàn thành công tác giúp dân chằng chống nhà cửa phòng, chống bão số 13 từ ngày 14-11. Ảnh: CTV

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, đặc biệt tại các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình); Đắkrông, Hướng Hóa (Quảng Trị); A Lưới, Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà, Hương Thủy (Thừa Thiên Huế); Hòa Vang, Liên Chiểu, Sơn Trà (Đà Nẵng); Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh, Núi Thành (Quảng Nam).

Nguy cơ xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, đặc biệt các huyện: Hà Tĩnh: Kỳ Anh, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh; Quảng Bình: Lệ Thủy, thị xã Đồng Hới, thị xã Ba Đồn Quảng Trị: Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh; Thừa Thiên Huế: Quảng Điền, Phú Lộc.

Sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lũ sau bão

Đến sáng 15-11, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã triển khai công tác di dời tổng cộng 93.795 hộ/ 324.780 người đến nơi an toàn, nhiều nhất là tỉnh Quảng Nam với 23.687 hộ/ 71.840 người, tiếp sau là tỉnh Thừa Thiên Huế: 22.348 hộ/73.940 người…

Hiện số người này vẫn đang tránh, trú bão tại các công trình kiên cố do chính quyền địa phương bố trí. Sau khi bão tan, nếu điều kiện đảm bảo an toàn các hộ dân sẽ được trở về nhà. Trong trường hợp mưa lớn, nước lũ dâng cao, các hộ dân ở các khu vực ngập lụt, có khả năng sạt lở đất vẫn được bố trí ở lại khu vực sơ tán để đảm bảo an toàn.

Mặc dù bão số 13 khi đổ bộ vào đất liền đã giảm cấp, tuy nhiên theo như dự báo hoàn lưu của bão sẽ gây một đợt mưa lớn cho chính những khu vực đã bị tổn thương nặng nề do mưa bão, lũ lụt trong 1 tháng qua, chính vì vậy, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với thiên tai đặc biệt là bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất khi có yêu cầu.

Một chiếc tàu của ngư dân Thừa Thiên Huế bị sóng biển đánh dạt lên bờ khi bão số 13 quét vào khu vực ven biển. Ảnh: Trúc Hà

Một chiếc tàu của ngư dân Thừa Thiên Huế bị sóng biển đánh dạt lên bờ khi bão số 13 quét vào khu vực ven biển. Ảnh: Trúc Hà

Đồng thời kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống đê biển nhất là các hồ chứa xung yếu, đã đầy nước, các khu vực trọng điểm đê điều; tiếp tục tổ chức vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và chủ động cắt lũ cho hạ du.

Kiểm tra, điều tiết giao thông đảm bảo an toàn về người và phương tiện trong thời gian bão đổ bộ và mưa, lũ sau bão. Bên cạnh đó cần đảm bảo an ninh trật tự tại những khu vực sơ tán dân đi và đến.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/5-nguoi-bi-thuong-do-bao-so-13-nhieu-dia-phuong-co-nguy-co-sat-lo-dat-post435149.html