50 năm bức ảnh 'Em bé Napalm' của Nick Út
Trở về Việt Nam những ngày đầu tháng 4-2022, nhiếp ảnh gia Nick Út không khỏi bồi hồi xúc động, nhớ lại khoảnh khắc chụp bức ảnh 'Em bé Napalm' ngày 6-8-1972, tại Trảng Bàng, Tây Ninh trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam.
Đến nay, đã tròn 50 năm bức ảnh "Em bé Napalm"- tác phẩm đã làm quặn đau trái tim bao người dân Việt Nam và thế giới bởi chiến tranh đã để lại đau thương cho đồng bào Việt Nam.
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cô bé Phan Thị Kim Phúc khi đó mới 9 tuổi, hoảng loạn bỏ chạy cùng một số đứa trẻ khác bởi bị trúng bom Napalm.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, nhiếp ảnh gia Nick Út cho biết: Cô bé Phan Thị Kim Phúc năm xưa giờ đây đã là Đại sứ hòa bình của UNESCO. Người phụ nữ này đã có nhiều hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ trẻ em nghèo, bệnh tật trên thế giới.
Giờ đây, chiến tranh đã qua đi nhưng những di chứng của bom đạn hiện vẫn còn trên thân thể nhân vật trong bức ảnh. Những mảng da bị bỏng ở lưng và cánh tay của chị Phan Thị Kim Phúc đã có nhiều bác sĩ trên thế giới khám và điều trị nhưng không thể chữa khỏi bởi da đã bị cháy khô. Vào những ngày thời tiết thay đổi, nóng quá hoặc lạnh quá thì vết thương chiến tranh năm xưa lại tái phát khiến cho chị vô cùng khó chịu.
“50 năm qua, nhiều lần ngồi một mình nhìn bức ảnh, nước mắt tôi cứ trào ra. Đã từng chứng kiến sự tàn phá khốc liệt và di chứng của chiến tranh, tôi luôn mong ước hòa bình sẽ hiện hữu mãi mãi trên trái đất”, nhiếp ảnh gia Nick Út bày tỏ.
Bức ảnh lịch sử "Cô bé Napalm" của tác giả Nick Út, người Việt Nam đầu tiên trong thế kỷ 20 đã được trao giải ảnh báo chí Pulitzer (Mỹ) năm 1973. Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.