5 'tuyệt chiêu' giúp học sinh hào hứng trở lại trường sau kỳ nghỉ hè

Làm thế nào để học sinh hào hứng trở lại trường sau một khoảng thời gian dài nghỉ hè là nỗi băn khoăn của rất nhiều phụ huynh hiện nay.

Theo khung kế hoạch năm học 2024 - 2025 của Bộ GD&ĐT, các trường mầm non, phổ thông công lập tổ chức tựu trường sớm nhất 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Như vậy, khoảng hơn 1 tuần nữa, học sinh lớp 1 trên cả nước sẽ tựu trường.

Sau kỳ nghỉ hè dài ngày, đa số trẻ thường ở trong trạng thái lười đến trường. Nguyên nhân là do các bé đã quen với việc được nghỉ học, được ở nhà chơi với ông bà, bố mẹ, được đi du lịch và chơi nhiều trò chơi mình thích.

Do vậy, việc trở lại trường đối với bé mà nói, nó có ý nghĩa là bé sẽ bị mất đi những thú vui kể trên mà trong kỳ nghỉ hè các bé đã quen được có. Hơn nữa, việc trở lại trường học vô tình trở thành một áp lực với bé vì bé phải làm quen với lớp mới, bạn mới. Đặc biệt là bắt đầu vào năm học mới thì các bé sẽ phải học bài, làm bài tập mỗi ngày, đây là điều mà hầu hết các bé đều không mong muốn.

Làm sao để bé quay lại trường trong tâm trạng phấn khởi là điều không hề dễ.

Làm sao để bé quay lại trường trong tâm trạng phấn khởi là điều không hề dễ.

Để hỗ trợ quá trình quay trở lại trường học của các con được dễ dàng hơn, cô Vũ Kiều Oanh - Trưởng phòng Tâm lý học đường Trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội cho rằng, việc các con thích nghi với môi trường mới, đối diện với các tình huống thay đổi là một phần tất yếu và cần thiết trong hành trình trưởng thành của con.

Điều quan trọng là cha mẹ cần hỗ trợ các con hình thành kĩ năng xây dựng các mối quan hệ mới, kĩ năng tự phục vụ và chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ có thể giúp các con trở nên linh hoạt và kiên cường hơn.

Cô Kiều Oanh đưa ra 5 "tuyệt chiêu" để cha mẹ giúp bé hào hứng, thoải mái khi trở lại trường:

Thứ nhất, cha mẹ nên cùng con thảo luận mục tiêu. Sau khi nghỉ hè, con có thể trải qua "nỗi buồn hậu kỳ nghỉ" với những cảm giác buồn bã, chán nản. Cha mẹ và con có thể kích hoạt lại năng lượng bằng cách thảo luận về mục tiêu của năm học tới về học tập, thể chất, cảm xúc, mối quan hệ và các bước nhỏ để thực hiện các mục tiêu.

Thứ hai, cha mẹ cần lập kế hoạch khi đến trường. Với những bạn lần đầu đến trường con có thể cảm thấy lo lắng, bất an vì chia tách với môi trường thân quen hay bố mẹ. Để con yên tâm hơn, bố mẹ có thể nói chuyện với con về lịch trình một ngày học của con như thế nào, có những hoạt động nào sẽ diễn ra ở trường; Bố mẹ sẽ đón con lúc nào, di chuyển theo xe tuyến (nếu có) ra sao; Hướng dẫn con tìm đến nguồn tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn ở trường như thầy cô giáo, phòng y tế, phòng tâm lý học đường…; Mang theo một đồ vật thân quen giúp con tự trấn an.

Thứ ba, cha mẹ cần thiết lập lại thói quen. Vào mùa hè, các con đang quen lịch trình sinh hoạt thoải mái và tự do. Việc phải quay lại nhịp sinh hoạt quy củ ở trường có thể khiến con thấy mệt mỏi do chưa thích nghi kịp. Do đó, trong thời gian đầu quay trở lại trường, cha mẹ và con có thể thống nhất giờ đi ngủ và giờ dậy cố định, đều đặn hằng ngày; Cho con tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên để tăng cường sức khỏe và sự dẻo dai; Xây dựng thời gian biểu các hoạt động khi ở nhà; Hướng dẫn con cách tự sắp xếp đồ dùng học tập để dễ dàng tìm kiếm và sử dụng khi cần.

Một điều quan trọng nữa đó là cha mẹ cần ghi nhận cảm xúc và giúp con thư giãn. Nhắc nhở và cùng con nhận diện, gọi tên các cảm xúc của bản thân trong các tình huống khác nhau hằng ngày. Tất cả cảm xúc, cho dù là vui hay buồn đều có ý nghĩa với sự phát triển của con. Việc chấp nhận và tôn trọng cảm xúc khác nhau sẽ giúp con tự tin và có động lực vượt qua các thách thức trong cuộc sống. Cha mẹ có thể cùng con thực hành các bài tập điều hòa hơi thở, tô màu, đi dạo trong thiên nhiên... để giúp con thư giãn hơn.

Điều cuối cùng cha mẹ cần lưu ý đó là hãy phối hợp với giáo viên và nhà trường. Khi cha mẹ và nhà trường gắn kết với nhau, các con sẽ khỏe mạnh hơn và thành công hơn trong học tập và trong cuộc sống. Cha mẹ có thể thường xuyên cập nhật tình hình của con từ trao đổi với giáo viên, tham dự họp phụ huynh, theo dõi các thông báo từ nhà trường, tham gia các buổi hội thảo hỗ trợ kĩ năng làm cha mẹ hiệu quả hoặc đặt lịch tư vấn cá nhân với phòng tâm lý học đường.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-tuyet-chieu-giup-hoc-sinh-hao-hung-tro-lai-truong-sau-ky-nghi-he-169240809160402051.htm