50 năm trung hiếu bên Người

PTĐT - Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào từ khắp mọi miền của Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài người nối người hành hương...

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp đỡ các thương binh vào Lăng viếng Bác.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp đỡ các thương binh vào Lăng viếng Bác.

PTĐT - Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào từ khắp mọi miền của Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài người nối người hành hương vào Lăng viếng Bác Hồ mỗi ngày một đông. Tất cả đều có chung một tình cảm, lòng tôn kính và tri ân sâu sắc đối với Người; ngưỡng mộ sự nghiệp cách mạng vĩ đại cùng tư tưởng, đạo đức trong sáng của Bác, nguyện đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.

Cách đây 50 năm, ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam đã vĩnh biệt chúng ta. Thể theo nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Công trình Lăng của Người để các thế hệ người Việt Nam được đến chiêm ngưỡng, học tập, để tên tuổi, hình ảnh, sự nghiệp vĩ đại và công lao to lớn của Người mãi khắc ghi vào con tim, khối óc của mỗi người dân đất Việt. Cùng với đó, bầu bạn trên thế giới cũng có cơ hội đến chiêm ngưỡng, bày tỏ sự kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ Cộng sản vĩ đại, đã dành trọn cuộc đời mình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và tiến bộ nhân loại.
Vì vậy, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Quyết nghị: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Quyết nghị đúng đắn đó của Đảng, Nhà nước ta thể hiện tình cảm, lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một dân tộc vốn có truyền thống thờ phụng tổ tiên, ông bà, xây dựng Lăng mộ để tưởng nhớ những người có công với dân, với nước.Giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn dân tộc. Vinh dự, trách nhiệm đặc biệt này được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ các đơn vị trong toàn quân tổ chức lễ báo công dâng Bác.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ các đơn vị trong toàn quân tổ chức lễ báo công dâng Bác.

Với lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ to lớn của Nhà nước Liên Xô (nay là Liên bang Nga), nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện ngay tại Việt Nam. Nhiệm vụ cao cả này được giao cho Tổ Y tế đặc biệt, sau đó là Đoàn 69, tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay.Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo; vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài của Bác. Ngày 29/8/1975, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ long trọng tổ chức Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội trường Ba Đình. Sau ngày Lăng Bác được khánh thành và đón khách vào viếng Người, cùng với công tác giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng vinh dự được giao đảm nhiệm công tác tuyên truyền, đón tiếp, hướng dẫn hàng triệu lượt khách từ khắp mọi miền của Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác.Theo Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều năm trở lại đây, Công trình Lăng Bác, Khu di tích Đá Chông- K9 (Ba Vì, Hà Nội) và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên Quảng trường Ba Đình trở thành địa chỉ đỏ quy tụ tình cảm, tấm lòng của hàng triệu người dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế đối với Bác Hồ kính yêu.Tính từ ngày 29/8/1975 đến nay, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón trên 58 triệu lượt khách, trong đó có gần 10 triệu lượt khách quốc tế. Ban Quản lý Lăng đã tổ chức đón tiếp 187 đoàn cấp Nhà nước tại Lăng; 105 đoàn tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Cùng với đó, Lăng Bác cũng đón 243 đoàn nguyên thủ quốc gia; 1.232 đoàn cấp Bộ trưởng và tương đương.Ngoài việc tổ chức lễ viếng hàng ngày, các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa diễn ra tại Lăng Bác cũng hết sức ý nghĩa. Đây là hoạt động giáo dục thực tiễn sinh động để mỗi tổ chức, cá nhân bồi đắp thêm tình cảm, nhân cách, đạo đức theo gương Bác Hồ trong công tác và cuộc sống hàng ngày. Các sinh hoạt chính trị tại Lăng rất đa dạng với nhiều hình thức khác nhau, như: Lễ báo công, kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên; ký kết giao ước thi đua, tuyên thệ, lễ rước đuốc, gặp mặt truyền thống, biểu diễn nghệ thuật; khai giảng năm học; tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Nơi đây còn diễn ra các hoạt động quan trọng của Đảng, Nhà nước, nơi tổ chức các hoạt động mít tinh, diễu binh… nhằm giáo dục truyền thống và hun đúc khí phách cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam.Hòa chung dòng người vào Lăng viếng Bác, chúng tôi có dịp trò chuyện với cựu chiến binh (CCB) Dương Xuân Thoại, 85 tuổi, thương binh hạng 4/4, hội viên Hội truyền thống bộ đội Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh, phường Thanh Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, cùng 40 đại biểu, hôm nay về Thủ đô để báo công với Bác, CCB Dương Xuân Thoại kể cho tôi nghe nhiều tấm gương cán bộ, hội viên, trên quê hương mình đã học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, không cam chịu cảnh nghèo, “tàn nhưng không phế”, không những làm kinh tế giỏi mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội thoát nghèo, đồng thời hăng hái góp tiền, góp sức xây dựng quê hương. Cùng chung niềm vui với CCB Dương Xuân Thoại, ông Cao Văn Minh, thương binh hạng 4/4, trú tại tổ 2, khu 8, phường Nông Trang, TP Việt Trì, Phú Thọ cũng bày tỏ: “Năm nào tôi cũng về Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Bác, nhưng lần nào cũng vẹn nguyên tâm trạng bồi hồi, xúc động, chỉ muốn được chiêm ngưỡng Người thật lâu. Chứng kiến nét mặt của Bác vẫn rạng ngời, tươi vui như ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc mà chúng tôi không kìm nén được cảm xúc của mình”.Trong dòng người vào Lăng viếng Bác, chúng tôi còn bắt gặp đôi mắt rưng rưng xúc động của bà Lê Thị Nhiều, 67 tuổi, quê ở xã Đại Phúc, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Được biết, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mới 15 tuổi, bà đã làm giao liên cho bộ đội giải phóng. Vậy mà bao năm ao ước được ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác của bà giờ mới thành hiện thực. Tại phòng truyền thống, bà và các đại biểu người có công tỉnh Trà Vinh được gặp Bác Hồ qua những thước phim tư liệu chân thực, sinh động. Không gian trong phòng trầm lắng, nhiều người đưa tay lau vội những giọt nước mắt vì xúc động. “Mặc dù chưa một lần được gặp Bác Hồ, nhưng tình yêu của Bác dành cho đồng bào miền Nam, chúng tôi luôn hiểu thấu. Đồng bào miền Nam ai cũng thương Bác, nhớ Bác khôn nguôi…”. Bà Lê Thị Nhiều nghẹn ngào bộc bạch.Từ những tình cảm của hàng triệu người dân đất Việt, kiều bào ta ở nước ngoài cũng như khách quốc tế dành cho Bác Hồ, có thể khẳng định, về thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã trở thành nhu cầu tự thân, là tình cảm, niềm tin không thể thiếu đối với mỗi người dân Việt Nam. Những ai có dịp về thăm Bác, chiêm ngưỡng dung nhan của Người, hẳn đều thấy tâm hồn mình thanh thản, bình yên và càng thấm thía công ơn trời biển của Người đối với dân tộc Việt Nam, từ đó càng vẹn tròn niềm tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Nguyễn Hồng Sáng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/dao-duc-ho-chi-minh/201909/50-nam-trung-hieu-ben-nguoi-166502