5 người tử vong, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng vì mưa lũ, sạt lở
Trong những ngày qua mưa lớn, sạt lở, dông, lốc đã khiến 5 người chết (Lâm Đồng có 3 người, Bình Thuận có 1 người, Bạc Liêu có 1 người); 1 người bị vùi lấp (Lâm Đồng); 89 ngôi nhà sập, 446 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái.
Tây Nguyên - Nam Bộ tiếp tục mưa lớn, đề nghị rà soát khu vực nguy cơ sạt lở để di dời dân
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, một số tỉnh Nam Trung Bộ -Tây Nguyên và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, trong những ngày qua mưa lớn, sạt lở, dông, lốc xảy ra đã khiến 5 người chết (Lâm Đồng 3 người, Bình Thuận 1 người, Bạc Liêu 1 người); 1 người bị vùi lấp (Lâm Đồng).
Cùng với đó, mưa lớn khiến 89 ngôi nhà sập, 446 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái, đồng thời gây hư hại 3.869 ha lúa và 184,8 ha hoa màu bị ngập. Hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết; 12ha thủy sản thiệt hại nặng. Sạt lở cũng gây ách tắc tại nhiều tuyến đường giao thông.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn quốc gia, từ ngày 31/7 đến đêm 1/8, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 170mm.
Ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Ninh Thuận và Bình Thuận có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (mưa tập trung vào chiều tối và đêm). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, và gió giật mạnh.
Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên theo dõi chặt tình hình mưa lũ, tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư, khu vực đường giao thông có nguy cơ sạt lở để chủ động di dời, sơ tán; tổ chức canh gác tại các khu vực ngầm tràn, khu vực đang bị sạt lở, vùi lấp và khu vực ngập sâu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp cần khẩn trương rà soát ngay phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với các đợt thiên tai trong thời gian tới.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị địa phương huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, vùi lấp để kịp thời thông tuyến giao thông trên tuyến Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc; tổ chức lắp đặt các biển cảnh báo, chỉ dẫn tại những vị trí bị sạt lở và các khu vực có nguy cơ cao sạt lở; bố trí lực lượng hướng dẫn, điều tiết giao thông đối với người và phương tiện di chuyển qua tuyến quốc lộ 20.
Dông lốc làm 13 người bị thương ở Kiên Giang
Sáng 31/7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 2 gây ra.
Theo đó, từ đêm 29/7 đến trưa 30/7, tỉnh Kiên Giang chịu ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 2, xảy ra mưa kèm theo dông lốc, gây thiệt hại về tài sản của người dân ở một số địa phương.
Cụ thể, mưa dông và lốc xoáy làm 13 người bị thương, trong đó huyện Vĩnh Thuận có 3 người, huyện U Minh Thượng có 5 người và huyện Gò Quao có 5 người. Mưa lớn kèm dông lốc làm 194 căn nhà bị sập và tốc mái, ước thiệt hại trên 2,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, 3 tàu đánh cá tại xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành bị chìm; 14 trụ điện, nhiều cây xanh đổ ngã; ngập úng cục bộ một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Rạch Giá.
Tại huyện Châu Thành, mưa dông làm đổ ngã 1.000ha lúa hè thu đang trong giai đoạn trổ chín; 4.000ha lúa thu đông giai đoạn mạ bị ngập úng; 1,8ha mít bị đổ ngã; 1,6ha ớt giai đoạn gần cho trái bị ngập.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, Chi cục Thủy lợi chủ động tăng cường mở các cống trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam vận hành mở tất cả các cửa cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp.
Sau khi xảy ra thiệt hại, lãnh đạo Sở NN&PTNT và Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang đã trực tiếp xuống địa phương để chỉ đạo khắc phục hậu quả và tổ chức thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại.
Hiện nay, các huyện đã tạm ứng một phần ngân sách để hỗ trợ, thăm hỏi, động viên người dân. Đồng thời, tổ chức xác minh, tiến hành các thủ tục trình UBND tỉnh chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh cho các hộ dân bị thiệt hại.
Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức thu dọn các cây xanh bị đổ ngã để đảm bảo lưu thông. Vận động người dân chằng chống nhà cửa, phát quang cây cối ven đường, xung quanh nhà... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.
Thiệt hại nhiều nhà cửa ở Cần Thơ, Hậu Giang
Sáng 31/7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) thành phố Cần Thơ cho biết, mưa kèm dông lốc trên địa bàn thành phố trong hai ngày 29-30/7/2023 làm 2 người bị thương; 8 căn nhà bị sập; 29 căn bị tốc mái, xiêu vẹo.
Trong đó, tại huyện Vĩnh Thạnh, trong đêm 29/7, trên địa bàn ấp C2, xã Thạnh Lợi xảy ra dông lốc làm tốc mái 2 căn nhà kho, không thiệt hại về người; ước thiệt hại khoảng 10 triệu đồng.
Sáng 30/7, trên địa bàn ấp Qui Lân 1 và Qui Lân 5, xã Thạnh Quới xảy ra mưa lớn kèm theo dông lốc làm 2 người bị thương, sập 5 căn nhà, tốc mái 16 căn. Ước tổng thiệt hại tại 2 điểm khoảng 160 triệu đồng.
Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN huyện đã kết hợp với chính quyền địa phương, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an huyện Vĩnh Thạnh và nhân dân trong khu vực đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Còn tại quận Thốt Nốt, sáng 30/7, mưa lớn kèm theo dông lốc làm sập hoàn toàn 3 căn nhà; tốc mái, xiêu vẹo 13 căn; làm ngã đổ 2 trụ đèn chiếu sáng tại phường Thốt Nốt. Địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại.
UBND quận và Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN quận đã chỉ đạo dọn dẹp và thu xếp các vật dụng bị hư hỏng và huy động lực lượng hỗ trợ các hộ dân có nhà bị hư hỏng tạm khắc phục, sửa chữa để người dân sớm ổn định chỗ ở.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố Cần Thơ cũng đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi, cập nhật thống kê thiệt hại và báo cáo để có phương án xử lý, hỗ trợ kịp thời.
Tại Hậu Giang, mưa lớn kèm dông lốc những ngày qua cũng làm sập hoàn toàn 3 căn nhà. 5 căn nhà khác bị tốc mái ở các xã Vĩnh Thuận Tây, Vĩnh Tường, Vị Đông, Vị Thanh, Vị Thắng, ước thiệt hại gần 300 triệu đồng, trong đó có 1 nhà kho chứa lúa thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
Tại thành phố Vị Thanh cũng có 3 căn nhà bị tốc mái ở xã Hỏa Lựu và phường 7, ước tổng thiệt hại 55 triệu đồng. Nhiều tuyến phố biến thành sông.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh đã khẩn trương tiến hành xác định và đánh giá mức độ thiệt hại, khảo sát khu vực bị ảnh hưởng. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường lực lượng xung kích tổ chức sửa chữa, khắc phục cho dân.
Từ đầu năm đến nay, mưa kèm dông lốc trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã làm sập 14 căn nhà, tốc mái 41 căn, ước tổng thiệt hại hơn 1,3 tỷ đồng.