50% khu công nghiệp chưa biết về phát triển bền vững
Hiện có 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững và 20% hiểu rõ thế nào là KCN phát triển bền vững.
Thông tin được ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại diễn đàn thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam, do VCCI tổ chức sáng 28-3.
Đến nay, cả nước đã có 418 KCN với tổng diện tích đất khoảng 129,9 nghìn héc ta, trong đó, 298 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 72,5%. Trong số 298 KCN đã đi vào hoạt động, có 272 KCN đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (tỷ lệ khoảng 91,3%).
Tuy nhiên, kết quả khảo sát tại 118 KCN theo 19 nhóm chỉ tiêu chính do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cùng Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững tại Việt Nam thực hiện cho thấy, chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để bảo đảm tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro bảo đảm tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, 50% KCN chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái và 20% hiểu rõ KCN phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối giữa kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Vương Thị Minh Hiếu, KCN sinh thái là một mô hình mới và được coi là một trong những giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn được quy định tại pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời, được lồng ghép vào Chiến lược thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26.
Chuyển đổi mô hình KCN thông thường sang mô hình KCN sinh thái đem đến nhiều lợi ích, tuy nhiên hiện còn gặp nhiều rào cản. Đó là việc các quy định hướng dẫn còn thiếu và chưa thống nhất; chi phí chuyển đổi hoặc xây dựng mới KCN sinh thái lớn…
Các đại biểu tham gia diễn đàn cho rằng, để thúc đẩy phát triển các KCN bền vững cần các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, thông tin; các chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, cần lấp lỗ hổng về pháp lý đang cản trở sự phát triển của KCN bền vững, phát triển hạ tầng trong KCN xanh…