5 người phụ nữ xấu nhất lịch sử Trung Hoa phong kiến: Dung mạo trái ngược phận đời, dù không phải 'hồng nhan' vẫn được hậu thế ngợi ca
Trong một chừng mực nào đó, dung mạo xấu xí giúp những người phụ nữ nhận ra ai mới là chính nhân quân tử, người đàn ông nào thực sự quý trọng mình vì đức hạnh, tài năng.
Nếu nhắc đến “Tứ đại mỹ nhân” Trung Quốc, chắc hẳn sẽ không khó để người nghe có thể kể đủ 4 cái tên: Tây Thi, Điêu Thuyền, Vương Chiêu Quân và Dương Quý Phi. Trái lại, 5 người phụ nữ xấu xí nhất trong lịch sử Trung Quốc vẫn là khái niệm xa lạ với không ít người. Tuy nhiên, 5 người phụ nữ xấu xí ấy nghìn năm sau vẫn còn được ngợi ca và cuộc đời vi diệu của họ để lại cho hậu nhân không ít bài học sâu sắc.
1. Mô Mẫu
Người xấu nhất trong danh sách là Mô Mẫu. Quyển “Tứ tử giảng đức luận” của Vương Tứ Uyên đời Hán miêu tả bà như sau: “Mô Mẫu người lùn tịt, mặt rỗ chằng chịt”. Thậm chí, trong lịch sử Trung Hoa, người ta còn ví bà với quỷ Dạ Xoa. Thế nhưng, bà lại trở thành vợ của Hiên Viên Hoàng Đế, một vị Thánh vương thời cổ đại, người được coi là thủy tổ của dân tộc Trung Hoa. Hoàng Đế kết hôn với Mô Mẫu bởi lòng nhân ái và đức hạnh của bà.
Sách có chép lại lời Hoàng Đế nói với Mô Mẫu: “Nàng không được quên tu dưỡng đức hạnh. Ta trao cho nàng quyền quản lý hậu cung và giữ nàng bên cạnh. Cho dù nàng không ưa nhìn thì cũng nào có mang đến mối nguy hại nào?”. Trong “Cửu chương, tích vãng nhật”, Khuất Nguyên đã đánh giá Mô Mẫu rất cao về đức độ, trí thông minh cũng như tấm lòng nhân hậu của bà. Một số giai thoại xưa cũng cho rằng Hoàng Đế đánh bại Viêm Đế, diệt Xi Vưu, phía sau đều có công lao của Mô Mẫu.
2. Chung Vô Diệm
Chung Vô Diệm tên thật là Chung Ly Xuân, người đất Vô Diệm (nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Sách “Liệt nữ truyện” ghi lại về nhan sắc xấu xí của nàng như sau: “Chung hậu sinh ra trán cao, mắt sâu, bụng dài, chân thô, mũi hếch, xương cổ lòi ra, cổ to, tóc thưa, bụng phệ, lưng gù, da đen đúa”.
Sách “Yến Tử Xuân Thu” có chép về điển tích tự tiến cử mình của Chung Vô Diệm. Tề Tuyên Vương khi đó không chú tâm vào chính sự, chỉ vui chơi hưởng lạc. Một hôm, Tề Tuyên Vương mở tiệc chiêu đãi quần thần, Chung Vô Diệm xin vào yết kiến. Chung Vô Diệm nói với vua Tề rằng nàng có thuật tiên đoán sự việc. Sau đó, nàng giương mắt, vỗ gối, xua tay, lắc đầu. Vua Tề không hiểu gì và bắt Chung Vô Diệm giải thích.
Chung Vô Diệm nói: “Thiếp giương mắt để thay bệ hạ nhìn thấy khắp thiên hạ lửa cháy, thiếp vỗ gối để thay bệ hạ phạt cái tật tin dùng bọn gian thần, thiếp xua tay lắc đầu để thay bệ hạ đuổi bọn xu nịnh”. Vua Tề tức giận, định lôi nàng ra chém.
Chung Vô Diệm không tỏ ra sợ hãi, nói: “Thiếp chết cũng không có gì đáng ngại, chỉ xin được nói rõ trước khi chết”. Tề Tuyên Vương bằng lòng. Chung Vô Diệm lấy lời lẽ phân tích rõ chính sự trong nước, các mối nguy cấp của nước Tề. Tề Tuyên Vương nghe ra, liền giải tán tiệc tùng và triệu nàng về cung lập làm Chánh hậu. Cũng từ đó, nhà vua rất chú tâm vào việc nước, tin dùng bậc hiền tài, xua đuổi bọn xu nịnh.
Được sự giúp đỡ của Chung Vô Diệm, nước Tề sau đó đã trở nên hùng mạnh, trong thời Tề Tuyên Vương tại vị, không có ngoại bang xâm lấn. Người đời sau viết rất nhiều truyện về Chung Vô Diệm để ca ngợi tài năng, đức độ và sự dũng cảm của nàng.
3. Hoàng Nguyệt Anh
Hoàng Nguyệt Anh là con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn, và là vợ của Gia Cát Khổng Minh. Tương truyền, nàng có dung mạo thô kệch, tóc vàng, da đen, thậm chí trên da còn nổi lên chút nhăn nheo như da gà. Tuy nhiên, phẩm chất đức hạnh của nàng lại nổi tiếng khắp xa gần.
Hoàng Nguyệt Anh là một người phụ nữ có tài hoa xuất chúng, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, Bát quái ngũ hành, Kỳ môn độn giáp, ngay cả binh pháp nàng cũng rất am hiểu. Tuy vậy, nàng tự nguyện lui về hậu phương, tề gia nội trợ để chồng có thể toàn tâm toàn ý lo cho quốc sự. Các phát minh nổi tiếng của Gia Cát Lượng như “Trâu gỗ, ngựa máy”, “Nỏ Liên Châu”, “Gia Cát hành quân tán”, “Ngọa Long đan” kỳ thực đều do Hoàng Nguyệt Anh tư vấn và giúp đỡ.
4. Nguyễn Thị
Nguyễn Thị là con gái của Vệ úy Nguyễn Cung, được gả cho Hứa Doãn thuộc dòng dõi đại tộc ở Cao Dương thời Tam Quốc. Nguyễn Thị có dung mạo xấu xí, sau khi làm lễ giao bái, Hứa Doãn không chịu vào phòng tân hôn, người nhà rất ưu phiền. Sau đó, có Hoàn Phạm đến thăm, nói với Hứa Doãn: “Nhà họ Nguyễn gả người con gái có tướng mạo xấu xí cho anh, nhất định họ có dụng ý sâu xa. Anh nên dụng tâm để ý, quan sát để hiểu rõ nguyên nhân”.
Sau đó Hứa Doãn quay trở về phòng, vừa nhìn thấy người vợ mới cưới, anh liền quay người định bỏ ra ngoài. Nguyễn Thị biết một khi anh đã ra khỏi phòng thì khó mà quay lại, bèn kéo tay áo chồng. Hứa Doãn vốn muốn làm khó vợ mình, nên anh bèn nói: “Người phụ nữ cần phải có tứ đức, vậy cô có được mấy chứ?”.
Vợ Hứa Doãn trả lời: “Thiếp chỉ là thiếu dung mạo xinh đẹp mà thôi! Nhưng mà một người đọc sách Thánh hiền cần phải có nhiều đức tính tốt đẹp, xin hỏi phu quân có được mấy đức?”.
Hứa Doãn tự tin nói: “Đều có tất cả”.
Vợ Hứa Doãn lại nói: “Trong nhiều phẩm hạnh tốt đẹp thì Đức là quan trọng nhất, phu quân chỉ háo sắc mà không biết quý trọng Đức, thì làm sao có thể nói là có tất cả chứ?”.
Hứa Doãn nghe xong vô cùng xấu hổ, từ đó về sau người đàn ông này vô cùng kính trọng vợ mình.
5. Mạnh Quang
Tương truyền, Mạnh Quang là một người phụ nữ xấu xí với dáng người to béo, da ngăm đen, thậm chí nàng còn khỏe ngang đàn ông khi bê nổi cả một cối đá. Nàng lấy Lương Hồng, một người nổi danh về trí tuệ. Có rất nhiều con gái nhà danh giá muốn gả cho Lương Hồng, ông đều từ chối và chỉ lấy Mạnh Quang về làm vợ.
Mỗi lần Lương Hồng đi làm về, nàng Mạnh Quang lo cơm nước chu tất, dâng thức ăn ngang chân mày mời chồng. Cổ nhân có câu “Cử án tề mi” (dâng mâm lên ngang chân mày) chính là xuất phát từ câu chuyện này. Về sau trong dân gian khi có hôn lễ, phía nhà trai thường viết 4 chữ “Cử án tề mi” dán ở cửa phòng, ý chỉ rằng mong muốn có người vợ hiền đức.
Sau ngày cưới, Mạnh Quang bỏ khăn che mặt, mặc quần áo hằng ngày để làm việc nhà. Cũng có khi, nàng cùng chồng lên núi ở, chồng cày cấy, vợ dệt vải, ngày ngày ngâm thơ đàn hát, sống cuộc sống thanh bần mà hạnh phúc.