5 nguy cơ, mối đe dọa lớn cho trẻ em trên không gian mạng
Tiếp cận với những nội dung độc hại làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển... là một trong 5 nguy cơ, mối đe dọa lớn cho trẻ em trên không gian mạng.
Ngày 28/10 vừa qua, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp cùng Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (CFC Việt Nam), Hiệp hội Giáo dục mầm non ngoài công lập Việt Nam tổ chức ra mắt cuốn sách “15 bí kíp giúp tớ an toàn - Cẩm nang sử dụng Internet an toàn và hiệu quả”.
Theo bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gia mạng Việt Nam (VNCERT/CC), thống kê từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12 - 13 tuổi sử dụng Internet hằng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%.
Cũng theo khảo sát của UNICEF năm 2022, 23% trẻ em cho biết đôi khi các em vô tình thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm quảng cáo trên mạng. Trên thực tế, nội dung khiêu dâm có ở khắp nơi, vì vậy việc chặn các trang web khiêu dâm là không đủ và không hiệu quả.
Bà Đinh Thị Như Hoa chỉ ra rằng, có 5 nguy cơ, mối đe dọa lớn cho trẻ em trên không gian mạng, đó là: Tiếp cận với những nội dung độc hại làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet; bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.
Đại diện VNCERT/CC cho biết, một trong những nguyên nhân khiến trẻ em tiếp xúc với nhiều nội dung, chương trình không phù hợp trên các nền tảng mạng xã hội là do bố mẹ cho con sử dụng thiết bị cùng với mình. Đặc biệt, nhiều gia đình coi điện thoại thông minh hay các chương trình trên mạng là “bảo mẫu” cho trẻ em trong thời đại hiện nay.
Đồng thời, nhiều bố mẹ đang tiến hành chia sẻ thông tin, hình ảnh con mình một cách vô tư không kiểm soát trên mạng xã hội cũng dẫn tới nguy hại là các thông tin cá nhân của trẻ bị rò rỉ, phát tán trên môi trường mạng. Chính thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về nhận thức của chính người làm cha mẹ đang chưa đúng.
Để bảo vệ trẻ em trên mạng, bà Đinh Thị Như Hoa chia sẻ, Bộ TT&TT và Bộ Công an, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tán phát thông tin xấu, độc trên MXH như Facebook, Youtube… tạo môi trường lành mạnh cho trẻ, cũng như đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, nội dung trên môi trường mạng thực thi qui định pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ trẻ em.
Đồng thời, tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em.