50 năm thỏa nguyện ước mơ gặp Bác
Gần nửa thế kỷ sau chiến tranh, những cựu dân quân gan dạ của một thời mở đường và giữ đường bên bến phà Long Đại mới có cơ hội thực hiện chuyến đi mơ ước của đời mình: về Hà Nội vào Lăng viếng Bác.
7 giờ sáng ngày 27-8, 30 người con của làng Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã chỉnh tề trong trang phục truyền thống của cựu dân quân, xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ vừa di chuyển qua một hành trình gần 600 km từ Hiền Ninh xuyên đêm ra Hà Nội, kịp lúc bình minh.
12 giờ đồng hồ ngồi trên chiếc xe dành cho khách du lịch của Công ty Nettin, chạy không nghỉ và các o, các bác cũng hầu như không ngủ. Thế nhưng không ai tỏ vẻ mệt mỏi, trên gương mặt ai cũng xúc động và không giấu nổi hồi hộp vì sắp được vào Lăng viếng Bác. Đó là những phút giây lịch sử trong đời những cựu dân quân gan dạ can trường đã đi qua chiến tranh và qua gần nửa thế kỷ hòa bình.
Hà Nội vừa vào tiết thu, thật may mắn sau chuỗi ngày dài nóng bức ngột ngạt, buổi sáng ấy Ba Đình trong xanh mát dịu. Hòa theo dòng người lặng lẽ vào Lăng, lúc đi qua linh cữu Bác, các o các chú đều đưa khăn chấm nước mắt và bước đi thật chậm như lưu luyến không nỡ rời.
Vừa ra khỏi lăng, mệ Phan Thị Diệp (65 tuổi) khóc nấc nghẹn ngào: “Tôi cảm động không nguôi vì cuối cùng ước nguyện được ra viếng Bác đã thành hiện thực. Chỉ muốn đứng lại lâu thêm lúc nữa để ngắm nhìn Bác. Được sống đến hôm nay và nhìn thấy Bác cảm động vô cùng. Chúng tôi nhớ và thương Bác quá”. Còn ông Nguyễn Ngọc Liễu, người cao tuổi nhất trong đoàn (88 tuổi) thì tiếc nuối hỏi: liệu có quay vòng lại để viếng Bác được lần nữa không cháu?
Khi vào thăm ao cá, vườn cây, và nhà sàn của Bác, thăm phòng làm việc của Người năm xưa, nghe chị Trần Thị Thắm hướng dẫn viên của Khu di tích Phủ Chủ tịch giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Bác trong những năm đất nước chiến tranh, các mệ lại không cầm được nước mắt. Nhiều mệ khóc òa lên. Mệ Thuật nói trong nước mắt: “Ra đây tận mắt thấy nơi Bác Hồ ở, thấy mọi vật dụng trong nhà Bác mà thương Bác quá. Cuộc đời của Bác vô cùng giản dị, thiếu thốn, đạm bạc, mà Bác vẫn thương từng người từ cháu nhỏ đến cụ già. Cho đến khi sắp đi xa, Người vẫn gửi hoa gửi quà động viên chiến sĩ, thật là thương Bác quá…”.
Còn Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hợi (75 tuổi) cũng không giấu được sự xúc động nói, ngày xưa nghe lời Bác kêu gọi, sống chết gì cũng theo lời Bác cống hiến cho Tổ quốc, không quản ngại bom rơi, đạn lạc để đào đất trên đồi về san lấp hố bom cho xe ta qua. “Lúc Bác mất là chúng tôi để tang trên đơn vị, không về quê hương để tang được. Lúc bấy giờ, có ai nghĩ mình được sống sót đến ngày hôm nay. Vì thế, được sống sót, được vào lăng viếng Bác là vinh dự cả một đời”.
Hành trình trong mơ đầy xúc động
Cho đến hôm nay, các cựu dân quân làng Long Đại cũng không ngờ mong ước nửa thế kỷ nay của mình lại trở thành hiện thực, khi mà phần lớn họ tuổi đã đều ngoài 75. Bởi khi chia tay các o, các mệ trong buổi trưa tháng 5 nắng gắt sau hành trình theo dọc đường Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng không dám hứa chắc chắn sẽ giúp họ thực hiện được nguyện vọng tha thiết ấy. Nhưng rồi lòng cứ đinh ninh day dứt dặn lòng, chưa làm được là như mình còn mắc một món nợ với những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước.
Sau khi hoàn thành loạt bài viết về những nhân chứng lịch sử trên con đường mòn huyền thoại, chúng tôi quyết định kêu gọi sự chung tay giúp sức của đồng nghiệp và bạn đọc để tổ chức chuyến đi. Cũng thật bất ngờ, chỉ sau hai tuần kêu gọi đã có được số kinh phí dự kiến cho chuyến về thăm thủ đô cho các bác, các o.
Khi chúng tôi trao đổi về nội dung này với Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) Phạm Trung Đông, anh rất vui và cho biết: “Trước đây tôi được luân chuyển làm Bí thư xã Hiền Ninh nên biết được nguyện vọng của các o nhưng mãi nhiều năm rồi chưa thực hiện được. Giờ nếu các bạn giúp cho thì quý hóa quá, tôi sẽ yêu cầu lãnh đạo xã Hiền Ninh và các phòng ban huyện hỗ trợ để tổ chức tốt hơn. Ngày đi, huyện cũng sẽ có chút quà tặng các bác, các o”.
Còn mệ Phan Thị Thuật, cựu Trung đội trưởng dân quân Long Đại khi nghe chúng tôi thông báo về chuyến về thăm thủ đô Hà Nội, mệ hỏi đi hỏi lại nhiều lần: “Các o, chú nói thiệt hay nói cho các mệ vui đó”. Cho đến khi tôi chuyển điện thoại cho Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh Nguyễn Ngọc Hùng để nói chuyện với mệ Thuật, mệ vẫn dường như chưa tin giấc mơ này là có thật. Từ sau hôm đó, nhiều bác, o cựu dân quân làng Long Đại có những đêm “mất ngủ” vì vui.
120 người trong hội cựu dân quân tự vệ làng Long Đại đã bình chọn những người tiêu biểu nhất, có đủ sức khỏe để ra Hà Nội. Danh sách rà đi, soát lại, ai cũng đủ tiêu chuẩn cả. Nhưng nhiều người vì tuổi cao, sức yếu, người vì cả hai vợ chồng đều sinh hoạt trong hội nên chỉ có thể chọn một… Sau hai cuộc họp, một danh sách 30 người đã được thông qua. Và thật may mắn, Công ty du lịch Nettin đã nhận lời đưa các ông, bà ra Hà Nội với mức kinh phí thấp nhất và tổ chức tận tình chu đáo nhất.
Trước ngày lên đường, chúng tôi gọi cho mệ Thuật. Mệ nói các ông, các bà đã sẵn sàng cả rồi, chỉ đợi ngày lên đường nữa thôi. “Chúng tôi lúc ấy chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là “bồi bổ sức khỏe” để đủ sức cho hành trình dài lần đầu tiên ra khỏi Long Đại hướng về Hà Nội”, mệ Thuật kể.
Chiều 26-8, lịch lên đường là 7 giờ tối nhưng khoảng 5 giờ, 30 cựu dân quân Long Đại đã áo mũ chỉnh tề, nghiêm ngắn làm lễ dâng hương lên tượng Bác Hồ trong nhà văn hóa thôn rồi đợi xe. Ai cũng vui và háo hức không khác gì những ngày đầu tham gia vận tải bộ đội, hàng hóa qua phà Long Đại hơn 50 năm trước.
Xe lăn bánh ra khỏi làng Long Đại, không khí trên xe càng lúc càng lúc vui hơn. Được cậu hướng dẫn viên động viên, các mệ “làm” luôn hai bài dân ca, trong đó có bài hát ngợi ca Phà Long Đại trong kháng chiến. Cứ thế, trên chặng hành trình đầu tiên trên đất Quảng Bình, nhiều bài hát, bài dân ca được các mệ hát với sự tự tin và niềm vui không khác con trẻ. Họ còn tranh thủ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời đạn bom khói lửa.
Ngồi phía sau xe, ông Nguyễn Ngọc Liễu tâm sự, đây là chuyến đi xe đi xa nhất, háo hức nhất của ông. Ông cầm tay chúng tôi mà mắt ngấn lệ: “Cảm ơn các chú, các o giúp các bác có chuyến đi mơ ước trong đời này”.
Gặp nhóm phóng viên đón tại Hà Nội, các mệ Thuật, mệ Diệp, mệ Tuất, mệ Hằng… ôm chầm lấy chúng tôi nghẹn ngào xúc động. Những nhân chứng lịch sử chúng tôi được gặp gỡ trong chuyến đi hồi tháng 5 đều có mặt, trừ có ông Nguyễn Việt Thỉ và mệ Phan Thị Chở chưa thể hoàn thành tâm nguyện ra Hà Nội vì sức khỏe không cho phép.
Mệ Trần Thị Tuất háo hức kể, nguyên đêm thức trắng trên xe nhưng mọi người đều nói cười vui vẻ, thậm chí còn thay nhau hát những ca khúc về chiến tranh cách mạng, về Quảng Bình anh dũng kiên cường trong chiến đấu năm xưa. “Lúc đi rất lo vì nhiều người già tuổi rồi sợ có vấn đề gì. Nhưng xuống xe, chúng tôi nói với nhau là nhờ Bác và anh linh các đồng đội phù hộ cho chúng ta sức khỏe để được ra gặp Bác đó”.
88 tuổi, chân đi không còn đủ dẻo dai vững vàng nhưng ông Nguyễn Ngọc Liễu vẫn rất phấn khởi “đòi” đi chuyến này bằng được. “Đi chuyến này coi như là chuyến cuối đời rồi cháu ạ. Chỉ mỏi chân chút thôi. Ra được Hà Nội là vinh dự lớn lắm cháu ạ, là cả mơ ước suốt 50 năm qua”, ông Liễu nói.
Chuyến đi kết nối mọi tấm lòng
Cần phải nói thêm, để có được chuyến đi đầy xúc động và ý nghĩa này, là nhờ có sự đồng tâm hưởng ứng của đông đảo đồng nghiệp, anh chị em bạn bè và rất nhiều bạn đọc của báo Nhân Dân. Khởi phát khi kêu gọi chương trình là ngày 27-7, đúng ngày cả nước tri ân các anh hùng liệt sĩ, chỉ sau hai tuần, chúng tôi đã thu được số kinh phí vượt dự kiến 50 triệu đồng.
Hành trình vượt gần 600km cho những cụ già ngoài 70 tuổi phải được tính toán hết sức tỉ mỉ, cẩn thận. Và thật may mắn, chúng tôi đã nhận được sự đồng lòng chung tay của nhiều bạn bè, cá nhân, đơn vị, để các o các chú có được chuyến đi như mơ ước.
Vinh dự và xúc động khi ra viếng Lăng Bác, đoàn cựu dân quân Long Đại đã được Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công và lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Bác Hồ và tặng quà lưu niệm. Buổi tối 27-8, họ cũng được đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam gặp gỡ, mời thăm Bảo tàng Phụ nữ và mời cơm thân mật. Và một cá nhân đã lặn lội đến tìm gặp đoàn, tặng mỗi người một bộ quần áo và một túi quà trị giá 500 nghìn đồng. Trên hành trình về Hà Nội viếng Bác và trở về Quảng Bình, họ còn được về thăm quê Bác tại Nam Đàn, Nghệ An.
Tối 28-8, gọi điện cho chúng tôi từ Đồng Hới, mệ Thuật cho biết, đoàn đã về đến nơi an toàn khỏe mạnh và không ngớt lời cảm ơn vì tất cả. Mệ vẫn nói chuyến đi như trong mơ, còn chúng tôi, chắc sẽ không bao giờ quên được các o, các bác Long Đại trong khoảnh khắc đẹp tại Hà Nội những ngày Tháng Tám lịch sử…
Cùng nhìn lại hành trình về thăm Lăng Bác của các o các bác cựu dân quân làng Long Đại: