5 SUV đô thị bán chạy nhất tháng 2/2021: Kia Seltos không đối thủ
Kia Seltos và Toyota Corolla Cross tiếp tục thể hiện sự áp đảo về mặt doanh số trước các đối thủ Hyundai Kona, Honda HR-V hay Ford EcoSport.
Seltos và Corolla Cross duy trì sức hút
Trong tháng 2, 5 mẫu SUV cỡ nhỏ có tổng lượng xe tiêu thụ đạt 2.144 xe, giảm trung bình 24,5% so với doanh số hơn 2.800 chiếc của tháng đầu năm. Trong đó, Kia và Toyota đóng góp nhiều nhất với khoảng 1.000 model Seltos và hơn 700 chiếc Corolla Cross.
Lượng xe bán ra của Kia Seltos và Toyota Corolla Cross chiếm đến 81% doanh số của cả nhóm. Đồng thời, đầy là 2 mẫu xe có tỷ lệ giảm doanh số ít nhất trong tháng vừa qua, với Seltos là 17,5% và Corolla Cross là 14,9%.
Các kết quả này giúp Seltos và Corolla Cross tiếp tục chia nhau 2 vị trí dẫn đầu phân khúc trong nửa năm qua, tính từ thời điểm tháng 9/2020. Ngoài ra, bộ đôi này còn lọt vào top 10 xe bán chạy nhất tháng với vị trí thứ 2 cho Seltos và thứ 5 với Corolla Cross.
Mẫu SUV Hàn Quốc được người dùng ưa chuộng nhờ ngoại hình trẻ trung, lượng trang bị tính năng khá tốt và mức giá cạnh tranh (599-719 triệu đồng). Còn với đại diện của Toyota, xuất xứ nhập khẩu từ Thái Lan và yếu tố thương hiệu được xem là chìa khóa thành công của Corolla Cross dù mẫu xe này có giá bán thuộc diện cao trong phân khúc, từ 720 triệu đến 910 triệu đồng.
Điểm hạn chế chung của Seltos và Corolla Cross là số lượng đơn đặt hàng cao nên thời gian chờ nhận xe kéo dài nhiều tháng. Ngoài ra, chất lượng của Seltos từng bị người dùng phản ánh khi có hiện tượng dột nước vào cabin và hộp số quá nhiệt.
Cựu vương đuối sức
Song song với sự vươn lên mạnh mẽ của Kia Seltos và Toyota Corolla Cross, những cái tên quen mặt ở nhóm SUV đô thị trong vài năm qua tỏ ra hụt hơi và đánh mất thị phần. Chịu ảnh hưởng đáng kể nhất là Hyundai Kona, mẫu xe đã dẫn đầu phân khúc gần 2 năm trước khi Seltos và Corolla Cross xuất hiện.
Trong tháng 2 vừa qua, Kona chỉ bán được 284 xe, giảm gần 70 chiếc so với tháng đầu năm, tỷ lệ tương đương 19,5%. So với những tháng cuối năm 2020 có doanh số trên 1.200 xe, Kona rõ ràng đang đánh rơi phong độ đáng kể.
Việc mẫu xe của Hyundai lu mờ trước 2 “tân binh” là điều tất yếu khi không chưa hề có sự nâng cấp hay thay đổi nào kể từ khi được giới thiệu tại Việt Nam. Mức giá 636-750 triệu đồng cũng không còn là lợi thế lớn để chiếc SUV Hàn Quốc cạnh tranh trước các đối thủ.
Dù đã nỗ lực thay đổi và nâng cấp, Honda HR-V và Ford EcoSport cũng phải chấp nhận tình cảnh tương tự Kona. Nếu Ford EcoSport có thiết kế nội ngoại thất đơn điệu, không phù hợp với thị hiếu người dùng Việt Nam thì HR-V bán chậm chủ yếu do mức giá cao (786-871 triệu đồng), tương đương với các mẫu SUV hạng C.
Hai mẫu xe này vẫn dậm chân tại chỗ và chia nhau 2 vị trí cuối bảng xếp hạng nhiều tháng liền. Doanh số của HR-V và EcoSport lần lượt trong tháng 2 là 65 xe và 57 xe, mức giảm tương ứng là 71,6% và 67,8%.
Bên cạnh các những mẫu xe quen thuộc kể trên, người dùng Việt Nam còn có một vài lựa chọn khác ở nhóm SUV 5 chỗ tầm 600-700 triệu đồng đến từ Trung Quốc. Đó là MG ZS (519-619 triệu đồng), BAIC Beijing X7 (528-688 triệu đồng) hay Brilliance V7 (738 triệu đồng).
Đây là các model có giá bán hấp dẫn và mẫu mã bắt mắt, được lòng nhóm khách hàng chuộng xe rẻ và nhiều công nghệ. Tuy nhiên, hạn chế về mặt thương hiệu cũng như độ tin cậy chưa được kiểm chứng khiến ZS, X7 hay V7 chưa thể cạnh tranh được với các dòng SUV top trên.