5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành nội chính cả nước và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh

Cán bộ ngành nội chính, người làm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải: Pháp luật chắc, nghiệp vụ sắc, đắc nhân tâm.

Chiều 31-12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh.

Đây là hoạt động tiếp theo của Tổng Bí thư, khi buổi sáng, ông đã chủ trì phiên họp 27 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống TNLPTC.

Hội nghị được tổ chức khi Bộ Chính trị vừa ban hành Quyết định 215-QĐ/TW, ngày 28-12 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương, thay cho quyết định cùng tên ban hành từ 4 năm trước.

Theo đó, Ban Nội chính Trung ương tiếp tục được khẳng định là cơ quan tham mưu, giúp việc của BCH Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống TNLPTC và cải cách tư pháp. Đồng thời tiếp tục là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống TNLPTC và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp.

Tại Hội nghị, Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính các tỉnh, thành, cùng các Ban Chỉ đạo phòng, chống TNLPTC cấp tỉnh đã có những đánh giá khối lượng công việc đồ sộ đã thực hiện trong năm, cũng như mổ xẻ những mặt hạn chế cần khắc phục.

Hội nghị cũng thảo luận nhiệm vụ năm 2025 – một năm quan trọng của mùa đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Và đặc biệt còn là năm triển khai quyết liệt cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, là “tai mắt” của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống TNLPTC và cải cách tư pháp, ngành nội chính và các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống TNLPTC. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Trong các nhiệm vụ ấy, Tổng Bí thư yêu cầu tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các nội dung thuộc lĩnh vực được phân công, nhất là tham gia hoàn thiện, nâng cao chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV.

Tham mưu, chỉ đạo chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên, phải làm ngay.

Tham mưu, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn và cán bộ lãnh đạo các cấp có nhiều thông tin, dư luận về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; điều tra, xử lý dứt và điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự cấp ủy các cấp.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp, “hiệp đồng tác chiến” giữa các cơ quan nội chính; chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Và trong cuộc cách mạng về tinh, gọn bộ máy, Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính các tỉnh, thành phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nội chính, phòng, chống TNLPTC thật sự bản lĩnh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư “Chắc - Sắc - Đắc”, tức là pháp luật chắc, nghiệp vụ sắc, đắc nhân tâm.

Nghĩa Nhân

Nguồn PLO: https://plo.vn/5-nhiem-vu-trong-tam-cua-nganh-noi-chinh-ca-nuoc-va-ban-chi-dao-cap-tinh-post827883.html