5 vấn đề về điểm thi dưới góc nhìn của giáo viên dạy Toán
Theo thầy Trần Mạnh Tùng, phổ điểm thi THPT quốc gia môn Toán năm nay cho thấy 5 vấn đề đáng lưu tâm khi so sánh với số liệu hàng năm và mục tiêu giáo dục.
> Tra cứu điểm thi THPT quốc gia 2018 trên Zing.vn
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi THPT quốc gia 2018, giáo viên Trần Mạnh Tùng (THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội), chia sẻ góc nhìn cá nhân về 5 vấn đề được cho là bất thường. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Thứ nhất, cả nước chỉ có 2 thí sinh đạt điểm 10 trên tổng số 917.000 em thi môn Toán. Điều này là bất thường bởi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cũng theo hình thức trắc nghiệm, toàn quốc có 248 điểm 10. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 thi dưới hình thức tự luận có 18 điểm 10 môn này.
Theo lẽ thông thường, với hình thức thi trắc nghiệm, điểm 10 sẽ nhiều hơn bởi số câu lẻ đến 0,2 điểm. Học sinh sẽ thường có nhiều cách tiếp cận đáp án, không theo hướng này, các em sẽ giải từ hướng khác.
Tỷ lệ 2 thí sinh đạt điểm 10 trong tổng số gần một triệu thí sinh là rất thấp, trái với quy luật thông thường. Có nhiều cách để giải thích nhưng tôi cho rằng nguyên nhân chính là các em không có đủ thời gian để làm tiếp những câu hỏi khó và học búa phía cuối.
Là giáo viên Toán, tôi cho rằng điểm 10 của bài trắc nghiệm không thể tròn trịa như thi tự luận. Với đề trắc nghiệm, thí sinh có phần may mắn bởi một số câu… khoanh bừa.
Thứ hai, điểm trung bình môn Toán kỳ thi THPT quốc gia năm nay là 4,86 -dưới trung bình. Năm ngoái, điểm trung bình là 5,19. Ở góc nhìn hẹp với riêng môn Toán, nếu một học sinh trung bình có điểm tổng kết lớp 12 là 5.0, cộng với điểm Toán dưới trung bình, các em sẽ trượt tốt nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn học sinh đều có điểm tổng kết năm lớp 12 cao nên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở nhiều tỉnh được đảm bảo gần… 100%.
Bộ GD&ĐT cho hay đề thi THPT quốc gia có 60% kiến thức cơ bản. Vậy với số điểm dưới trung bình này, vai trò xét tốt nghiệp của đề thi thực chất không đảm bảo.
Thứ ba, phổ điểm năm 2018 cho thấy số điểm 7 trở lên sát đường nằm ngang, thì phổ điểm năm 2017 đều về hai phía. Năm 2017, số thống kê giá trị trung bình và trung vị gần giống nhau chứng tỏ phổ điểm được rải đều sang hai bên. Năm 2018, rất ít học sinh đạt từ 8 điểm trở lên khiến cho việc phân hóa không hiệu quả.
Ví dụ, toàn quốc có 557 thí sinh đạt điểm trên 9 (xấp xỉ 1/1.700). Như vậy, nếu mỗi trường phổ thông có 400 em, cứ khoảng 4 trường mới có một em có điểm 9 trở lên.
Năm nay, trung vị và giá trị trung bình lệch nhau chứng tỏ phổ điểm không phân hóa đều. Mạn phổ điểm từ 3-6 tập trung nhiều nên sít nhau.
Tóm lại, xét về độ phân hóa của đề thi để tuyển sinh đại học, tôi cho rằng đề không đạt yêu cầu khi dài và khó. Phổ điểm này minh họa cho điều tôi từng phát biểu trước đây về đề thi. Vai trò xét đại học của kỳ thi không thoàn thành. Dự kiến, điểm chuẩn vào các trường thấp.
Thứ tư, trước kia, với bài thi tự luận môn Toán, đề thi luôn được nhìn nhận phân hóa cao, số thí sinh đạt điểm 8, 9, 10 rất dài và rộng. Nhưng kỳ thi năm nay, TP Hà Nội chỉ có 27 em được điểm 9. Điều đó chứng tỏ đề thi trắc nghiệm khó hơn nhiều, với những sự thay đổi lớn làm các em không thể theo kịp. Học sinh gặp đề thi năm nay đã khó khăn và thiệt thòi hơn so với lúc còn thi tự luận.
Thứ năm, điều bất thường là các địa phương được mệnh danh “đất học” như Nghệ An, Nam Định... không có số điểm thi THPT quốc gia cao như thường lệ. Điều này do cấu tạo của đề thi mới, đa dạng, đòi hỏi học sinh ở thành phố, có điều kiện để học thêm, tiếp xúc nhiều kiến thức để làm quen các dạng đề khác nhau. Những thí sinh ở vùng “đất học” nếu chỉ chăm chỉ khó đạt điểm cao.
Có thể nhận thấy chân dung thí sinh đạt điểm cao năm nay phần lớn xuất phát từ trường chuyên. Các em có tiếp cận và ôn luyện nhiều đề thi học sinh giỏi, nhưng đề thi tuyển sinh đại học không thể giống thi học sinh giỏi. Cần có phổ điểm rộng để dễ xét tuyển đại học.
Phổ điểm thi môn Toán THPT quốc gia năm nay đã chứng tỏ đề thi không làm tròn nhiệm vụ của mình. Những lo lắng của chúng ta là có thật. Bộ GD&ĐT nên lắng nghe và tính toán để có những điều chỉnh phù hợp cho những năm tiếp theo.