5 từ khóa định hình phong cách lãnh đạo của F2 PNJ Trần Phương Ngọc Thảo
Giữ sự thấu cảm, nguyên bản và khiêm nhường để cởi mở lắng nghe, học hỏi và chuyển hóa cũng như quyết tâm hướng đến mục tiêu và giữ vững các giá trị cốt lõi là điều giúp bà Trần Phương Ngọc Thảo, Thành viên HĐQT PNJ không ngừng phát triển bản thân và đội ngũ trong tổ chức.
Để không bị “sếp lớn” sa thải
Không tự cho mình là một phụ huynh tốt nhưng đang cố gắng để giật giải “phụ huynh nỗ lực”, bà Trần Phương Ngọc Thảo, thành viên HĐQT của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), đồng thời là mẹ của một em bé vừa lên 4 và một bạn đang bước vào tuổi teen với nhiều thay đổi về tâm sinh lý, đang nỗ lực đồng hành cùng con mỗi ngày dù công việc ở công ty và các tổ chức xã hội bà tham gia trong vai trò lãnh đạo bận rộn vô cùng.
“Tôi không sợ mất việc ở bên ngoài nhưng với hai người sếp lớn ở nhà thì tôi phải nỗ lực rất nhiều vì có thể bị sa thải bất cứ lúc nào”, bà Thảo chia sẻ.
Để có thể làm trọn vẹn tất cả các vai, đảm bảo một lối sống cân bằng là điều vô cùng quan trọng với bà Thảo. Khác với tư duy cầu toàn, phụ nữ là phải “ba đầu sáu tay” như trước đây, khi khối lượng công việc càng lớn, bà càng duy trì thói quen dành thời gian cho bản thân để tăng sức khỏe, sức bền và sự minh mẫn, từ đó nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống.
“Tôi cũng phải học phương pháp bỏ bớt những gì không quan trọng để tập trung vào những thứ tạo giá trị lớn, liên tục cân bằng cuộc sống và công việc, tối ưu hóa mỗi ngày. Doanh nghiệp chuyển đổi số để tăng hiệu quả thì bản thân người lãnh đạo cũng cần chuyển đổi và phát triển không ngừng”, bà Thảo chia sẻ.
Chuyển đổi và phát triển (Transformation) cũng là một trong số 5 từ khóa định hình nên phong cách lãnh đạo của vị Trưởng Tiểu ban ESG (môi trường, xã hội và quản trị) tại PNJ. Bà Thảo luôn quan niệm, mọi việc luôn là một quá trình triển khai, đánh giá và phát triển. Bà cho rằng phát triển bản thân là một hành trình thử thách nhất nhưng cũng thú vị nhất. Đồng thời bà cũng xem việc tạo tác động tích cực phát triển mọi người xung quanh là một sứ mạng.
Để thực thi sứ mạng này, từ khóa đầu tiên bà Thảo nhấn mạnh là sự thấu cảm và lòng trắc ẩn (Compassion) dành cho chính mình và người khác để dễ dàng chấp nhận và bao dung hơn.
Không còn dằn vặt bản thân mỗi lần làm sai như thời trẻ, bà biết cân bằng tại mỗi thời điểm và bao dung với những điều chưa trọn vẹn sau những nỗ lực hết mình. Thay vì tập trung vào những thứ không thể thay đổi, việc rút ra bài học để làm tốt hơn trong tương lai là điều quan trọng hơn rất nhiều.
Từ khóa thứ ba là tính nguyên bản (Authenticity). Dù là trong công việc hay nuôi dạy con, mọi thứ bà Thảo làm và thể hiện ra bên ngoài đều đồng nhất với những suy nghĩ và tính cách nguyên bản của bà.
“Cứ cảm nhận như nào thì thể hiện như vậy, tôi không quá bận tâm đến việc xây dựng một nhân hiệu như thế nào, thương hiệu nhà quản lý ra sao. Tôi thoải mái nhất khi được là chính mình”, bà Thảo nói.
Là một người luôn làm những thứ mới trong một tổ chức không ngừng nhấn nút tái tạo, việc học hỏi là thứ luôn được bà Thảo đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là sự chiêm nghiệm và đúc kết và rồi chuyển hóa kiến thức để áp dụng vào công việc theo cách của riêng mình, tránh bị đóng khung trong lối mòn.
Chẳng hạn, khi nhận nhiệm vụ phụ trách tiểu ban ESG mới được thành lập, bà cũng bối rối vô cùng nhưng bà xác định phải thật sự hiểu nó rồi mới triển khai thay vì vội vàng hành động.
“Tôi luôn đặt câu hỏi rằng cách xử lý của mình là gì, quan điểm riêng và suy nghĩ chân thực của mình là gì để mang tính nguyên bản vào công việc”, bà Thảo chia sẻ.
Từ khóa thứ tư được bà Thảo nhấn mạnh là tính kiên quyết, quyết tâm (Determine) để đi tới mục tiêu. Kiên quyết với những giá trị và chuẩn mực đã đặt ra nhưng lại rất linh hoạt trong cách thức triển khai.
Một đức tính thứ năm định hình phong cách lãnh đạo của F2 PNJ là sự khiêm nhường (Humble) để học hỏi và lắng nghe thay vì cố chấp.
Nhấn nút tái tạo
Sự thấu cảm kết hợp tính khiêm nhường giúp bà Thảo khơi gợi được sự cởi mở chia sẻ thông tin từ người đối diện để cùng xác định vấn đề và tìm cách giải quyết vấn đề. Hai đức tính này cũng giúp chính bà Thảo học hỏi được những điều mới từ những người xung quanh, kể cả các con nhỏ của mình.
“Ngày xưa, con đầu của tôi học ở Úc về nói chuyện với mẹ về mô hình gia đình đa dạng. Bạn đặt cho tôi câu hỏi rằng khi gặp một gia đình có hai người bố hoặc hai người mẹ cùng nuôi dạy con cái thì mẹ sẽ nghĩ gì. Câu hỏi khiến tôi lần đầu tiên phải suy nghĩ nghiêm túc và cởi mở trao đổi cùng con về một gia đình, một tổ chức và một xã hội đa dạng, công bằng và hòa nhập”, bà Thảo chia sẻ.
Các môi trường quốc tế rất cởi mở đối với việc chia sẻ về các vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như câu chuyện bình đẳng giới. Nếu ở một môi trường đa quốc gia, người lao động nữ và lãnh đạo có thể thẳng thắn trao đổi về nguyện vọng về sớm đón con và làm bù vào hôm sau thì người lao động ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ “dũng khí” để nói ra điều đó, chưa nói đến việc có được chấp nhận hay không.
Bà Thảo cho rằng, tuy bình đẳng giới là một phạm trù rộng và phức tạp, chúng ta có thể bắt đầu từ điều nhỏ nhất là nói về bình đẳng giới một cách cởi mở, rồi dần tạo thành văn hóa doanh nghiệp về bình đẳng giới một cách tự nhiên và nguyên bản trong quá trình phât triển tổ chức.
Tại PNJ, giá trị cốt lõi tạo nền tảng cho bình đẳng giới là “Quan tâm cùng phát triển”. Giá trị này đã được nói đến và đặt nền móng từ 35 năm trước, từ những ngày đầu “nữ tướng” Cao Thị Ngọc Dung thành lập doanh nghiệp.
Hành trình 35 năm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ
Là một doanh nghiệp chế tác và bán lẻ trang sức, sứ mệnh của PNJ là không ngừng sáng tạo để mang lại những sản phẩm tinh tế với giá trị thật nhằm tôn vinh vẻ đẹp cho con người và cuộc sống. Các sản phẩm gắn liền với một một lượng lớn khách hàng là nữ nên việc đề cao vai trò và quyền của người phụ nữ không chỉ là hành động nội tại mà còn thể hiện phần nào giá trị cốt lõi “tận tâm vì khách hàng”.
Hình ảnh người phụ nữ đã là một phần trong văn hóa bình đẳng và trao quyền tại PNJ. Cùng với bà Thảo, 4 thành viên khác trong tổng số 9 thành viên HĐQT ở PNJ là nữ giới. Sự cống hiến một đời không ngừng nghỉ về việc khai phóng nội tâm của người lao động nữ, nâng cao kỹ năng nhà lãnh đạo nữ của vị Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung cũng là một minh chứng điển hình.
Dưới sự dẫn dắt và định hướng của lãnh đạo, việc tuyển dụng và thu hút nhân tài đã phôi thai nên bức tranh nhân sự “không ngại nữ” của doanh nghiệp 35 năm tuổi. Cụ thể, tỷ lệ nhân viên nữ ở PNJ chiếm 61,3% trên tổng số 7.199 nhân viên. Tỷ lệ nữ cấp quản lý chiếm hơn 57% và tỷ lệ nữ trong dàn lãnh đạo cấp cao chiếm hơn 40%.
Con số trên phản ánh nỗ lực bình đẳng giới từ ngay cả khâu thiết kế và xây dựng tổ chức, định hướng tuyển dụng, đào tạo và tập huấn ở các vị trí đặc thù, cân nhắc rủi ro về yếu tố sức khỏe, an toàn trên cơ sở phân tích về giới.
Do đó, PNJ tiếp cận vấn đề bình đẳng giới và trao quyền từ việc học tập theo 7 nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), từ việc hoàn thiện hệ thống chính sách, chương trình quy hoạch, đào tạo, kèm cặp và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo nữ, cho đến đảm bảo các khoản chi phí và phụ cấp như trang phục, trang điểm cho các nữ tư vấn viên.
“Đối với chính tôi, việc xây dựng hệ thống quản lý công việc khoa học, thực hiện phân quyền và ủy quyền thì mới có thể tập trung vào những thứ quan trọng”, bà Thảo nói.
Lãnh đạo PNJ xác định, bình đẳng giới là cơ sở vững chắc cho sự trao quyền.