5 ý nghĩa nổi bật của Hội nghị Mạng lưới Công viên địa chất UNESCO
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 năm nay với chủ đề 'Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất' với khoảng 800 - 1.000 đại biểu.
Từ ngày 5/9 đến 17/9, tại tỉnh Cao Bằng sẽ diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ 8 (APGN-8) của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là Hội nghị quy mô cấp Quốc tế được tổ chức luân phiên 2 năm một lần tại các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với mục đích chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả, giải pháp hữu ích trong công tác xây dựng và phát triên danh hiệu CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO giữa các thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị cũng kỳ vọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản để phát triển du lịch bền vững.
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 năm nay có chủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất” với khoảng 800 - 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng chủ trì tổ chức; Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại cuộc họp báo thông tin về hội nghị, ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết 5 ý nghĩa nổi bật của Hội nghị lần này.
Trước tiên, Hội nghị là sự kiện quan trọng để các thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhà nghiên cứu, quản lý, các học giả từ các nước thành viên có cơ hội được gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện công tác xây dựng, vận hành và phát huy vai trò Công viên địa chất toàn cầu gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.
Kết quả của Hội nghị sẽ được báo cáo lên Hội đồng Chấp hành UNESCO và là một cơ sở quan trọng giúp Tổ chức UNESCO đánh giá tác động của các danh hiệu UNESCO đối với sự phát triển ở các quốc gia thành viên.
Hai là, Hội nghị càng thêm ý nghĩa hơn khi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. 20 năm là một chặng đường không dài, nhưng đủ để nhìn lại và đánh giá hiệu quả của một danh hiệu UNESCO đối với sự phát tiển của các quốc gia - một danh hiệu mà nhiều nước coi đây là một mô hình tiêu biểu để phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả của Hội nghị lần này sẽ là một dấu mốc mới của Mạng lưới trong việc thực hiện sứ mệnh để hài hòa giữa thiên nhiên, môi trường… với con người.
Ba là, Hội nghị APGN-8 lần này không chỉ là sự kiện của riêng tỉnh Cao Bằng mà còn là ngày hội của các địa phương đang sở hữu danh hiệu UNESCO, qua đó góp phần định vị Cao Bằng nói riêng, các địa phương của Việt Nam nói chung trên bản đồ di sản thế giới. Đây vừa là cơ hội để tăng cường kết nối hợp tác quốc tế vừa là dịp quảng bá đưa các địa phương Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến gần hơn với Việt Nam.
Bốn là, Hội nghị thể hiện những nỗ lực, quyết tâm của Lãnh đạo, người dân tỉnh Cao Bằng trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng; thể hiện trách nhiệm là một thành viên tích cực của Mạng lưới, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công. Hội nghị tại Cao Bằng lần này sẽ truyền động lực mạnh mẽ, kích lệ các địa phương của Việt Nam nói riêng và các nước nói chung tham gia vào mạng lưới để vừa bảo vệ ngôi nhà - trái đất chung, vừa phát huy, tạo sinh kế cho người dân.
Năm là, Hội nghị được tổ chức tại Việt Nam, với khoảng 800-1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, sẽ góp phần làm đậm hơn thông điệp: Việt Nam là một đất nước văn minh, an toàn, tươi đẹp; văn hóa độc đáo, giàu truyền thống; phát triển năng động; con người thân thiện, mến khách; điểm đến đáng tin cậy để sinh sống, học tập, du lịch, đầu tư.
Hướng tới đưa phở trở thành di sản UNESCO
Trả lời câu hỏi của phóng viên về ngoại giao văn hóa và việc có thể tiến tới để tri thức dân gian phở của Việt Nam nói chung, của Hà Nội và Nam Định nói riêng thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết hiện nay phở đã trở nên rất quen thuộc với bạn bè quốc tế và "phở" đã trở thành một từ được quốc tế hóa.
Trong thời gian qua, chúng ta cũng đã bước đầu triển khai những công tác vận động cũng như là xây dựng hồ sơ cho phở. Tuy nhiên đây là những quy trình rất chặt chẽ và cần nhiều thời gian, công sức trong đó không thể thiếu được vai trò của đại diện UNESCO tại Hà Nội. "Hy vọng một ngày không xa thì UNESCO sẽ công nhận phở như là một di sản phi vật thể của nhân loại".