5 nút thắt trong đầu tư khách sạn xanh
Dù đang trở thành xu hướng nhưng vẫn còn nhiều trở ngại làm giảm ý định ứng dụng thực hành xanh trong khách sạn tại Việt Nam, bao gồm vốn đầu tư lớn, vị trí, thiếu các bộ quy tắc xanh, sự hài lòng của khách thấp và tỷ lệ biến động nhân sự cao.
Xu hướng thực hành xanh
Thực hành xanh trong khách sạn tại Việt Nam, theo ý kiến của các quản lý khách sạn được thể hiện trong báo cáo Xu hướng "Going Green" trong các khách sạn tại Việt Nam do Outbox Consulting phối hợp với Informa Markets (Việt Nam) thực hiện, bao gồm hai xu hướng là xây dựng xanh và vận hành xanh.
Khi thực hành xanh và xu hướng thân thiện với môi trường trở thành một chuẩn mực mới trong đầu tư và phát triển khách sạn, một số nhà đầu tư khách sạn đang áp dụng lối tư duy xanh của mình vào việc phát triển khách sạn của họ ngay từ giai đoạn mới bắt đầu lên ý tưởng và xây dựng cơ sở vật chất.
Ví dụ, các nhà đầu tư trả nhiều hơn để lắp đặt một tấm thu năng lượng mặt trời hoặc phần mềm kiểm soát điện trung tâm, cho phép người dùng kiểm soát điện năng tiêu thụ cho mỗi phòng nhằm tiết kiệm năng lượng hoặc hệ thống quản lý chất thải.
Với một triết lý minh bạch, ban quản trị có một lộ trình rõ ràng để phát triển và quản lý các khách sạn.
Các quản lý trong các khách sạn này, khi có được một xây dựng xanh, sẽ có cơ sở hạ tầng tốt hơn để sáng tạo ra thêm nhiều hình thức thực hành xanh và thêm nhiều sáng kiến trong vận hành hằng ngày.
Các khách sạn địa phương độc lập lớn và các khu nghỉ dưỡng có thể sử dụng vốn đầu tư linh động hơn, do đó, có nhiều tự do hơn trong việc xây dựng những cơ sở vật chất xanh.
Bên cạnh đó, hầu hết các khách sạn địa phương độc lậo được thành lập trong khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, khi mà công nghệ và các vật liệu thân thiện với hệ sinh thái được phổ biến rộng rãi với giá thành hợp lý.
Đây có thể là một tác nhân lớn khiến các nhà đầu tư khách sạn áp dụng vào trong cơ sở vật chất của mình.
Mặt khác, các khách sạn thuộc chuỗi nội địa và chuỗi quốc tế có ít sự linh động hơn trong việc sử dụng vốn; những nhóm này sẽ ít có khả năng hơn để không ngừng xúc tiến xây dựng xanh khắp các cơ sở vật chất của họ.
Tuy nhiên, các nhà quản lý không có quyền kiểm soát xu hướng xây dựng xanh, thay vào đó, họ chú trọng ứng dụng thực hành xanh trong vận hành nhằm bảo vệ môi trường đồng thời vẫn mang đến dịch vụ chất lượng và giảm thiểu chi phí thiệt hại môi trường cũng như chi phí vận hành.
Vận hành xanh có thể dùng để chỉ mọi hình thức thực hành xanh trong khách sạn từ tái chế, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, đến quản lý chất thải. Cùng với xây dựng xanh, vận hành xanh tạo ra một cách ứng dụng thực hành xanh trong khách sạn toàn diện và tối ưu.
Hầu hết các khách sạn ở Việt Nam đều ý thức được tầm quan trọng của thực hành xanh trong vận hành hằng ngày và ứng dụng thực hành xanh trong các khách sạn. Vì thế, vận hành xanh khá phổ biến, song, điểm khác biệt là mức độ các khách sạn ứng dụng thực hành xanh.
Như vậy, có thể thấy, các khu nghỉ dưỡng và các khách sạn độc lập địa phương lớn cố gắng đảm đương trách nhiệm về môi trường bằng việc trang bị xây dựng xanh cũng như vận hành xanh.
Mặt khác, các khách sạn thuộc chuỗi dù là nội địa hay quốc tế vì một số trở ngại chỉ đang tập trung thực hiện thực hành xanh trong vận hành.
Năm trở ngại lớn trong việc ứng dụng thực hành xanh
Dù đã trở thành xu hướng, song vẫn còn năm trở ngại lớn làm giảm ý định ứng dụng thực hành xanh trong khách sạn tại Việt Nam bao gồm: vốn đầu tư lớn, vị trí tọa lạc, thiếu các bộ quy tắc xanh, sự hài lòng của khách thấp và tỷ lệ biến động nhân sự cao.
Trở ngại đầu tiên cho việc xây dựng các khách sạn xanh là vốn đầu tư có hạn. Trường hợp này xảy ra đối với cả khách sạn địa phương độc lập nhỏ, khách sạn thuộc chuỗi nội địa và quốc tế.
Đối với các khách sạn thuộc chuỗi nội địa, các chủ sở hữu khách sạn và nhà đầu tư không có đủ sự linh động trong việc sử dụng vốn đầu tư. Cụ thể, họ phải phân chia đồng đều vốn đầu tư khắp các khách sạn thuộc chuỗi để duy trì những tiêu chuẩn đồng bộ cho cả chuỗi.
Khi đầu tư xây dựng khách sạn, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư và thời gian hoàn vốn luôn được xem xét một cách nghiêm túc. Đầu tư nhiều vào xây dựng những cơ sở hạ tầng được trang bị tốt nhằm ứng dụng thực hành xanh trong khách sạn sẽ khiến vốn đầu tư ban đầu tăng, dẫn đến việc thời gian hoàn vốn bị kéo dài; điều này khá là rủi ro và gây lo ngại cho các nhà đầu tư.
Việc các khách sạn tăng giá phòng để đảm bảo tỷ lệ hoàn vốn đầu tư và bù đắp lại phần vốn đầu tư ban đầu cao là bất khả thi do điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của khách sạn. Hơn thế nữa, vì các khách sạn tập trung với mật độ dày đặc ở các thành phố lớn nên việc một khách sạn cho thuê được phòng khi lấy giá cao hơn mức giá trung bình trong khu vực là rất khó, dù cho các khách sạn có quảng bá sự thân thiện với hệ sinh thái là lợi thế bán hàng độc nhất của họ.
Tình hình cũng không hề dễ dàng hơn đối với khách sạn thuộc các chuỗi quốc tế. Đa số khách sạn trong nhóm này được nghiên cứu đầu tư bởi nhóm các nhà đầu tư hay các nhà đầu tư cá nhân và do nhóm quản lý khách sạn quốc tế quản lý. Vì vậy, các tiêu chuẩn xanh và thân thiện với hệ sinh thái từ các thương hiệu quốc tế đó không phải lúc nào cũng được áp dụng trong quá trình xây dựng.
Thứ hai, khách sạn tọa lạc trong nội thành phải đối mặt với trở ngại về vị trí. Các cơ sở vật chất xanh đòi hỏi một khoảng không gian khá rộng để xây dựng, điều này gây khó khăn cho các khách sạn tọa lạc tại khu vực thành thị.
Chẳng hạn như, khi sử dụng một hệ thống xử lý chất thải rắn, việc xây hầm ủ là rất quan trọng, nhưng việc này lại yêu cầu một khoảng không gian lớn. Sân thượng là khu vực các khách sạn có thể tận dụng để lắp đặt tấm thu năng lượng mặt trời hoặc bất kỳ tiện nghi tiết kiệm năng lượng nào nếu họ ở các khu vực thành thị.
Tuy nhiên, với khoảng không gian hạn chế này, các khách sạn phải ưu tiên cho việc lắp đặt các tiện nghi khác hơn so với các tiện nghi xanh. Vì lẽ đó, các khách sạn tọa lạc ở các khu vực thành thị phải vượt qua những khó khăn này để có thể ứng dụng thực hành xanh.
Thứ ba, các khách sạn địa phương độc lập lớn đang gặp trở ngại trong việc áp dụng khi không có bộ quy tắc chính thống về thực hành xanh tại Việt Nam.
Ở Việt Nam, dù có nhiều chứng nhận nhãn dán xanh từ các tổ chức trong và ngoài nước, nhưng không nhiều trong số đó được các khách sạn thực hiện và chúng cũng ít được khách hàng biết đến. Sự phát triển của nhãn dán xanh trên phạm vi toàn cầu làm nảy sinh mối lo ngại rằng ở Việt Nam, vẫn còn thiếu chứng nhận xanh chính thức đủ thông dụng để các khách sạn tuân thủ và để các khách lựa chọn.
Outbox Consulting cho rằng, cần phải có một bộ quy tắc/quy định chính thức và thấu đáo ở Việt Nam để các khách sạn muốn ứng dụng thực hành xanh có thể tuân thủ và để các khách muốn đóng góp vào việc giảm thải tác động của ngành công nghiệp du lịch lên môi trường có thể có một thang đo chuẩn để căn cứ vào đó chọn ra các khách sạn xanh chân chính.
Chứng nhận xanh chính thức sẽ giảm thiểu khả năng cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ như các khách sạn thực hành xanh với mục tiêu đánh bóng thương hiệu chứ không nghiêm túc tiến hành.
Thiết kế lại khách sạn để đón khách hậu Covid-19
Các bộ quy tắc cập nhật việc thực hành xanh mới trong khách sạn và các thay đổi sẽ giúp các khách sạn tiếp nhận những xu hướng mới trên khắp thế giới và có một phương hướng rõ ràng hơn để ứng dụng thực hành xanh trong tương lai.
Dù nhóm khách sạn địa phương độc lập lớn hiện đang làm tốt trong việc thực hiện xây dựng xanh cũng như vận hành xanh, nhưng các khách sạn nếu không được cập nhật các xu hướng toàn cầu mới sẽ không có kế hoạch để phát triển vận hành xanh trong tương lai.
Thứ tư, sự hài lòng của khách là một bất lợi khác cản trở các khách sạn ứng dụng thực hành xanh.
Khách hàng đang thay đổi nhận thức và trở nên trách nhiệm hơn đối với môi trường trong mọi việc làm của họ, đặc biệt là khách quốc tế. Tuy nhiên, điều đó không đảm bảo sự tham gia và cam kết của khách trong mọi chương trình xanh của khách sạn.
Họ có những kỳ vọng nhất định tương ứng với số tiền họ chi trả để ở lại các khách sạn, ví dụ như tiện nghi phải đạt chuẩn khách sạn 4 sao. Đó thường là một khó khăn mà hầu hết các khách sạn và resort phải khắc phục khi thực hiện thực hành xanh trong cơ sở vật chất của họ.
Việc thỏa hiệp giữa sự hài lòng của khách và các sáng kiến xanh luôn là một nhiệm vụ đòi hỏi nhiều sự khéo léo. Tuy vậy, các khách sạn có thể thay đổi tình thế bằng cách truyền tải rõ ràng thông điệp về lợi ích của việc tham gia vào các chương trình xanh của khách sạn.
Các khách sạn thuộc chuỗi nội địa và quốc tế cũng như các khu nghỉ dưỡng đang làm tốt việc tạo động lực cho khách tham gia vào các chương trình xanh với việc đưa ra những hình thức khích lệ như phiếu quà tặng hoặc điểm thưởng đối với các chương trình thành viên để khiến khách cảm thấy gắn kết hơn với việc ứng dụng thực hành xanh trong khách sạn hoặc truyền đi những thông điệp “hãy cứu lấy môi trường” rõ ràng được đặt khắp nơi trong các khu nghỉ dưỡng và khách sạn.
Một trở ngại khác gây khó khăn cho các khách sạn trong việc ứng dụng thực hành xanh trong vận hành hằng ngày là tỷ lệ biến động nhân sự cao.
Trở thành một khách sạn thân thiện với hệ sinh thái không phải là quyết định có thể được thực thi chỉ bởi ban quản trị hoặc ban giám đốc, mà thay vào đó, đây là một lối sống, một quá trình và hành vi đòi hỏi sự hợp tác của mọi phòng ban trong khách sạn.
Cụ thể, khách sạn cần cải thiện ý thức và thái độ của nhân viên nhằm khuyến khích họ có trách nhiệm với môi trường hơn trong mọi việc.
Tỷ suất biến động nhân sự cao đồng nghĩa với việc khách sạn phải tuyển dụng và tập huấn cho các nhân viên mới thường xuyên. Các nhân viên thường mất một khoảng thời gian đáng kể để có được lối tư duy "xanh" và một thái độ tích cực đối với sự bền vững của môi trường.
Tuy nhiên, tình trạng này chỉ tồn tại ở các khách sạn thuộc sở hữu tư nhân; tại các khách sạn thuộc sở hữu nhà nước, tỷ suất biến động nhân sự thấp do chế độ phúc lợi và bồi thường trong các các khách sạn này khá tốt. Vì thế, không phải khách sạn nào cũng xem nhân tố này ra một rào cản khi ứng dụng thực hành xanh.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, mọi trở ngại đều chỉ tồn tại ở các khách sạn địa phương độc lập và các khách sạn thuộc chuỗi nội đại, trong khi các khách sạn thuộc chuỗi quốc tế và các khu nghỉ dưỡng lại không xem đó là bất lợi. Họ đồng ý rằng chi phí cho các vật liệu xanh thay thế khá cao và bổ sung thêm một trở ngại liên quan đến chủ đề này đó là nguồn cung ứng các vật liệu xanh thay thế và các thiết bị bị hạn chế.
Đối với những bất lợi khác được các khách sạn độc lập và các khách sạn thuộc chuỗi nội địa nêu ra, các hình thức khích lệ được áp dụng nhằm tăng cường sự tham gia của khách vào các chương trình xanh của khách sạn, để khách không cảm thấy không thoải mái khi nhân viên không thay ga giường hằng ngày hay đổ đầy bình chứa dầu gội.
Bên cạnh đó, tỷ lệ biến động nhân sự cao không phải là một trở ngại, mà thay vào đó là một cơ hội để họ truyền bá kiến thức tích lũy được ở một khách sạn đến một cộng đồng chủ khách sạn lớn hơn.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nut-that-trong-dau-tu-khach-san-xanh-1593762385601.htm