50 năm nghệ thuật sơn dầu và tranh in Lê Huy Tiếp
Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70, họa sĩ Lê Huy Tiếp, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam đã có triển lãm 50 năm nghệ thuật sơn dầu và tranh in, tổng kết chặng đường hoạt động nghệ thuật lâu dài của mình tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp có nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Triển lãm trưng bày 120 tác phẩm hội họa và đồ họa tranh in từ 12 bộ sưu tập của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và tư nhân tại Việt Nam, Úc và Mỹ. Trong đó có thể kể đến những tác phẩm như Phố Khâm Thiên sau bom Mỹ (1972), Hòa bình (1986), Thái Bá Vân (1998), Trời và đất (2003), Du thuyền “Cristal Symphonia” (2013), các tác phẩm tranh in như bộ tranh Chiến tranh Việt Nam (1971 - 1973)... Những tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007 của ông như Chiến tranh (1986), Eva trở về (1997), Môi trường biển (2001) cũng được giới thiệu tại triển lãm.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lê Huy Tiếp là người nhập cuộc táo bạo vào nền mỹ thuật Việt Nam; ông thuộc thế hệ họa sĩ thứ nhất của thời kỳ đổi mới và đã cùng các đồng nghiệp mở đầu câu chuyện đi trước đổi mới của mỹ thuật đương đại Việt Nam từ đầu những năm 1980. Trong không gian triển lãm, công chúng được thấy sự thay đổi về tư duy sáng tạo và ngôn ngữ tạo hình của họa sĩ Lê Huy Tiếp trong suốt 50 năm qua.
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm đều là những sáng tác tiêu biểu cho 50 năm trong nghề của họa sĩ, với nhiều thay đổi về tư duy sáng tạo và ngôn ngữ tạo hình. Trong thời gian học tập tại Liên Xô, ông đã có cơ hội tiếp xúc với bộ sưu tập ấn tượng của Bảo tàng Pushkin và Hermitage. Ông từng có thời gian theo đuổi trường phái hậu ấn tượng, nhưng sau đó dần cuốn theo các đề tài về tội ác chiến tranh tại Việt Nam. Những bức họa lần lượt ra đời, thấm đầy hơi thở thời đại.
Công chúng bắt gặp ở Lê Huy Tiếp mối quan tâm và sự nhấn mạnh vào đời sống riêng tư, sự cô đơn và niềm hy vọng cá nhân lẻ loi. Ở đó, có nỗi trăn trở của họa sĩ trước nhiều ngả đường nghệ thuật. Khi xã hội bắt đầu mở cửa cho kinh tế tư nhân và đời sống cá nhân phát triển, ông đã có cái nhìn xa hơn tới mối quan hệ con người - thiên nhiên - vũ trụ, đến luân hồi sinh - tử và nỗi cô đơn của mỗi cá nhân, từng sinh thể. Hành trình sáng tạo ấy giúp ông nhận ra: Trong nghệ thuật, phong cách, đề tài, thể loại... tự nó sẽ đến khi nghệ sĩ trải lòng mình.
Các nhà phê bình nghệ thuật đánh giá cái nhìn chủ nghĩa hiện thực lãng mạn và yếu tố siêu thực của Lê Huy Tiếp hoàn toàn khác biệt với các họa sĩ cùng thời. Ông chia sẻ: "Là họa sĩ, cũng nhiều năm giảng dạy mỹ thuật trong nhà trường, tôi nhận thấy điều quan trọng nhất của người làm nghệ thuật, làm hội họa không phải nhận được sự tán dương, mà là làm sao tác phẩm đi thẳng vào lòng người. Muốn vậy, nghệ sĩ hãy cứ cần mẫn sáng tạo với sự tinh tế, trung thực với cảm xúc của chính mình. Những cái đó không ai dạy ta được".
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 30/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/50-nam-nghe-thuat-son-dau-va-tranh-in-le-huy-tiep-post454164.antd