5 thách thức lớn Apple phải đối mặt trong năm nay
Không chỉ về vấn đề bán hàng ở Trung Quốc mà còn vụ kiện bằng sáng chế ở Mỹ và cuộc đua AI tạo sinh, Apple sẽ phải đối mặt với năm 2024 đầy rắc rối.
Hàng loạt thách thức của gã khổng lồ công nghệ ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong hoạt động kinh doanh tổng thể của họ. Mới tuần trước, Microsoft đã soán ngôi Apple với tư cách là công ty có giá trị lớn nhất, sau khi tụt lại phía sau Apple trong suốt thập kỷ qua. Cổ phiếu Microsoft tăng giá phần lớn nhờ vào việc đầu tư sớm vào trí tuệ nhân tạo, một lĩnh vực mà Apple vẫn đang im lặng.
Nhưng một số nhà phân tích tin rằng công ty sẽ có thể tìm đường để "lách qua khe cửa hẹp".
David McQueen, giám đốc của ABI Research cho biết: “Apple vẫn là công ty lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường, tôi chắc chắn rằng họ sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu tác động của những lĩnh vực đang có vấn đề. Công ty vẫn đang sở hữu có một lượng người dùng cực kỳ trung thành để giá trị thương hiệu và sự nhận diện cũng như chất lượng của công ty không bị ảnh hưởng”.
Dưới đây là một cái nhìn sâu hơn về những gì sắp xảy ra với Apple:
Vấn đề ở Trung Quốc
Một trong những trở ngại lớn nhất của Apple trong năm nay sẽ là giải quyết vấn đề thị trường ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Công ty đã nỗ lực thu hút khách hàng iPhone tại nước này sau khi Huawei ra mắt điện thoại thông minh Mate 60 Pro cực kỳ thành công. Trong một động thái bất ngờ, Apple gần đây đã giảm giá tạm thời đối với iPhone và các sản phẩm khác tại Trung Quốc, giảm giá khoảng 70 USD cho iPhone (Mac và iPad cũng được giảm giá mạnh).
Động thái này khiến người ta phải đặt ra dấu hỏi về việc iPhone đang hoạt động như thế nào tại một trong những thị trường quan trọng nhất của họ, thị trường mang lại khoảng 20% doanh thu của công ty vào năm ngoái. Một báo cáo gần đây của Reuters ghi nhận doanh số bán iPhone tại Trung Quốc đã giảm 30% trong tuần đầu tiên của năm trong bối cảnh áp lực từ đối thủ Huawei.
Dan Ives, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Wedbush, gọi Trung Quốc vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn nhất của Apple. Bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng, ông cho biết Trung Quốc có khoảng “100 triệu người dùng iPhone sẽ sớm nâng cấp thiết bị”.
Một cuộc chiến bằng sáng chế đang diễn ra
Apple Watch, một trong những sản phẩm phổ biến nhất của Apple, đang bị cấm bán ở Mỹ do liên quan đến vấn đề tranh chấp bằng sáng chế, vốn kéo dài nhiều năm.
Tuần trước, tòa phúc thẩm liên bang quyết định giữ lệnh cấm đối với Watch Series 9 và Watch Ultra 2, bất chấp nỗ lực kháng cáo của Apple. Cảm biến đo nồng độ oxy trong máu trên đồng hồ thông minh của hãng được xác định đã vi phạm bản quyền của Masimo, công ty công nghệ có trụ sở tại California.
Apple đã bán được 49 triệu đồng hồ thông minh trong năm 2022 và khoảng 26,7 triệu máy trong 9 tháng đầu 2023. Theo Independent, việc Apple Watch tiếp tục bị cấm trong năm 2024 không chỉ làm giảm doanh số, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của hãng. Vụ kiện giữa họ và Masimo chưa có dấu hiệu kết thúc sớm. Apple được cho là đang rơi vào thế bế tắc, khi chưa chấp nhận thỏa thuận nhằm giải tỏa tranh chấp pháp lý, nhưng cũng không sẵn sàng từ bỏ kinh doanh sản phẩm hàng đầu của mình.
Đi sau về AI tạo sinh
Những công ty công nghệ lớn như Microsoft, Meta, Google, Samsung đang liên tục công bố các tính năng AI cho dịch vụ và thiết bị của mình. Tuy nhiên, Apple lại tỏ ra không quá hưởng ứng đối với cuộc đua này.
Theo MacRumors, Apple sẽ giới thiệu trợ lý ảo Siri tích hợp mô hình AI tạo sinh trong phiên bản iOS 18, dự kiến ra mắt vào tháng 6, cùng một số công cụ trí tuệ nhân tạo được bổ sung lên iPhone 16. Dù vậy, những bước đi này của Apple đã được các đối thủ triển khai từ lâu. Từ tháng 10/2023, Google bán sản phẩm chủ lực Pixel 8 với loạt tính năng AI được tăng tốc bởi chip Tensor G3 sản xuất trên quy trình 4 nm. Giữa tháng 1, Samsung cũng mở bán dòng smartphone Galaxy S24, hỗ trợ người dùng tìm kiếm hình ảnh, tóm tắt văn bản hoặc dịch thuật tự động bằng AI.
Trong năm 2024, Apple được kỳ vọng sẽ có đột phá mới trong việc ứng dụng AI lên thiết bị, từ đó rút ngắn khoảng cách so với đối thủ. Thực tế, nhà sản xuất điện thoại Mỹ từng đi sau ở nhiều cải tiến như ứng dụng công nghệ 4G, 5G, loại bỏ giắc cắm tai nghe 3,5 mm, cổng sạc USB-C, sử dụng màn hình OLED... nhưng vẫn đạt doanh thu tốt nhờ sự ổn định và tính hiệu quả.
Mối lo ngại về doanh thu
Áp lực đang buộc Apple phải tăng doanh số bán hàng trên các danh mục sản phẩm khác của mình. Vào tháng 11, Apple đã công bố doanh số bán hàng giảm trong quý thứ tư liên tiếp, đặc biệt là với doanh số bán máy Mac và iPad. Tuy nhiên, doanh thu iPhone lại tăng 3% lên 43,8 tỉ USD.
Dẫu vậy, Barclays đã hạ mức cổ phiếu Apple vào đầu tháng này với lý do doanh số bán iPhone 15 đáng thất vọng ở Trung Quốc và nhu cầu đối với mẫu iPhone mới nhất đã giảm. iPhone 16 thế hệ tiếp theo sẽ ra mắt vào cuối năm nay dự kiến cũng sẽ chỉ có những nâng cấp không quá đột phá.
Apple cũng phải đối mặt với những thách thức xung quanh việc tung ra thị trường kính Vision Pro. Công ty sẽ phải chứng minh sự đúng đắn của một thiết bị kết hợp cả thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), công nghệ phủ hình ảnh ảo lên thế giới thực. Nhiều chuyên gia nhận định đây thực sự là tương lai của điện toán. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là một sản phẩm dễ bán: Mặc dù có tính đổi mới nhưng nó vẫn là một chiếc thiết bị cồng kềnh trị giá 3.499 USD mà người dùng phải đeo trên mặt.
Áp lực từ luật chống độc quyền
Đạo luật thị trường kỹ thuật số DMA của Liên minh Châu Âu, có hiệu lực từ tháng 8/2023, được thông qua với mục đích thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ trực tuyến. DMA yêu cầu các công ty có trên 45 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, vốn hóa trên 75 tỉ euro (82 tỉ USD) phải cho phép người dùng tải các ứng dụng từ đối thủ, đồng thời người dùng sẽ quyết định họ cài ứng dụng nào, từ cửa hàng nào lên thiết bị của mình.
Sau thời gian dài kiến nghị, ngày 15/1, Apple phải đưa ra quyết định lịch sử khi lần đầu chấp nhận cho người dùng iPhone, iPad tự do tải app trên các nền tảng khác thay vì giới hạn trên App Store như hiện tại. Các nhà phát triển cũng có thể từ chối sử dụng hệ thống thanh toán sẵn có của Apple, vốn tính phí hoa hồng lên tới 30%.
Vấn đề chống độc quyền cũng là tâm điểm của vụ kiện giữa Apple và Epic Games. Trong tháng 1, Tòa án Tối cao Mỹ từ chối xét đơn kháng cáo của nhà sản xuất điện thoại và giữ nguyên kết luận rằng công ty đã độc quyền phân phối ứng dụng một cách bất hợp pháp. Apple có hạn đến đầu tháng 3 để trình bày kế hoạch thay đổi định hướng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan chức năng.