50 năm thực hiện Di chúc của Bác: Tầm nhìn, tư duy đột phá
Ý thức sự hữu hạn đời người nên khi còn minh mẫn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để viết Di chúc và sửa chữa nhiều lần cho hoàn chỉnh. Kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh 2-9, 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, toàn tỉnh đang diễn ra nhiều hoạt động như: tọa đàm, triển lãm, trưng bày, hội thi… tạo nên không khí sôi nổi rộng khắp.
Từ trong Di chúc
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra và khẳng định sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong Di chúc của Người không gì khác là độc lập cho nước, tự do, hạnh phúc cho dân. Đề cập nhiều vấn đề thiết thực, cấp bách nhưng tinh thần toát lên từ Di chúc là chăm lo đời sống nhân dân. “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”-Bác viết.
Không chỉ sáng lập Đảng, vạch đường đi cho cách mạng Việt Nam, cuộc đời và sự nghiệp của Bác là minh chứng sống động của một lãnh tụ suốt đời hy sinh vì nước, vì dân. Mục tiêu, sự nghiệp của Bác cũng chính là mục tiêu, sự nghiệp của Đảng. Khi mới ra đời, thực hiện các cuộc vận động đấu tranh cách mạng để giành độc lập, rồi kháng chiến 9 năm chống Pháp, hơn 20 năm chống Mỹ, tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp hay đổi mới và hội nhập sâu rộng với thế giới hiện nay, tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng đều bám sát tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc: Làm cho Đảng xứng đáng là lực lượng lãnh đạo xã hội, làm cho nước mạnh, dân giàu “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Sau năm 1975, đặc biệt là sau 33 năm tiến hành công cuộc đổi mới, cánh cửa khép kín của cơ chế kinh tế bao cấp kế hoạch hóa đã được thay thế bằng cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, các thành phần kinh tế sôi nổi đầu tư khoa học công nghệ, nhân lực, nguồn vốn, kinh nghiệm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh… làm cho bức tranh kinh tế cả nước tươi sáng và thay đổi nhanh chóng.
Đột phá tư duy chiến lược
Điều này thật có ý nghĩa với một tỉnh như Gia Lai. Khai thông các nghị quyết có tính chất mở đường của Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh là kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của UBND tỉnh. Đột phá trong phát triển kinh tế được tỉnh xác định là đẩy mạnh mời gọi đầu tư để khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương. Liên tục 3 hội nghị kêu gọi hợp tác đầu tư (2 tại TP. Hồ Chí Minh và 1 ở Hà Nội), sau đó là hội nghị hợp tác toàn diện với TP. Hồ Chí Minh, hội nghị hợp tác với Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, tỉnh Bình Định, Phú Yên, hội nghị các nước trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam… Đi liền với đó, tỉnh tập trung quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch vùng kinh tế động lực, vùng chuyên canh cây công nghiệp gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến của các nhà máy. Tỉnh đặc biệt chú trọng cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư (hình thành khu công nghiệp, cấp đất, cho thuê đất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực, vốn vay, thuế…), cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích xuất khẩu, dành nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư vào khai thác tiềm năng thế mạnh để làm ăn, phát triển, gắn bó lâu dài. Các doanh nghiệp tại tỉnh cũng được quan tâm đầy đủ, dành cho chính sách ưu đãi phát triển phù hợp. Chỉ trong một thời gian ngắn, kinh tế Gia Lai tạo được sức bật mới, nhất là thông qua tốc độ tăng trưởng hàng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thành quả đó tiếp tục được kế thừa và phát triển trong các giai đoạn sau này. Theo ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm qua, tỉnh có 58 dự án được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 6.018 tỷ đồng và có 42 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, vốn thực hiện 5.095 tỷ đồng. Tỉnh đặc biệt chú trọng vào 3 “trụ cột” kinh tế: nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và du lịch.
Đột phá tư duy phát triển kinh tế đã đưa đến kết quả GDP của tỉnh liên tục tăng mạnh. Nếu giai đoạn 1976-1990, GDP bình quân của tỉnh tăng 3,5%/năm, giai đoạn 1991-2000 tăng trên 11%/năm thì giai đoạn 2011-2015 tăng trên 12%/năm. Năm 2018, dù gặp nhiều bất lợi nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn trên 8%. Cùng với tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực chính trị, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh... cũng đạt được nhiều kết quả to lớn. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực chẳng những góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn nói chung mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ mọi mặt đời sống của từng gia đình. Đến cuối năm 2018, GRDP bình quân đầu người đạt 45,36 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 10%. Và từ lâu rồi, không còn tình trạng đói giáp hạt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kinh tế đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn nhưng vẫn còn chậm và thiếu ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề bức xúc xã hội chậm được khắc phục, tai-tệ nạn còn diễn biến phức tạp, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng chậm phát triển... Đó là những thách thức mà trong chặng đường đi tới, phát huy thành quả 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, Gia Lai phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn để biến mong ước, kỳ vọng của Người trở thành hiện thực sinh động và thuyết phục.