5 tỉnh Tây Nguyên kiến nghị bố trí lại hàng ngàn tỉ đồng vì 'tiêu' không hết

Các tỉnh Tây Nguyên sẽ đồng loạt kiến nghị Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng bố trí lại hơn 1.200 tỉ đồng vốn đầu tư công do giải ngân không hết của năm 2023.

Ngày 8-6, thông tin từ Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị đã có công văn gửi UBND tỉnh kiến nghị Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ bố trí lại hơn 301 tỉ đồng vốn đầu tư công vì không giải ngân hết trong năm 2023, bị hủy dự toán do không được Trung ương cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024.

 Trung tâm TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG

Trung tâm TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG

Bố trí 100 tỉ đồng chỉ giải ngân được 2%

Theo hồ sơ, dự án chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (dự án chuyển đổi số) có tổng mức đầu tư 330 tỉ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương 317 tỉ đồng, còn lại của địa phương.

Tỉnh Đắk Lắk xác định, có bốn nội dung cơ bản là phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động các cơ quan nhà nước; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số; phát triển đô thị thông minh.

Địa phương phấn đấu đến năm 2025 chỉ số chuyển đổi số của tỉnh sẽ trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk, năm 2023, kế hoạch của Trung ương bố trí 100 tỉ đồng cho dự án chuyển đổi số. Tuy nhiên, địa phương này chỉ giải ngân được hơn 2 tỉ đồng (từ ngày 1-1-2022 đến ngày 31-1-2024). Còn lại gần 98 tỉ đồng giải ngân không hết, không được Trung ương đồng ý kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn sang năm 2024.

Ngoài dự án chuyển đối số, tỉnh Đắk Lắk còn kiến nghị Trung ương được bố trí lại hơn 200 tỉ đồng ở tám dự án khác. Trong đó, có một dự án sử dụng 39 tỉ đồng vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB.

Theo Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk, việc bố trí lại nguồn vốn không giải ngân hết của năm 2023 nhu cầu bố trí vốn ngân sách trung ương để tiếp tục triển khai thực hiện các dự án là rất cấp thiết.

Một cán bộ thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk trao đổi, tại Nghị quyết số 44 của Chính phủ quy định vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nếu năm này không giải ngân hết sẽ không bị cắt giảm.

Theo đó, nguồn vốn sẽ được các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được phép bố trí lại kế hoạch vốn ngân sách trung ương các năm 2024, 2025 tương ứng với số vốn không giải ngân hết năm 2023, bị hủy dự toán cho các nhiệm vụ, dự án bảo đảm bố trí đủ vốn, hoàn thành đúng tiến độ, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Chậm giải phóng mặt bằng

Thông tin từ UBND tỉnh Gia Lai, tỉnh này đã có văn bản đề xuất Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính lý do kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 sang năm 2024 đối với bảy dự án, với số vốn gần 79 tỉ đồng.

 Dự án đường Nguyễn Văn Linh vẫn còn vướng mặt bằng. Ảnh: LÊ KIẾN

Dự án đường Nguyễn Văn Linh vẫn còn vướng mặt bằng. Ảnh: LÊ KIẾN

Tuy nhiên, qua xem xét, Bộ KH-ĐT chỉ thống nhất kéo dài một dự án, với số vốn gần 11 tỉ đồng. Đó là dự án đường giao thông kết nối các xã Ia Mlah, Phú Cần và thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa.

Đối với sáu dự án còn lại, với số vốn gần 68 tỉ đồng không được cơ quan Trung ương đồng ý. Trong đó, dự án các dự án bảo vệ và phát triển rừng hơn 21 tỉ đồng; dự án đầu tư phát triển rừng bền vững Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và nâng cao năng lực Phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm, năng lực quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai với số vốn gần 19 tỉ đồng; dự án đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ đường Trường Chinh - Lê Thánh Tôn), TP Pleiku với số vốn hơn 21 tỉ đồng…

Đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai, cho biết lý do bị không giải ngân hết nguồn vốn của năm 2023 một phần là do địa phương chậm giải phóng mặt bằng.

“Tỉnh Gia Lai sẽ làm thủ tục đề nghị cấp vốn vào năm sau và sẽ được bố trí lại. Về trách nhiệm để xảy ra vấn đề này, xử lý như thế nào thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh”, đại diện sở nói.

Cùng vấn đề này, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Pleiku (chủ đầu tư dự án đường Nguyễn Văn Linh) cho biết, nguồn vốn ngân sách Trung ương không được kéo dài thời gian thực hiện việc này là của Sở Tài chính và Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai.

 Thông tin về dự án đường Nguyễn Văn Linh. Ảnh: LÊ KIẾN

Thông tin về dự án đường Nguyễn Văn Linh. Ảnh: LÊ KIẾN

Liên quan đến việc không giải ngân hết trong năm 2023, không được Trung ương cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024, còn có tỉnh Lâm Đồng với số vốn hơn 670 tỉ đồng; tỉnh Đắk Nông hơn 8,2 tỉ đồng; tỉnh Kon Tum hơn 161 tỉ đồng.

Một cán bộ UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, hiện nay đối với các nguồn vốn kế hoạch giao hằng năm bằng nguồn Trung ương nếu không có lý do bất khả kháng thì không được kéo dài. Bất khả kháng ở đây có thể là do thiên tai, dịch bệnh…

“Nếu vướng giải phóng mặt bằng thì nhất quyết không được kéo dài nguồn vốn. Nguồn vốn năm 2023 (nêu trên) sẽ được bố trí cho năm 2024 do thuộc nguồn vốn đầu tư trung hạn. Điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ra nghị quyết đồng ý” – vị cán bộ này cho hay.

VŨ LONG - LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/5-tinh-tay-nguyen-kien-nghi-bo-tri-lai-hang-ngan-ti-dong-vi-tieu-khong-het-post794776.html