50 năm cư xá Thanh Đa: Hồi ức và ước nguyện

Cụm chung cư Thanh Đa chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng 5 km, qua cầu Kinh là tới khu vực Thanh Đa.

Gần 50 năm tồn tại, 21 lô chung cư cũ thuộc phường 27, quận Bình Thạnh (hay còn gọi khu cư xá Thanh Đa) đã cũ kỹ, lạc hậu và xuống cấp. Chính quyền TP.HCM và UBND quận Bình Thạnh đã có chủ trương đầu tư, xây mới toàn bộ các lô chung cư này để chỉnh trang bộ mặt đô thị của khu vực.

Cụm chung cư Thanh Đa chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng 5 km, qua cầu Kinh là tới khu vực Thanh Đa. Toàn khu Thanh Đa có diện tích khoảng 55 ha thì cụm chung cư chiếm khoảng 36 ha.

Theo UBND quận Bình Thạnh, khu chung cư Thanh Đa với 23 lô được xây dựng năm 1972 Khu cư xá này được thiết kế theo mô hình tiểu khu nhà ở có quy mô lớn nhất cả nước thời bấy giờ. Quy hoạch ban đầu, khu cư xá có đầy đủ hệ thống giao thông, các công trình công cộng, thương mại dịch vụ, hành chính, y tế, giáo dục, công viên cây xanh… Mật độ xây dựng chỉ 30%-40%.

Tuy nhiên, do dự án kéo dài hơn so với dự kiến, một số hạng mục chưa kịp hoàn thành trước năm 1975. “Sau đó, do thiếu sự quan tâm, quản lý nên khu cư xá đã bị biến dạng so với mục tiêu ban đầu đề ra” - quận Bình Thạnh cho biết.

Theo UBND quận Bình Thạnh, trải qua gần 50 năm, các khu cư xá này đã xuống cấp. Tình trạng lún nứt, bong tróc, thấm dột xảy ra khá phổ biến. Nhiều hộ dân trong quá trình sử dụng đã cải tạo, cơi nới thêm hoặc chia nhỏ căn hộ bán lại cho người khác. Ngoài ra, hệ thống cấp nước sinh hoạt cũ đã hư hỏng nên mỗi căn hộ đều phải tự cải tạo và xây bồn nước riêng.

Sở Xây dựng TP.HCM cũng từng công bố kết quả kiểm định chất lượng của cụm cư xá này. Theo đó, có 4/21 lô là cấp B, còn lại là cấp C, chưa phải thực hiện di dời khẩn cấp như lô IV và lô VI trước đó.

Với những người đã có phân nửa cuộc đời sống và gắn bó ở khu chung cư này thì niềm vui và sự quyến luyến như khi phải chia tay một người thân cũ cứ đan xen vào nhau.

Tìm gặp những người thuộc thế hệ đầu tiên sống ở khu chung cư này, họ kể rằng hồi xưa gọi là cư xá Thanh Đa, được xây dựng trước năm 1975.

Ngồi trên chiếc ghế bố ở một góc quán nước của mình, bà Hoàng Thị Ất (82 tuổi, ở lô VIII chung cư Thanh Đa) kể về những ngày đầu khi mới đến đây: “Đó là năm 1974, tôi theo chồng về đây ở, xung quanh toàn bãi lau sậy”.

Theo lời bà Ất, hồi mới về cư dân còn thưa thớt. Người ở khu chung cư đa phần là công chức, đời sống yên ổn.

Trong trí nhớ của ông Trần Quý Thọ (74 tuổi, ở lô I chung cư Thanh Đa), người gắn bó hơn 45 năm với chung cư, điều khiến ông muốn đến đây ở là khung cảnh bao quanh khu chung cư: “Lúc tôi về đây cùng vợ còn chưa tới 30 tuổi. Về ở thấy thích lắm vì vừa có bờ sông, gió thổi vào mát rượi, vừa có mấy con đường nhỏ dạo quanh, nhịp sống êm ả, yên tĩnh”.

Những năm sau giải phóng, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (60 tuổi, ở lô I chung cư Thanh Đa) kết hôn rồi theo chồng về đây sinh sống. Bao nhiêu đổi thay ở khu cư xá đều gắn liền với từng giai đoạn mưu sinh của bà.

Bà Tâm kể những năm đầu mới về, bà hết bán xôi chiên, nước uống đến từng ly sữa đậu nành, bánh tráng để mưu sinh. Vào khoảng những năm 1990, khi chung cư còn chưa có được nguồn nước sạch, người dân phải đi gánh nước sông về dùng. “Sau đó để đỡ cực thì nhà nào cũng mua cái bồn để tích nước mà xài dần. Mãi đến sau này, khi có nước của thủy cục cấp cho thì người dân mới có nước sạch” - bà Tâm kể.

Bây giờ bà Tâm không còn buôn gánh nữa mà có một quán cà phê cóc nằm ngay dưới chân dãy hành lang lô I. Cuộc sống của người dân mỗi ngày một khá hơn.

Thế nhưng dù yêu mến chung cư Thanh Đa nhưng người dân nơi đây vẫn nhận ra rằng nơi họ đang ở đang xuống cấp dần với thời gian. Đâu đó trên những vách tường, những dãy hành lang, cánh cửa sổ đã xuất hiện những vết nứt, thậm chí có cả lô bị nghiêng lún rất nguy hiểm.

Cư dân biết nơi mình ở đã trải qua gần nửa thế kỷ đang hư hại dần. Phải xây lại nó là lẽ dĩ nhiên! “Nhưng sống với chung cư hàng chục năm qua, giờ nghĩ đến việc phải dời đi cũng có nghĩ ngợi. Vì nó sẽ xáo trộn nhiều thứ trong cuộc sống, nào là việc học của con cháu, rồi chỗ ở, sinh hoạt của mỗi nhà nữa…” - bà Tâm chép miệng.

Ngồi trò chuyện trên chiếc ghế đá, giữa những hàng cây xanh tỏa bóng mát cả một góc sân rộng ở lô I, II, ông Trần Quý Thọ trầm ngâm: “Nơi ở mà xuống cấp thì phải sửa và làm lại cho hoàn thiện, tôi biết phải như thế. Nhưng cũng thật khó để vứt bỏ đi hết những gì đã gắn bó lâu nay. Đó là những người bạn láng giềng, là quang cảnh sinh hoạt mỗi ngày khi thức dậy…”.

Có những thứ cũ cần phải thay đổi theo quy luật của phát triển, chung cư Thanh Đa cũng nằm trong quy luật đó, vì sự an toàn và cuộc sống tốt hơn cho cư dân.

“Nếu chủ trương của nhà nước là xây dựng lại để phát triển khu dân cư này, nâng cao đời sống của chính người dân nơi đây, để thành phố ngày càng phát triển thì tôi cũng đồng ý. Nhưng chúng tôi cũng có ý nguyện riêng của mình…”

Đó là tâm tư của Nguyễn Thị Bạch Liên (85 tuổi, cư dân sống ở lô VIII, chung cư Thanh Đa) trước thông tin phải di dời để xây dựng một dự án mới tại nơi mình đang ở.

Hướng ánh mắt nhìn về khu nhà, bà Liên bộc bạch, dù nơi này không hiện đại như những nơi khác nhưng việc đập bỏ nó khiến bà thực sự thấy tiếc nuối. “Nó đã ở đó gần 50 năm qua, là nơi mà tôi đã gắn bó trong suốt nhiều năm liền. Từng hàng cây, mấy con đường nhỏ, những quán nước với lũ trẻ chiều chiều chơi đùa với nhau đều trở nên quá thân thuộc… Với chừng đó thời gian tồn tại, nó đã cũ, có những nơi xuống cấp nhưng tôi thấy vẫn có thể ở được”, bà nói, cố nhấn mạnh vào 5 chữ ‘vẫn có thể ở được’ nhiều lần.

Rồi bà tiếp: “Nếu chủ trương của nhà nước là xây dựng lại để phát triển khu dân cư này, nâng cao đời sống của chính chúng tôi, để thành phố phát triển thì tôi cũng đồng ý. Nhưng chúng tôi cũng có ý nguyện riêng của mình…Mong nhà nước làm sao cho bà con chúng tôi được vui, không có sự buồn phiền nhiều, không có mất mát điều gì quá lớn lao khi thực hiện dự án này. Tôi chỉ mong được an cư lạc nghiệp, được tái định cư sau khi dự án hoàn thành”.

Không chỉ riêng bà Liên, đông đảo cư dân Thanh Đa cũng chia sẻ những tâm sự rứt ruột với nơi họ đã gắn bó suốt gần 50 năm qua.

Ông Trần Quý Thọ (74 tuổi, sống ở lô I, chung cư Thanh Đa) nói rằng, ông hoan nghênh chủ trương của thành phố khi tính toán để người dân được sống trong một môi trường mới. “Nhưng, với một dự án lớn thì cần phải cân nhắc nhiều điều. Sống trong môi trường văn minh hơn, hiện đại hơn thì tôi muốn chứ, nhưng tôi cũng mong chính quyền có thể lắng nghe ý nguyện của người dân để có phương án hợp lý, rõ ràng chứ đừng để sự việc mơ hồ, không rõ ràng”.

Bà Hoàng Thị Ất (82 tuổi, sống ở lô VIII, chung cư Thanh Đa) thì nói thẳng ra bốn điều mà bà mong mỏi: “Thứ nhất, làm sao để người dân chúng tôi được an cư lạc nghiệp, không phải chới với cho đến khi thực hiện xong dự án; sau khi dự án xây xong sẽ được tái định cư ở khu này.

Thứ hai, phải giữ cho được môi trường sống, không khí trong lành ở nơi đây như nó đã từng, chứ đừng làm ô nhiễm nó. Nói thật, tôi coi mảnh đất này như quê nhà mình, giờ bỏ nó đi không đành, cũng không thể nhìn nó ngày càng ô nhiễm. Thứ ba, chính quyền phải rõ ràng trong việc đền bù cho người dân, sắp xếp ổn thỏa để người dân yên tâm.

Cuối cùng, tôi mong chính quyền đã nói được thì hãy làm và làm cho tới, đừng để ảnh hưởng đến đời sống người dân quá nhiều”, bà Ất chia sẻ.

Những điều mà bà con ở khu chung cư Thanh Đa giãi bày cho thấy, người dân không bao giờ đứng ngoài ước vọng muốn đưa thành phố ngày càng đi lên. Họ sẵn sàng chung tay với chính quyền để thành phố thay da đổi thịt. Họ chấp nhận từ bỏ chiếc áo đã mặc gần 50 năm để khoác một chiếc áo mới lên bộ mặt khu phố thị nơi họ từng gắn bó như máu thịt.

Nhưng, tấm áo đó có vừa vặn hay không còn tùy thuộc vào thái độ, sự lưu tâm của những người có trách nhiệm. Suy cho cùng, phát triển là vì người dân. Họ mới chính là người tạo nên nét đặc thù văn hóa, nhịp sống của một đô thị. Ý nguyện được sống ấm no, hạnh phúc, an cư lạc nghiệp của người dân là chính đáng. Đó cũng là thước đo chính xác nhất cho sự phát triển của một thành phố lớn như TP.HCM!

VIỆT HOA - TUYỀN LÊ (Nội dung & Ảnh). HOÀNG QUYÊN (Đồ họa)

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/50-nam-cu-xa-thanh-da-hoi-uc-va-uoc-nguyen-847005.html