50 năm hội họa Đào Minh Tri

Sáng ngày 19/12 tại Hà Nội, buổi ra mắt cuốn sách 'Đào Minh Tri - 50 năm hội họa' đã diễn ra trong không khí ấm cúng, thân tình.

Buổi ra mắt sách có sự tham dự của nhiều gương mặt tên tuổi trong làng mỹ thuật Việt Nam như Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Thành Chương, nhà điêu khắc Đào Châu Hải, họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, Lý Trực Sơn... cùng gia đình, bạn bè của họa sĩ Đào Minh Tri.

Cuốn sách tập hợp 170 tác phẩm hội họa tiêu biểu của Đào Minh Tri trong suốt 50 năm qua trên chất liệu sơn dầu, bột màu, sơn mài. Ở đây, người xem sẽ thấy tư tưởng đổi mới đã xuất hiện từ rất sớm trong các sáng tác của ông.

Cuốn sách "Đào Minh Tri 50 năm hội họa"

Cuốn sách "Đào Minh Tri 50 năm hội họa"

Khi mỹ thuật miền Bắc còn tập trung cho nhiệm vụ đấu tranh thống nhất, họa sĩ Đào Minh Tri đã có những sáng tạo hội họa đậm tinh thần cá nhân độc đáo và hoàn toàn khác với đặc trưng nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa đang là tiếng nói đại diện chính thống duy nhất. Rất nhiều tác phẩm tranh bột màu của ông giai đoạn này cho thấy mối quan tâm tới nghệ thuật hiện đại quốc tế, tới những tên tuổi lớn như P.Picasso, H.Matisse, M.Chagall, J.Miró... đồng thời chúng cũng bộc lộ ý thức coi đời sống tinh thần cá nhân mang bản sắc độc sáng là yếu tố quan trọng nhất trong sáng tạo nghệ thuật.

Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, Đào Minh Tri xứng đáng là thế hệ thứ nhất của đổi mới trong nghệ thuật ở Việt Nam. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông xuất hiện với gương mặt gai góc trong hội họa, báo trước sự đổi mới mạnh mẽ ở tương lai. Năm 1986, Việt Nam bắt đầu bước vào quá trình đổi mới. Nhưng từ trước đó, Đào Minh Tri đã có những đột phá về ngôn ngữ tạo hình, với màu sắc riêng biệt, mà trước đó ít ai thể nghiệm. Đào Minh Tri đã chọn cho mình con đường gai góc nhất, nguy hiểm nhất cho chính mình, cho sự dấn thân hết sức.

"Để tạo nên hình ảnh đẹp đẽ của mỹ thuật Việt Nam hôm nay, tôi nghĩ, chúng ta không thể quên những đóng góp thầm lặng của họa sĩ Đào Minh Tri. Ông đã sống ở thời kỳ khó khăn nhất của mỹ thuật Việt Nam", họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Họa sĩ Đào Minh Tri tại buổi ra mắt sách.

Họa sĩ Đào Minh Tri tại buổi ra mắt sách.

Họa sĩ Thành Chương - người bạn học của Đào Minh Tri chia sẻ, điều đầu tiên cần nói khi nhắc về Đào Minh Tri đó là, ông là người quân tử, rất đàng hoàng, tử tế, tốt bụng. "Người làm sao của chiêm bao là vậy", tranh của ông cũng y như thế. Đặc biệt, sau khi chuyển vào Sài Gòn làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Đào Minh Tri không bị cuốn theo thị hiếu bắt mắt trong mỹ thuật lúc bấy giờ, vẫn giữ được bản sắc trong hội họa. Ông tạo nên cốt nền cho các thế hệ sinh viên cùng khai mở, sáng tạo trong nghệ thuật, không đóng khung trong những ngôn ngữ hội họa quen thuộc. Hơn thế, với tư cách là Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM (2005-2010), ông còn góp phần phát triển mỹ thuật miền Nam ở bề sâu và bề rộng.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp nhận định, mỹ thuật đương đại ở đầu thập kỷ 1980 ghi nhận họa sĩ trẻ Đào Minh Tri là người phát lộ, định hình được rõ ràng quan niệm về một thứ gọi là nghệ thuật thuần khiết. Điểm này ở ông có sự tương đồng với danh họa Trần Trung Tín (1933-2008), một nghệ sĩ xuất sắc của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, bởi cả hai đều coi trọng, dấn thân để tìm cái tôi, cái ngã của mình.

Họa sĩ Đào Minh Tri ký tặng sách.

Họa sĩ Đào Minh Tri ký tặng sách.

Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, họa sĩ Đào Minh Tri gửi lời cảm tới các thầy cô giáo, gia đình, đặc biệt là người vợ đã chăm sóc ông tận tình từ những ngày đầu bị tai biến đến nay. Bên cạnh đó, ông còn gửi lời cảm ơn tới những người bạn đã luôn đồng hành, sát cánh bên ông ở những giai đoạn khó khăn nhất. Ông cho biết, nghệ thuật là lao động, dù gặp khó khăn trong vận động, nhưng hàng ngày, cứ 8 giờ sáng là ông ngồi trước bảng vẽ để làm việc. Dù sức khỏe giảm sút, không còn làm được tranh khổ to, ông vẫn vẽ trên chất liệu giấy, bột màu.

Họa sĩ Đào Minh Tri quan niệm, người nghệ sĩ thông qua lao động hàng ngày, vẽ lại những suy nghĩ đang sống cùng với mình, sẽ tìm thấy bản sắc của mình. Nhưng không phải minh họa thô thiển tư tưởng đó mà bộc lộ nhân sinh quan, thế giới quan thông qua ngôn ngữ tạo hình của riêng mình.

Họa sĩ Đào Minh sinh năm 1949 tại Thái Nguyên. Ông học hệ Sơ Trung 7 năm (Đại học Mỹ thuật Vệt Nam ngày nay), sau đó học Đại học tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1976, ông vào Sài Gòn làm giảng viên trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM.

Ông là Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM 2005-2010. Đồng thời là một trong những người tổ chức Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc đầu tiên vào năm 2007.

Tranh của ông nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, bảo tàng Quang San, các bộ sưu tập tư nhân tại nhiều quốc gia.

Một số tác phẩm được giới thiệu trong cuốn sách:

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/50-nam-hoi-hoa-dao-minh-tri-post598815.antd