5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán, giết thịt mỗi năm
Ngày 4-7, tại Hà Nội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử phối hợp với Tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia và Tổ chức Soi Dog Foundation International tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo): Chính sách, cơ hội và thách thức'.
Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Mục đích của tọa đàm nhằm rà soát, đánh giá và kiến nghị các giải pháp lâu dài đối với vấn đề buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi, nhất là trong bối cảnh buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo vẫn đang diễn ra, cộng với những rủi ro ngày càng gia tăng về vấn đề sức khỏe cộng đồng cũng như sự cần thiết trong việc hoàn thiện công tác phòng, chống bệnh dại và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ khác. Theo thống kê của các tổ chức phúc lợi động vật quốc tế, trung bình hằng năm có khoảng 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán và giết thịt tại Việt Nam.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt chó là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như xoắn khuẩn, tả... Trong khi một đại bộ phận người dân đã ngừng tiêu thụ và phản đối việc ăn thịt động vật nuôi thì vẫn còn một số nhóm đối tượng coi thịt chó, mèo là đặc sản. Nhu cầu tiêu thụ là một động lực chính thúc đẩy thị trường buôn bán và giết mổ thịt chó, mèo tiếp tục gia tăng.
Tham luận tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng cần rà soát và đánh giá hệ thống quy định của pháp luật về quản lý và giám sát động vật nuôi; cập nhật thực trạng tình hình buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo tại Việt Nam; đánh giá các kết quả và vướng mắc trong công tác thực thi pháp luật và truyền thông của các bộ, ban, ngành có liên quan.
Ông Nguyễn Tuấn Anh đánh giá: "Hoạt động buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo) là một vấn đề đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng. Quản lý động vật nuôi nói chung và quy định về phúc lợi động vật cũng là những nội dung mà các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang đưa ra bàn thảo. Việt Nam đã có khung pháp lý cho công tác này, tuy nhiên thực thi pháp luật vẫn còn nhiều lỗ hổng và cần tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới”.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, cần tiếp tục thúc đẩy các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức giáo dục, đào tạo, huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ban, ngành, các tổ chức và đoàn thể trong xã hội. Điều này không chỉ giúp Việt Nam thực thi tốt các quy định về phúc lợi động vật mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho xã hội về các mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng và cách phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm...