50 năm văn học nghệ thuật TP.HCM: Tiên phong đi đầu nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc
Văn học nghệ thuật TP.HCM 50 năm đối mặt với nhiều thách thức vẫn luôn tiên phong đi đầu trong quá trình hội nhập, sáng tạo, giữ gìn bản sắc dân tộc.
Chiều 16-4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM tổ chức tọa đàm 50 năm văn học, nghệ thuật TP.HCM phát huy truyền thống tiếp nối tương lai.

Toàn cảnh tọa đàm
Tại đây, bên cạnh việc phản ánh những thành tựu của lĩnh vực văn học nghệ thuật trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển TP.HCM thì nhiều đại biểu cũng đóng góp, chỉ ra những vấn đề để văn học nghệ thuật TP.HCM tiếp tục phát triển.
Nhìn lại văn học nghệ thuật trong 50 năm
NSND Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM cho biết, qua 50 năm xây dựng và phát triển, lĩnh vực văn học, nghệ thuật TP.HCM đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, phát triển thành phố. Có thể kể đến ở lĩnh vực âm nhạc như Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh, Đất nước trọn niềm vui, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ,...đã góp phần lớn trong công cuộc xây dựng, cổ vũ đất nước.
Đối với điện ảnh, một số tác phẩm tạo được niềm tự hào như Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, Vị đắng tình yêu...

NSND Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM
TP.HCM cũng được xem là trung tâm sản xuất phim của cả nước với trên 100 cơ sở đăng ký và phát hành phim. Bên cạnh đó thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động có không gian sáng tạo cho nhà làm phim trẻ.
Không chỉ vậy, các loại hình sân khấu như kịch nói đã có một thế hệ vàng như NSND Kim Cương, NSND Kim Xuân, NSƯT Thành Lộc,…
Sân khấu cải lương, hát bội cũng đạt được những thành tựu rực rỡ gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ như Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương,… với những vở diễn như Tiếng trống Mê Linh, Người ven đô,…
Các lĩnh vực như văn học, mỹ thuật kiến trúc cũng từng bước tạo dấu ấn trong nền văn học nghệ thuật của thành phố.
Ngoài ra, ngoài các đơn vị nghệ thuật công lập, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa cũng có sự phát triển với những mô hình và phương thức hoạt động phong phú, đa dạng, làm sinh động thêm cho bộ mặt văn học nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Thành phố đã có nhiều chương trình quy mô lớn, lễ hội âm nhạc được tổ chức…
Trong giai đoạn phát triển công nghiệp văn hóa đã có nhiều công ty tư nhân, tập đoàn lớn nỗ lực xây dựng những thương hiệu thông qua các buổi biểu diễn để mang đến cách nhìn mới về hình thức tổ chức và phong cách trong các chương trình nghệ thuật lớn, có thể kể đến như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai,…

Bên cạnh đó, với đề án “Phát triển Công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030”, thành phố gắn mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa với định hướng xây dựng đô thị sáng tạo. TP.HCM đang đăng ký gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh. Điều này được nhìn nhận như mục tiêu phát triển nhằm nâng tầm thành phố ở vị thế một đô thị toàn cầu, tham gia vào mạng lưới các siêu đô thị của thế giới trong nền kinh tế sáng tạo toàn cầu, đóng góp cho phát triển bền vững của đất nước, của khu vực và thế giới.
Một số giải pháp đặt ra
Tại tọa đàm, PGS. TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM cho rằng bên cạnh phát triển công nghiệp văn hóa, cũng cần phải bảo tồn và phát huy các loại hình văn học nghệ thuật truyền thống đặc trưng của TP.HCM.

PGS TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
Ông cũng cũng nhìn nhận một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian của thành phố vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Lấy ví dụ một số loại hình nghệ thuật truyền thống thiếu người kế thừa bởi việc đào tạo một nghệ nhân tốn rất nhiều thời gian, nghệ sĩ phải tự ra ngoài kiếm tiền, khó sống được với nghề.
Đề tiếp tục phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống đó, ông cũng đề xuất cần chuyển đổi những giá trị truyền thống đó thành những sản phẩm bán được, phục vụ cho du lịch, vừa giữ gìn được truyền thống, vừa tạo điều kiện cho nghệ sĩ sống được với nghề.
“TP.HCM là một thành phố trẻ, năng động. Nếu có càng có nhiều các sản phẩm nghệ thuật để phục vụ du khách thì đó là một phần để chúng ta bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá các giá trị văn hóa của TP.HCM ra rộng rãi trên thế giới” – PGS.TS Lâm Nhân cho hay.
Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy TP.HCM, để phát huy vai trò đầu tàu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, TP.HCM cần tăng tốc phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, đối với văn học nghệ thuật, cần tập trung triển khai một số giải pháp như quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; chăm sóc, ưu đãi cho lực lượng sáng tác, tạo điều kiện cho các ý tưởng sáng tạo, có tính tư tưởng, thẩm mỹ ra đời.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa nghệ thuật trên cơ sở rà soát, địa điểm nào cần nâng cấp, dự án nào cần xây mới để xem xét đưa vào danh mục đầu tư, tạo điều kiện để có thêm nhà hát, nơi biểu diễn, phim trường, rạp chiếu, không gian trưng bày, sinh hoạt văn hóa...
Đẩy mạnh hoạt động sáng tác, tổ chức các cuộc thi, hoặc có đơn đặt hàng..., tạo điều kiện có nhiều tác phẩm hay phục vụ công chúng.
Khi có tác phẩm hay, cần tạo điều kiện quảng bá, phổ biến sâu rộng qua các phương tiện truyền thông, qua tổ chức các cuộc giao lưu ở các nhà văn hóa, câu lạc bộ, trường học...

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM nhìn nhận 50 năm qua, các hoạt động văn học, nghệ thuật của TP.HCM đã luôn giữ gìn, phát huy truyền thống, tiên phong đi đầu trong quá trình hội nhập, sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo việc giữ gìn bản sắc dân tộc, hình thành nét đặc trưng văn hóa, văn học, nghệ thuật TP và tạo ra những thành tựu nhất định.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM
Điều này được thể hiện qua công tác xây dựng lực lượng luôn được quan tâm, chú trọng đầu tư rất đặc biệt.
Các hoạt động văn học nghệ thuật mang đặc trưng rất riêng của TP.HCM - thành phố vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu.
Hoạt động của Liên hiệp hội, các hội văn học và phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng sôi nổi, phong phú, đa dạng.