5 tỷ smartphone sẽ biến thành 'rác' trong năm nay
Điện thoại cũ cất trong tủ hay nhà kho của bạn có thể là một trong số 5,3 tỷ thiết bị bị bỏ phí này.
Diễn đàn về rác thải từ trang thiết bị điện và điện tử (WEEE) diễn ra vào ngày 14/10 đã chỉ ra sẽ có hơn 5 tỷ smartphone bị bỏ đi trong năm nay. Nếu xếp chồng lên nhau, số thiết bị này sẽ tạo thành một “cột điện thoại” cao 50.000 km, gấp 120 lần so với Trạm Vũ trụ quốc tế ISS.
"Núi rác" điện tử
Cụ thể, theo báo cáo của WEEE, hiện thế giới có hơn 16 tỷ điện thoại di động đang được sử dụng và 1/3 số thiết bị này sẽ bị vứt bỏ trong năm 2022. Nhưng điều đáng nói là chỉ một phần nhỏ trong số lượng điện thoại này được xử lý đúng cách.
Báo cáo chỉ ra khối lượng “núi rác” thiết bị điện tử từ máy giặt, lò nướng đến máy tính bảng, điện thoại sẽ chạm mốc 77 triệu tấn vào năm 2030 và chỉ 17% trong số chúng được tái chế và tái sử dụng.
Các chuyên gia của WEEE cho biết hầu hết smartphone hiện nay đều chứa các linh kiện làm từ vàng, bạc, đồng và một số chất có thể tái chế khác nhưng lại không được xử lý đúng cách.
Trên thực tế, chúng bị ném vào tủ trong các hộ gia đình, vứt bừa bãi ở các bãi chôn hoặc bị đốt trong các lò tiêu hủy rác thải sinh hoạt. Một khi hết vòng đời sử dụng, các thiết bị sẽ bị người dùng bỏ quên trong các hộc tủ, nhà kho… thay vì tái sử dụng hay đem đi đến các nơi tái chế.
Báo cáo của WEEE còn chỉ ra trung bình mỗi người dân châu Âu sẽ trữ khoảng 5 kg sản phẩm công nghệ trong nhà mình. Trong đó, 46% số người được khảo sát cho biết họ giữ chúng trong nhà vì nghĩ sẽ sử dụng lại trong tương lai. Còn 15% người khác lại có ý định bán hoặc cho người khác và 13% người giữ lại điện thoại cũ chỉ vì “có giá trị tinh thần”.
“Mọi người thường không nhận ra rằng đây là những vật liệu quan trọng có giá trị cao. Những linh kiện này dù nhỏ nhưng nếu tính trên phạm vi toàn cầu, nó sẽ tạo ra một khối lượng lớn thiết bị bị bỏ phí”, Pascal Leroy, Tổng thư ký Diễn đàn WEEE, khẳng định.
Loại rác thải gây đau đầu cho giới chuyên gia
Theo ông, smartphone là một trong những sản phẩm điện tử gây đau đầu cho giới chuyên gia xử lý rác thải như WEE. “Nếu không tái chế các vật liệu hiếm bên trong, chúng ta sẽ phải đào các mỏ, quặng ở Trung Quốc, Congo để bù vào”, Leroy chia sẻ với AFP.
Theo WEEE, trong năm 2022, tổng số thiết bị điện tử nhỏ như điện thoại, bàn chải điện hay máy ảnh cũng đã nặng lên đến 24,5 triệu tấn, gấp 4 lần so với Đại Kim tự tháp Giza.
“Những thiết bị có kích thước nhỏ này chiếm đến 8% lượng rác thải điện tử bị vứt vào sọt rác, bãi chôn hay bị tiêu hủy trong các lò đốt”, Magdalena Charytanowicz, chuyên gia tại WEEE, cho biết.
Bên cạnh đó, WEEE cũng cho biết mỗi năm có đến hàng nghìn tấn rác thải điện tử được đưa từ các nước giàu có sang các nước đang phát triển vì không muốn gây áp lực tái chế rác thải ở quốc gia mình. Điều này đã gây ra thiếu công bằng khi số rác công nghệ này không được xử lý đúng cách ở các nước nhỏ vì thiếu các vật tư thiết bị.
Các chất độc hại như nhựa, thủy ngân sẽ làm ô nhiễm đất, nguồn nước và ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm của người dân ở các quốc gia này. “Chúng ta đã chuyển những ‘núi rác’ ở châu Âu sang các nước khác”, Tổng thư ký Diễn đàn WEEE nhận định.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều hãng công nghệ đã đề ra biện pháp. Apple cam kết sẽ giảm thiểu lượng phát thải nhà kính bằng cách tái chế vàng, coban, nhôm và các chất hiếm khác trong sản phẩm của mình. Phiên bản iOS 16.1 mới nhất cũng vừa được bổ sung chế độ Clean Energy Charging, giúp tối ưu hóa thời gian sạc để ưu tiên chọn thời điểm lưới điện sử dụng các nguồn năng lượng “sạch”.
Bên cạnh đó, Google cũng cho biết chiếc Pixel 7 và Pixel 7 Pro mới ra mắt của hãng sử dụng 100% vật liệu nhôm tái chế cho phần vỏ nhám của mình.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/5-ty-smartphone-se-bien-thanh-rac-trong-nam-nay-post1365716.html