50 năm nguyên vẹn nghĩa tình
Ngày 4-12, gần 100 đại biểu Cựu chiến binh (CCB) nguyên là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 27, Đoàn 305, Bộ Tư lệnh Đặc công (nay là Tiểu đoàn 27, Lữ đoàn đặc công 113, Bộ Tư lệnh Đặc công) đã tổ chức gặp mặt tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
50 năm đã trôi qua kể ngày thành lập đơn vị (6-12-1969/6-12-2019), nhưng nghĩa tình đồng đội trong trái tim những CCB mái đầu bạc phơ vẫn vẹn nguyên như những ngày sẻ chia gian khổ, đối diện với tử thần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.
Dòng ký ức tô thắm truyền thống
Tiếng “mày tao chí tớ” vang rộn tại buổi gặp mặt. Hàng chục năm sau chiến tranh nay gặp lại, các CCB Tiểu đoàn 27 Đặc công như trở về tuổi mười tám, đôi mươi. Niềm xúc động cứ vỡ òa theo từng cái ôm, cái xiết tay thật chặt như đón nhau sau một trận đánh vẻ vang. Từ Đắk Lắk xa xôi, CCB Phan Thanh Bình nguyên chiến sĩ khẩu đội cối 60mm, Đại đội hỏa lực, cũng thu xếp ra Hà Nam để dự họp mặt. Ông Bình phấn khởi nói: “Hơn 45 năm rồi, đây là lần đầu tiên tôi mới gặp lại đông đủ các đồng đội cùng chiến hào, từng chia nhau từng củ sắn lùi ngày nào đấy các cậu”.
Còn CCB Cao Văn Thường, trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 27, tỉnh Thái Nguyên thì chia sẻ: “Đoàn Thái Nguyên chúng tôi gồm hơn 20 lính cũ của tiểu đoàn. Tuy anh, em đều bận rộn với cuộc sống gia đình nhưng biết có cuộc hội ngộ này, ai cũng cố thu xếp để tham dự. Đối với từng thành viên nói riêng và mỗi người lính trải qua chiến trận, được gặp nhau là một niềm hạnh phúc, một động lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”.
Những kỷ niệm “thời hoa lửa” là chủ đề chính xuyên suốt của các câu chuyện ngày gặp mặt. Ký ức, kỷ niệm cứ thế tuôn trào. CCB Cao Văn Thường nhớ lại: “Ngày 21-12-1971, Đại đội 17 được lệnh phối hợp với đơn vị bộ binh đánh diệt căn cứ điểm của trùm phản động Vàng Pao. Đồng chí Trần Thanh Trung (Đại úy, phái viên của Bộ Tư lệnh Đặc công tăng cường) trực tiếp chỉ huy mũi tấn công này. Tôi là chiến sĩ liên lạc trong mũi chốt chặn đầu cầu với nhiệm vụ đón đồng đội và tổ chức đánh chặn địch phản kích. Đội hình đang cơ động thì gặp 1 con đường ô tô cắt ngang. Đồng chí Trung ra hiệu chúng tôi dừng lại. Sau đó, anh cử thêm 2 trinh sát đi kiểm tra tình hình. Đang tiếp cận mục tiêu, bất ngờ tổ trinh sát gặp tốp 5 tên lính đi từ hướng sân bay lên. Tổ trinh sát của ta bình tĩnh giữ khoảng cách và đi theo tốc độ của địch. Khi qua đầu đội hình mũi tiến công của ta, đồng chí Trung đi sát rìa đường ra hiệu mũi bình tĩnh, vì khả năng địch chưa phát hiện được ta. Tổ trinh sát tiếp tục bí mật bám sát địch được một đoạn thì tốp lính địch rẽ vào 1 điểm, có ánh sáng đèn, nhiều tiếng cười đùa, có nhiều tiếng con gái”.
Xác định được vị trí địch, tổ trinh sát người quay lại, đồng chí Trung ra lệnh tổ B41 do đồng chí Lê Ngọc Khuyền vượt đường tiếp cận nhà Vàng Pao từ phía sau theo đường bờ ao; tổ giữ đầu đường tiền nhập cắt đường ô tô dừng để sẵn sàng đón bộ phận hỏa lực nổ súng xong quay ra. Khoảng 15 phút sau nhiều tiếng nổ dữ dội ở phía nhà Vàng Pao vang lên, tiếng súng cá nhân của địch nổ trong trung tâm và sân bay, nhiều loạt đạn ĐKZ của địch từ sân bay bắn ra vọt qua khu vực triển khai của trinh sát tiểu đoàn và trung đội bộ binh tăng cường. Trong lúc chờ đợi, Thường và mũi chốt chặn gặp 1 nhóm người người chạy xuống. Sợ bắn nhầm, mũi chốt chặn vừa phát mật khẩu thì nhóm kia lập tức nổ súng. Biết là địch, mũi chốt chặn nổ súng 3 tên đi đầu bị tiêu diệt. Địch hoảng loạn tháo chạy. Trận đánh giành thắng lợi, theo thông báo của mặt trận cả ngày 2-12-1971 chống càn ta đã diệt 16 tên địch. Về phía ta đồng chí Nguyễn Văn Hữu trúng đạn thẳng của địch hy sinh.
Thắm nghĩa trọn tình với đồng đội
“Khi nghe tin, em quyết đến đây! Phần vì cảm ơn các anh đã giúp gia đình đưa được anh trai chồng em trở về, phần vì gặp các anh, em như được trở về với người thân trong gia đình”, bà Đào Thị Minh (quê Nam Định), em dâu của Thiếu úy, liệt sĩ Phạm Văn Bảo (quê Nam Định), nguyên Chính trị viên phó Đại đội 18, hy sinh năm 1972 tại chiến trường Lào, vừa hồ hởi bắt tay CCB Cao Văn Thường vừa nói.
Sau hàng chục năm tìm thông tin về liệt sĩ Phạm Văn Bảo trong vô vọng. Một hôm, gia đình bà Minh được CCB Tiểu đoàn 27 cung cấp thông tin: Liệt sĩ Phạm Văn Bảo hy sinh trong một trận đánh ở sân bay Long Chẹng (Lào). Cùng hi sinh còn có đồng chí Nguyễn Văn Hùng (quê Hải Dương) và Nguyễn Văn Quang (quê Thái Nguyên). Nếu gia đình có nhu cầu thì các CCB sẽ tổ chức đoàn hỗ trợ giúp đỡ tìm kiếm liệt sĩ. Mừng hơn bắt được vàng, năm 2012, vợ chồng bà Minh cùng gia đình liệt sĩ Quang và 5 CCB Tiểu đoàn 27 do ông Thường làm trưởng đoàn đã khăn gói sang Lào tìm kiếm.
Nhắc đến Liệt sĩ Quang, ông Thường không giấu nổi xúc động, nghẹn ngào nhớ lại: “Quang cùng tôi học cùng phổ thông ở trường Cấp 3 Đại Từ (Thái Nguyên). Quang là người năng động, vui vẻ và chúng tôi chơi rất thân với nhau. Không hẹn mà gặp, tháng 4-1970, tôi và Quang cùng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, huấn luyện bộ đội Đặc công, rồi chung một tiểu đoàn khi vào chiến trường chiến đấu. Quang ở Đại đội 18, tôi là chiến sĩ Đại đội 17. Quang chiến đấu dũng cảm, rất gan dạ được phong Trung đội trưởng khi tôi vẫn là chiến sĩ liên lạc. Chúng tôi thường gặp nhau trò chuyện những lúc sau chiến trận”.
Ngày 23-12-1972, khi ông Thường đang làm nhiệm vụ chốt giữ đường và vận chuyển lương thực ở suối Nậm Siêm thì Quang hy sinh. Những năm sau, khi được anh trai liệt sĩ Quang là Nguyễn Văn Đại đến nhờ tìm kiếm Quang, qua đồng đội, ông Thường đã tìm được thông tin. Năm 2012, ông Thường cùng các đồng đội (cũ): Nguyễn Đình Cương, Hoàng Văn Dinh, Đỗ Đức Thịnh, Vũ Hồng Thịnh, trực tiếp đi sang Lào và tìm được một phần hài cốt và các di vật của 3 liệt sĩ còn lại. Vậy là tâm nguyện của thân nhân các liệt sĩ cũng như của các CCB tiểu đoàn 27 đã được hoàn thành.
CCB Cao Văn Thường chia sẻ: “Những lần hội ngộ như thế này của chúng tôi, một phần để tri cố, ôn tân nhưng quan trọng là, chúng tôi động viên nhau cố gắng giúp đỡ nhau vượt khó giữa đời thường và làm tốt các công tác tri ân đồng đội. Đó cũng là phương hướng hoạt động của Ban liên lạc CCB Tiểu đoàn Đặc công 27”.