5 tàu ngầm có thể 'hủy diệt thế giới trong vòng 30 phút'

Tàu ngầm lớp Yasen của Nga có khả năng tiếp cận và đe dọa TP Chicago và TP St. Louis sâu trong lãnh thổ Mỹ.

Đầu năm 2020, tạp chí Forbes nhận định rằng thập niên 2020 sẽ là lúc cán cân tàu ngầm thế giới có những thay đổi quan trọng. Khi đó, tàu ngầm sẽ “chuyển mình” mạnh mẽ khi có nhiều hơn các quốc gia phát triển được tàu ngầm và chúng được áp dụng nhiều công nghệ mới hiện đại.

Tuy nhiên, hiện tại đã có những loại tàu ngầm có khả năng “hủy diệt thế giới trong vòng 30 phút”. Tạp chí National Interest ngày 29-1 đã điểm tên năm tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân có khả năng như vậy đang hoặc sẽ phục vụ trong quân đội các nước.

Tàu ngầm USS Henry M. Jackson thuộc lớp Ohio của Mỹ. Ảnh: USNI

Tàu ngầm USS Henry M. Jackson thuộc lớp Ohio của Mỹ. Ảnh: USNI

Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ

Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio của Mỹ được phát triển từ giữa những năm 1970 để thay thế hạm đội tàu ngầm lỗi thời từ thập niên trước đó của Mỹ.

Tàu ngầm Ohio có lượng giãn nước đạt 18.750 tấn. Mỗi tàu có thể mang theo 24 tên lửa đạn đạo UGM-133 (Trident II D5), mỗi quả tên lửa có sức công khá gấp 12 lần đầu đạn nhiệt hạch W88 với tổng đương lượng nổ là 5.700 kiloton.

Với độ chuẩn xác cao, tên lửa Trident II D5 có thể tấn công với sai số mục tiêu không quá 90 m. Do đó, tàu ngầm Ohio có thể được sử dụng để thực hiện đòn tấn công mở đầu, National Interest nhận định.

Hiện nay, Mỹ đang duy trì hạm đội gồm 14 chiếc tàu ngầm lớp Ohio, với mỗi giai đoạn sẽ có hai chiếc được điều chuyển để bảo dưỡng thường kỳ. Trong đó, có chín tàu hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương và năm tàu còn lại ở Đại Tây Dương.

Tàu ngầm lớp Columbia của Mỹ

Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Columbia dự định được phát triển để thay thế các tàu ngầm lớp Ohio. Tàu ngầm lớp Columbia có lượng giãn nước 20.800 tấn, song chỉ mang được 16 quả tên lửa Trident II D5.

Hầu hết không gian trong tàu được dùng để lắp đặt động cơ hạt nhân và motor nam châm vĩnh cữu - các bộ phận quyết định “mạng sống” của con tàu. Động cơ này được đánh giá là “cực kỳ yên tĩnh”.

Theo kế hoạch, việc đóng tàu Columbia sẽ bắt đầu từ năm 2021 và con tàu đầu tiên sẽ chính thức tham gia vào biên chế Hải quân Mỹ vào năm 2031.

Tàu ngầm Vladimir Monomakh thuộc lớp Borei của Nga. Ảnh: SPUTNIK

Tàu ngầm Vladimir Monomakh thuộc lớp Borei của Nga. Ảnh: SPUTNIK

Tàu ngầm dự án 955-Borei của Nga

Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo thuộc dự án 955 - lớp Borei được Nga phát triển từ giữa thập niên 1980. Với lượng giãn nước là 24.000 tấn, đây là loại tàu ngầm lớn thứ hai thế giới sau tàu ngầm dự án 941-Typhoon cũng do Nga chế tạo nhưng đã bị loại biên.

Tàu ngầm lớp Borei được trang bị động cơ tuabin khí và hệ thống đẩy chân vịt tối tân giúp nó có thể đạt vận tốc cao nhưng vẫn rất yên tĩnh khi hoạt động dưới nước. Hải quân Nga đang vận hành ba chiếc tàu ngầm lớp này.

Tàu có thể mang theo 16 tên lửa đạn đạo RSM-56 Bulava với tầm bắn 8.000 km và mỗi tên lửa mang theo 10 đầu đạn hạt nhân.

Các đầu đạn này được thiết kế để tấn công mục tiêu với độ lệch không quá 300 m và có khả năng tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tàu ngầm dự án 667BDRM-Delta IV của Nga

Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo thuộc dự án 667BDRM - lớp Delta IV được Nga phát triển từ đầu những năm 1980 - cùng thời điểm phát triển tàu ngầm lớp Typhoon - từ các thiết kế trước đó thuộc dự án 667.

Hiện có bảy tàu ngầm lớp Delta IV đang phục vụ trong biên chế Hạm đội phương Bắc và đang là xương sống trong lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Nga.

Tàu ngầm Delta IV có lượng giãn nước 18.200 tấn và được trang bị 16 tên lửa nhiên liệu lỏng R-29RMU Sineva với mỗi tên lửa có 4-8 đầu đạn hạt nhân.

Vượt trội hơn các tàu ngầm Delta khác, các tàu ngầm Delta IV có khả năng phóng tên lửa từ bất kỳ hướng nào mà không cần tạm ngừng hành trình khi bắn và có thể bắn từ độ sâu 55 m dưới mực nước biển.

Chiếc tàu ngầm thứ hai thuộc lớp Yasen của Nga tham gia thử nghiệm trên biển. Ảnh: USNI

Chiếc tàu ngầm thứ hai thuộc lớp Yasen của Nga tham gia thử nghiệm trên biển. Ảnh: USNI

Tàu ngầm lớp 885M-Yasen của Nga

Tàu ngầm thuộc dự án 885M - lớp Yasen không phải là một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mà nó có trang bị 32 tên lửa hành trình Kalibr có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thường.

Tàu ngầm Yasen là một loại tàu ngầm nhanh và cực kỳ yên tĩnh, lại được trang bị nhiều cảm biến thủy âm cực kỳ nhạy. Cùng với việc các tên lửa Kalibr có tầm bắn lên tới 2.500 km, đây được coi là một mối đe dọa thực sự dành cho Mỹ.

Giới quan sát cho rằng tàu ngầm lớp Yasen có thể tiếp cận khu vực 2.000 km kể từ biên giới phía đông của Mỹ và có khả năng tấn công vào khu vực Ngũ Đại Hồ giữa biên giới Mỹ-Canada.

Thậm chí, National Interest còn lo ngại các tàu ngầm này có thể “im lặng” tiến vào khu vực cách đường bờ biển Mỹ chỉ 1.000 km hoặc thậm chí ngắn hơn. Khi đó, nó có thể đe dọa đến TP Chicago và TP St. Louis trong nội địa Mỹ.

Hiện chỉ mới có một chiếc tàu ngầm lớp Yasen được trang bị cho Hải quân Nga và một chiếc khác đang trong giai đoạn thử nghiệm trên biển.

VĂN KIẾM

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/quan-su/5-tau-ngam-co-the-huy-diet-the-gioi-trong-vong-30-phut-886483.html