5 thói quen 'độc hại' đang âm thầm bao mòn túi tiền mà nhiều người mắc phải
Nhiều người tưởng rằng bản thân đã lãi khi mua được sản phẩm giá hời nhưng không biết đó là tính toán của các chủ doanh nghiệp.
Hàng ngày, vẫn có nhiều người than phiền về số dư trong tài khoản ít ỏi mà không sớm nhận ra có những thói quen đang duy trì là những con sâu đục khoét chiếc ví của họ đến cùng kiệt. Theo Business Insider, có 5 thói quen tiền bạc "độc hại" mà mọi người cần sớm tỉnh táo tránh né ngay từ hôm nay.
1. Bạn đang sống quá tiết kiệm
Nghe có vẻ phi lý nhưng số đông Gen Z đã mắc một sai lầm tài chính là dành 70-80% thu nhập cho khoản tiết kiệm. Và từ đầu tháng đến cuối kỳ lĩnh lương, họ chi trả mọi khoản chi phí một cách khổ sở với số tiền ít ỏi còn lại.
Điều này cũng tương tự với quá trình giảm cân thất bại của nhiều người. Ban đầu, họ tuân thủ theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Cuối cùng, họ kết thúc giảm cân bằng việc tự thưởng cho mình những món ăn đã thèm muốn trong suốt nhiều tháng. Nói cách khác, nếu bạn cứ ép bản thân tuân theo một kế hoạch tài chính không thực tế thì phương pháp này sẽ chẳng bao giờ duy trì được lâu.
Theo Affordable School Online, chúng ta sẽ tiết kiệm thành công hơn khi thường xuyên thay đổi kế hoạch thắt chặt chi tiêu tùy theo tình hình kinh tế và sở thích cá nhân. Thói quen tiết kiệm quá mức cũng hạn chế bạn trải nghiệm thú vui trong cuộc sống hay bỏ lỡ cơ hội mua món đồ với mức chiết khấu sâu.
Dẫu biết thắt chặt tài chính là tốt, song hãy phân bổ hợp lý giữa tiết kiệm tiền và tận hưởng cuộc sống cá nhân. Chẳng hạn như nếu đạt được một cột mốc tài chính nào đó, luôn nhớ thưởng cho mình bằng một kỷ nghỉ hoặc dành thời gian bên người thân.
2. Mua đồ chỉ vì chúng được giảm giá
Trong suy nghĩ của số đông, mua đồ giảm giá là cách hiệu quả để làm chủ tài chính. Tuy nhiên, với chủ doanh nghiệp, đó cũng là cách để họ tăng doanh số bán hàng khi kích thích nhu cầu mua của bạn.
Ông Ozeme J. Bonnette, tác giả cuốn sách Get What Belongs to You (Nhận Lấy Những Thứ Xứng Đáng Với Bạn) từng nhận định: "Khi đi mua sắm, chúng ta chỉ nhìn thấy đó là một 'thỏa thuận' quá tốt để không đáng bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu ngẫm nghĩ lại, chúng ta không cần đến món hàng hay dịch vụ này nếu chúng không có hai chứ 'giảm giá'".
Cũng vì thế, trước khi nhấn nút mua một món đồ có mức chiết khấu sâu, hãy tự hỏi bản thân có nhất thiết cần chúng hay không. Nếu bạn đang có một món đồ tương tự cùng hình dáng hay công năng ở nhà, tốt hơn cả là hãy bỏ món đồ lại kệ hàng vì nếu ngẫm nghĩ kỹ hơn có lẽ chúng không đáng để bạn thanh toán tiền đâu.
3. Mua số lượng lớn để được giảm giá thêm
Đã bao nhiêu lần bạn lướt các trang thương mại điện tử, cố gắng nhặt thêm 2-3 món đồ chỉ để tận dụng mã giảm giá, mà hình thức phổ biến nhất là miễn phí vận chuyển. Nhận được ưu đãi miễn phí giao hàng từ người bán là điều tốt, nếu như bạn thực sự cần những thứ mình đang mua.
Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ dùng các hết món đồ định mua ban đầu. Do đó việc sắm thêm mặt hàng mà chỉ để tận dụng lợi thế được "miễn phí vận chuyển", hay giảm vài ba đồng bạc nhỏ quả là kế hoạch chi tiêu không khôn ngoan.
4. Ký hợp đồng dài hạn với phòng gym
Nhiều người trẻ không ngần ngại đăng ký hợp đồng với phòng gym từ 1-2 năm. Họ nghĩ với số tiền khổng lồ bỏ ra có thể ép bản thân chăm chỉ tập thể dục. Hơn nữa, nhiều phòng gym còn có chính sách giảm giá nếu khách hàng đăng ký theo gói, do đó chúng ta dễ nhầm lẫn bản thân nhận được "món hời" nếu đăng ký thẻ tập theo lời nhân viên.
Thế nhưng, nhiều người nhanh chóng bỏ cuộc chỉ sau 1-2 tháng vì không theo đuổi được hết chu trình tập luyện vất vả. Sau đó, họ tìm muôn vàn lời biện minh như "tôi đã mất hứng thú", "chương trình huấn luyện khắc nghiệt", "huấn luyện viên quá nghiêm khắc"... để giải thích cho hành động "ném tiền qua cửa sổ" của mình.
Clare Levison, tác giả của cuốn sách Frugal Isn't Cheap (Tiết Kiệm Không Rẻ) đã chia sẻ lời khuyên cho những ai đang có ý định đóng một đống tiền vào phòng gym:
"Hãy thử đăng ký gói tập theo tháng trước khi xuống tay đóng tiền tập theo năm. Thời gian ban đầu, bạn có thể thấy hình thức này tốn kém hơn một chút, song đó là cách an toàn để đảm bảo túi tiền không bị tiêu xài phung phí. Sau 3 tháng, nếu bạn quyết định từ bỏ việc đến phòng gym, bạn có thể dừng lại".
5. Tốn tiền mua món đồ rẻ nhất
Khi đi mua hàng, nhiều người chỉ mua món đồ rẻ tiền nhất, nhưng họ không biết trong tương lai có thể tốn gấp bộn kinh phí để mua đồ thay thế. Nếu bạn coi tiền là một khoản đầu tư, việc mua món đồ chất lượng sẽ là món hàng sinh lời và không giảm giá trị theo thời gian.
Đối với văn phòng phẩm và quần áo, bạn có thể ghé thăm các cửa hàng đồ cũ hoặc chọn cho bản thân món đồ không quá đắt đỏ. Tuy nhiên, với đồ gia dụng hay vật dụng làm việc như TV, máy tính xách tay, máy giặt.... lời khuyên là bạn nên mua sản phẩm tốt trên thị trường, hoặc ít nhất không phải món đồ rẻ nhất. Bởi việc thay thế chúng trong tương lai có thể tốn một khoản tiền lớn đấy!
Nguồn: Business Insider