50 năm thống nhất đất nước - Ngày 1/4/1975: Giải phóng tỉnh Phú Yên
8 giờ sáng 1/4/1975, Sư đoàn 320 Binh đoàn Tây Nguyên phối hợp với bộ đội địa phương đã hoàn toàn làm chủ thị xã Tuy Hòa, sau đó lần lượt giải phóng hầu hết các huyện trong tỉnh.

Quân ta tấn công đánh chiếm Tỉnh đường ngụy sáng 1/4/1975. (Nguồn: Quân khu Bốn)
Tại Phú Yên, sau khi các đơn vị đã vào vị trí tập kết, 5 giờ sáng ngày 1/4/1975, trận tiến công giải phóng thị xã Tuy Hòa bắt đầu.
Pháo 105 ly, súng cối 120 ly của ta đặt ở Hòa Thắng bắn mạnh làm tê liệt các trận địa pháo của địch. Cùng lúc đó, xe tăng của ta theo Đường 7 chi viện cho Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2 đánh chiếm các mục tiêu cầu Ông Chừ, cầu Ðà Rằng và Nhạn Tháp.
Tới 5 giờ 45 phút, quân ta đánh chiếm xóm Ðạo, sân bay khu chiến, phát triển theo Đường 6, đường Lê Lợi, chiếm Ty Ngân khố, khu công chức. Trong lúc đó, ở hướng Bắc thị xã, Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 đánh chiếm tỉnh đường, Ty Cảnh sát, Trung đoàn bộ 47, Gò Ðá, núi Chóp Chài.
Tiểu đoàn 96, Ðại đội 25 và một bộ phận của Tiểu đoàn pháo hỗn hợp 189 tiến công địch ở Núi Sầm, Long Tường, xóm Lẫm, Quy Hậu, Phước Khánh, Phước Hậu...
Phát huy khí thế tiến công thần tốc, đến 8 giờ sáng cùng ngày, Sư đoàn 320 Binh đoàn Tây Nguyên phối hợp với bộ đội địa phương đã hoàn toàn làm chủ thị xã Tuy Hòa, sau đó lần lượt giải phóng hầu hết các huyện trong tỉnh như: Tuy An, Sông Cầu, Ðồng Xuân; bắt Chuẩn tướng ngụy Trần Văn Cẩm và Đại tá Vi Văn Bình.
Ðến 11 giờ ngày 1/4/1975, thị xã Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên được hoàn toàn giải phóng.
Tại Khánh Hòa, sau khi Lữ đoàn dù 3 bị diệt và tan rã, rạng sáng ngày 1/4/1975, quân địch ở Trung tâm huấn luyện Lam Sơn, biệt động quân và pháo binh ở Dục Mỹ hốt hoảng rút chạy qua thị trấn Ninh Hòa.
Các đơn vị vũ trang của ta tiếp tục tiến công đập tan cánh cửa thép đèo Phượng Hoàng, tuyến phòng thủ phía Tây Ninh Hòa của địch.
Đến ngày 1/4/1975, đại bộ phận vùng nông thôn và thị trấn Vạn Giã (Khánh Hòa) được giải phóng.
Về phía địch, sáng 1/4/1975, địch gấp rút chấn chỉnh Lữ đoàn 468 đưa ra Nha Trang để tăng cường cho Lữ đoàn dù 3. Nhưng do Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 của ta đã đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn dù 3 ở đèo Ma Đrắc nên 10 giờ sáng cùng ngày, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu phải hủy bỏ lệnh trên.
Nhận được tin thị xã Tuy Hòa và Quy Nhơn thất thủ, địch thấy không thể giữ nổi Nha Trang, nên 15 giờ cùng ngày, chúng phải rút Sư đoàn thủy quân lục chiến về Vũng Tàu và chuyển Bộ Tư lệnh Hải quân và Quân khu 2 đi nơi khác.
Trong lúc đó, Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy Tướng Phạm Văn Phú lệnh cho Sư đoàn 2 không quân rút chạy đã làm cho Nha Trang trở nên hỗn loạn. Địch ban bố lệnh thiết quân luật thành phố và rút cơ quan Lãnh sự quán Mỹ ở Nha Trang về Sài Gòn.
Ðến đêm cùng ngày, quân địch ở Ðà Lạt và toàn tỉnh Tuyên Ðức cũng hoảng hốt rút chạy về Phan Rang.
Trước những diễn biến mới, 18 giờ ngày 1/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điện cho các đồng chí Phạm Hùng, Lê Ðức Thọ, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà nêu rõ ý kiến của Bộ Chính trị: “Thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Ðịnh đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu... Phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm... Phải hành động "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng"... Bất ngờ hiện nay không còn ở phương hướng lớn nữa. Địch biết nhất định ta sẽ đánh Sài Gòn, nhưng chúng cho rằng ta cần phải chuẩn bị 1-2 tháng. Vì vậy, bất ngờ hiện nay chủ yếu là ở tốc độ. Một mặt cần cơ động lực lượng nhanh chóng, thần tốc, mặt khác, sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động, không chờ đợi… Phải thần tốc, thần tốc toàn thắng, nhất định toàn thắng."
Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu lệnh cho các Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3 hành quân thần tốc vào chiến trường trọng điểm phía Nam. Quân đoàn 1 (để lại Sư đoàn 308 bảo vệ miền Bắc), xuất phát từ Tam Điệp (tỉnh Hà Nam Ninh, nay thuộc tỉnh Ninh Bình), ngày 1/4/1975 hành quân theo đường Tây Trường Sơn vào Đồng Xoài trên hướng Bắc Sài Gòn.
Quân đoàn 2, rời thành phố Đà Nẵng vừa giải phóng, theo trục Đường 1 vừa đi vừa đánh địch, tiến về phía Đông Nam Sài Gòn. Quân đoàn 3 xuất phát từ Tây Nguyên, hành quân theo Đường 14 và Đường 20, tập kết lực lượng ở Dầu Tiếng, trên hướng Tây Bắc Sài Gòn.
Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Đoàn 559 huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện cơ động bộ đội và vật chất vào chiến trường. Cả nước sôi nổi không khí ra trận. Các con đường tiến về Sài Gòn nườm nượp xe chở bộ đội, xe kéo pháo, xe chở đạn, chở gạo..../.