50 năm Bù Đăng giải phóng ( Bài 1)
Lời tòa soạn
Chúng tôi về Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) vào dịp Đảng bộ, chính quyền và người dân tổ chức Lễ hội “Vang mãi Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, hướng tới chào mừng 50 năm giải phóng huyện (14-12- 1974- 14-12- 2024). Vùng đất Bù Đăng khác xưa rất nhiều, đồng bào dân tộc không còn lo cái đói, cái rét thường trực, thay vào đó là cuộc sống ấm no, nông thôn mới đổi thay từng ngày.
Bài 1: Ngày mới ở sóc Bom Bo
Địa danh sóc Bom Bo (nay là thôn Bom Bo, xã Bình Minh) nổi tiếng qua bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của Cố Nhạc sĩ Xuân Hồng. Xưa kia, bà con Bom Bo một lòng theo cách mạng, sẵn sàng bỏ nhà cửa, nương rẫy vào căn cứ dùng chày, cối giã gạo nuôi quân. Hòa bình lập lại, họ trở về chốn cũ xây dựng cuộc sống mới nhưng không quên gìn giữ những giá trị văn hóa của buôn làng.
Năm tháng ấy, chiến trường này
Đầu tháng 11-2024, từ trung tâm thành phố Đồng Xoài, chúng tôi chạy xe gắn máy theo Quốc lộ 14 đến ngã ba Minh Hưng (thuộc xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng), tiếp tục rẽ trái vào thôn Bom Bo. Dọc hai bên đường là nương đồi cà phê, cao su, điều dệt một màu xanh ngút ngàn. Những ngôi nhà cấp 4, nhà cao tầng mọc lên san sát, thay cho những căn nhà dài đơn sơ thuở nào. Bom Bo không còn ánh “đuốc lồ ô bập bùng bên ánh lửa”, thay vào đó là đường điện lưới quốc gia đã kéo về làm bừng sáng thôn, sóc. Nhưng thôn Bom Bo không phải là nơi ra đời của bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo và căn cứ Nửa Lon thời chống Mỹ.
Phải di chuyển thêm hơn 10km, chúng tôi mới gặp được ông Điểu M’Riêng (sinh năm 1953, ngụ thôn Đắk Xuyên (xã Đắk Nhau). Sinh ra, lớn lên trên vùng căn cứ Nửa Lon (nay là thôn 4, xã Đường 10) nên ông chứng kiến những năm tháng gian khổ của cách mạng. Sau giải phóng, ông kinh qua nhiều chức vụ như: Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Bù Đăng, được coi là “bảo tàng sống” về sóc Bom Bo.
Ông chia sẻ, căn cứ Nửa Lon giờ thành những vườn điều, cao su xanh tốt, năm tháng trôi qua đã xóa nhòa dấu tích. Hồi kháng chiến, căn cứ Nửa Lon ghi dấu việc mở hành lang nối liền hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn miền Nam. Khi đó cán bộ mỗi người chỉ được nửa lon gạo trong một ngày nên cái tên Nửa Lon ra đời.
Năm 1965, để chuẩn bị cho chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long, đồng bào S’Tiêng ở sóc Bom Bo vào căn cứ huy động cối, chày giã gạo nuôi quân. Ông Điểu M’Riêng hồi ức: “Người đồng bào S’tiêng không chịu khuất phục trước sự đàn áp của quân địch nên vào căn cứ Nửa Lon. Ngày trồng lúa mì, tối thức trắng đêm giã gạo nuôi quân”. Chỉ trong 3 ngày đêm người dân Bom Bo giã 5 tấn gạo, giúp bộ đội ăn no, đánh khỏe. Cảm động trước tấm lòng yêu nước, thủy chung với cách mạng của bà con nơi đây, cố Nhạc sĩ Xuân Hồng viết nên ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo đi cùng năm tháng. “Bao nhiêu gạo là bao nhiêu tình, này là tình của người hậu phương”, không đong đếm được.
Không chỉ nhộn nhịp với phong trào giã gạo nuôi quân, đồng bào nơi đây đã tiếp tế gần 2.000 xá lúa, 80.000 gốc khoai mì cho chiến dịch, cài cắm hàng ngàn hố chông, bố phòng làng chiến đấu chống địch càn quét gần 50 trận lớn nhỏ, loại ra vòng chiến đấu hàng trăm tên địch. Để bảo vệ căn cứ Nửa Lon, đồng bào các dân tộc bản địa ở Đắk Nhau đã chiến đấu hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu 430 tên địch, bắn cháy 4 xe tăng, bắn rơi 8 máy bay và phá hủy 12 khẩu pháo.
Rời nhà ông Điểu M’Riêng, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Quang Liêu (ngụ thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng) từng tham gia Chiến dịch giải phóng Bù Đăng. Dù tuổi cao nhưng ông Liêu còn minh mẫn, ông nhớ như in trận đánh giải phóng Bù Đăng. Ông mở đầu câu chuyện, quê gốc Hà Tây, nhập ngũ năm 1969, cấp bậc Thượng sĩ, Trung Đội trưởng Trung Đội Đặc công thuộc Đại đội C 290, Bộ Tư lệnh 305 đặc công.
Ông Liêu cho biết, đòn tấn công đêm 12 rạng ngày 13-12-1974 tại Bù Đăng được xem như “đòn nắn gân” của quân ta trước phản ứng của Mỹ để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam. Một ngày sau, ở hướng Bù Đăng - Đường 14, các đơn vị chủ lực cùng với lực lượng địa phương tiến công giải phóng Chi khu Quân sự Đức Phong.
Những ngày kế tiếp, bộ đội ta tiếp tục giải phóng Đường 14, đoạn từ Đức Phong đến yếu khu Bù Na (xã Nghĩa Trung ngày nay). Sau đó, quân ta tiến công uy hiếp Đồng Xoài, giải phóng vùng Đông Nam Phước Long rộng lớn với hơn 14.000 dân, phá tan tuyến phòng thủ phía Nam. Ông tự hào: “Chỉ trong 2 ngày chiến đấu anh dũng, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn Bù Đăng. Đây cũng là địa phương đầu tiên ở miền Nam được giải phóng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.
Từ ngày 8 đến 10-11-2024, lần đầu tiên huyện Bù Đăng tổ chức lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”, thu hút hơn 100.000 lượt người dân, du khách đến tham quan, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống. Thành công đó là cơ sở để huyện tổ chức lễ hội định kỳ hàng năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các dự án đầu tư vào du lịch tại địa phương.
Giữ hồn văn hóa đồng bào S’tiêng
Sau giải phóng, bà con Bom Bo trở lại quê cũ (nay là thôn Bom Bo, xã Bình Minh) xây dựng cuộc sống mới. Để ghi nhớ công lao của người dân Bom Bo, UBND tỉnh Bình Phước xây dựng Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với hơn 113ha, giao huyện Bù Đăng quản lý. Nơi đây có nhà dài truyền thống của người S’tiêng, có bộ cồng, chiêng lớn nhất cả nước, mỗi chiếc nặng từ 130kg đến 750kg. Ngay khu vực lễ hội là đàn đá nặng 20 tấn đạt kỷ lục lớn nhất cả nước, khai thác từ vùng núi Bình Phước và Tây nguyên, mỗi thanh đàn nặng dao động từ 400kg đến 600kg, tương ứng với một nốt nhạc.
Sau khi tham quan một vòng, chúng tôi lần đầu tiên xem biểu diễn văn hóa, nghệ thuật của người đồng bào dân tộc S’tiêng ở khu vực sân lễ hội. Các nghệ nhân đốt một bó củi lớn, hình dung như ánh lửa lồ ô bập bùng. Khi tiếng cồng, chiêng vang lên, mọi người say sưa theo vũ điệu Bom Bo. Thanh niên nam nữ cũng tái hiện hình ảnh bà con Bom Bo giã gạo nuôi quân giữa núi rừng hoang vu thuở nào.
Vừa xong phần biểu diễn, anh Điểu Cóc (thành viên đội văn nghệ của khu bảo tồn) mồ hôi nhễ nhại nhưng rất vui vì hoàn thành xong tiết mục được giao. Anh tâm sự mộc mạc: “Nghệ thuật trình diễn cồng, chiêng được người S’tiêng, M’nông gọi là Goong Xơn Gănt. Người đánh chiêng khom lưng. Một tay nắm chặt chiêng, đánh ở mặt trước. Tay còn lại xòe ra, áp lòng bàn tay vào mặt sau giữ chiêng. Đánh chiêng phải phối hợp nhịp nhàng để phát ra âm thanh chuẩn. Còn người đánh cồng dùng dùi cao su để có độ vang tốt. Cồng đi kèm với trống. Người đánh trống sẽ đi đầu, giữ nhịp cho cả đội”.
Điều đáng quý, Bù Đăng đã thành lập 13 đội cồng chiêng với khoảng 70 nghệ nhân thuần thục nghệ thuật trình diễn cồng, chiêng. Từ năm 2018 đến nay, địa phương tổ chức hơn 150 chương trình trình diễn cồng, chiêng tại khu bảo tồn và các lễ hội trong, ngoài tỉnh. Đội cồng, chiêng của huyện từng tham dự chương trình giao lưu văn hóa dân tộc với văn hóa Hàn Quốc, lưu diễn tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (tại TP Hà Nội).
Bà Thị Diệu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, Bù Đăng luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc để hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững. Dự án 6 bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030) là giải pháp để huyện Bù Đăng thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới.