50 năm - vẫn những luận điệu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc

Tháng Tư lịch sử, cả dân tộc Việt Nam đang cùng sống lại những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng triệu trái tim rung động khoảnh khắc thống nhất non sông của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Trong câu chuyện của ông bà, cha mẹ và tiết học ở trường, thầy cô kể về những cuộc hành quân suốt đêm không ánh đèn, những người lính ngã xuống trước ngày thống nhất non sông khi tuổi đời còn xanh, kể về bức thư cuối cùng viết vội trên ba lô, về chiếc xe tăng số 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, khép lại một thời chia cắt…

Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi mang tầm vóc quân sự vĩ đại, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất và khát vọng cháy bỏng về tự do, hòa bình của dân tộc Việt Nam. Đây là chiến thắng của chính nghĩa, là niềm tự hào bất diệt của một dân tộc nhỏ bé nhưng đầy dũng khí, đã dũng cảm đứng lên, đánh đổ ách thống trị, giành lại độc lập và tự do và quyết chí bảo vệ nền độc lập tự do, bảo vệ sự thống nhất của non sông gấm vóc.

Không có gì có thể cản bước đi của một dân tộc có truyền thống đại đoàn kết để trường tồn và phát triển. (Ảnh minh họa. Nguồn chinhphu.vn)

Không có gì có thể cản bước đi của một dân tộc có truyền thống đại đoàn kết để trường tồn và phát triển. (Ảnh minh họa. Nguồn chinhphu.vn)

Mỗi bước tiến của quân và dân ta trong trận chiến lịch sử ấy đã vang lên như một khúc tráng ca bất diệt, khẳng định sức mạnh, ý chí và niềm tin không gì có thể lay chuyển của dân tộc Việt Nam. Đại thắng mùa Xuân 1975 đi vào lịch sử thế giới với tính chất là một chiến thắng vĩ đại của thế kỷ XX. Thế giới nhắc đến ngày 30/4 là một sự kiện có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng.

Thế nhưng, đi ngược lại với sự thật và chính nghĩa, các luận điệu trên nhiều phương tiện truyền thông vẫn không ngừng rêu rao, “bẻ lái” bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến thắng 30/4. Gần đây, họ tiếp tục tung ra những luận điệu:

Một là, xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền; rằngcuộc chiến tranh này “hoàn toàn vô nghĩa”,“đáng lý đã không xảy ra, nó có thể tránh được”. Tráo trở hơn, họ đổ lỗi trách nhiệm thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam đã “đẩy người dân vô tội vào cuộc chiến đẫm máu, đau thương”; quy kết vì miền Bắc cộng sản “xâm lược miền Nam” nên Mỹ phải “có trách nhiệm bảo vệ đồng minh của mình”; xuyên tạc “Tháng Tư đen”, ngày 30/4 là ngày “quốc hận”.

Những luận điệu công kích đó không mới, được lặp lại hằng năm, nhưng được làm nóng ở phương thức thể hiện, thông qua những chiêu trò như hội nghị, hội luận trực tuyến, thảo luận bàn tròn, phỏng vấn, ghi hình… một cách thô thiển, sau đó gán ghép, đưa ra những phát biểu, những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử. Không chỉ đơn thuần để xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa và giá trị của chiến thắng, các đối tượng còn hướng lái, quy kết “trách nhiệm” chống phá sự lãnh đạo của Đảng, gieo rắc hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ người Việt Nam ở trong nước với người Việt Nam định cư, sinh sống ở nước ngoài, hạ uy tín, phá hoại các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam nói chung, mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng.

Những luận điệu đó đã xuyên tạc, bôi đen sự thật lịch sử. Đảng và nhân dân ta chưa bao giờ muốn chiến tranh. Từ ngàn xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam đã thi hành chính sách hòa hiếu thực lòng, nhân văn, nhân đạo để giữ gìn hòa bình, hòa hiếu, ngăn ngừa chiến tranh từ xa. Phát huy truyền thống ngoại giao hòa hiếu, khi đối mặt với thực dân Pháp, lực lượng lục quân mạnh nhất nhì châu Âu, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm các giải pháp hòa hoãn, nhân nhượng trước khi bắt buộc phải đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, Việt Nam nghiêm túc thi hành các điều khoản, đấu tranh chính trị ôn hòa, hướng tới giải pháp tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Song, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã cố tình xé bỏ Hiệp định Geneve và gây ra một cuộc chiến hao người tốn của bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Sự kiên nhẫn của nhân dân Việt Nam đủ minh chứng rằng một dân tộc yêu chuộng hòa bình đã kiên trì gìn giữ độc lập, nhưng khi kẻ thù buộc ta phải cầm súng thì cả dân tộc đã quyết tâm bảo vệ nền độc lập đó bằng mọi giá.

Cần khẳng định rõ hơn, cuộc đấu tranh nhằm thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 là cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, đồng thời đấu tranh nhằm đánh bại những thế lực ngả theo quân xâm lược, đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc và nguyện vọng nhân dân. Trên bình diện quốc tế, đó là một bộ phận của cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức nhằm khẳng định và bảo vệ quyền tự quyết của dân tộc mình.

Hai là, các đối tượng xuyên tạc Chiến thắng 30/4 là “Ngày quốc hận”, “Tháng Tư đen”, vu cáo Việt Nam cộng sản đã “xử thẳng tay với người Việt”, buộc hàng triệu người phải vượt biển ra đi, hàng nghìn người bỏ mạng… Thế nhưng, sự thật là: Trong những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến, phía Quân Giải phóng đã để cho các máy bay địch, binh tướng Việt Nam Cộng hòa, người dân di tản khỏi miền Nam Việt Nam.

Theo báo cáo của Không quân Hoa Kỳ, quân Giải phóng đã chiếm được đài radar tại căn cứ Không quân Biên Hòa vào ngày 25/4 và soi được hầu khắp những chiếc máy bay đưa người di tản từ đất liền ra các chiến hạm. Tên lửa SAM do Liên Xô viện trợ cho lưới lửa phòng không không quân của Việt Nam cũng sẵn sàng nhưng không có bất cứ một vụ phóng tên lửa nào được chỉ thị, đài radar chỉ có hoạt động theo dõi chứ không có động thái gây chiến.

Nhà báo Thomas G. Tobin trong cuốn Last flight from Saigon cho biết, phía Việt cộng dường như không có động thái nào ngăn cản hay tấn công đoàn người di tản, họ chỉ muốn tiến vào Sài Gòn và nhanh chóng kết thúc cuộc chiến. Có một lệnh ngầm được thực hiện bởi các Ủy ban cách mạng rằng không ngăn cản hay dùng bạo lực nếu có những đoàn người muốn ra đi.

Tướng Nguyễn Cao Kỳ - Phó Tổng thống chế độ cũ Việt Nam Cộng hòa, trong phỏng vấn nói về ngày 30/4/2004 đã lên tiếng phê phán những người hải ngoại có quan điểm “phục quốc”, ông nói rõ rằng, Tổ quốc Việt Nam có mất cho Tây, cho Tàu đâu mà nói là phục quốc, chưa kể 3 triệu người hải ngoại không thể nhân danh cho Tổ quốc và khuyến cáo “nếu biết suy nghĩ thì hãy ngồi im, đừng đi theo một lũ hám danh, hám lợi rồi lừa gạt mọi người”… Và sự thật lịch sử là, nhiều người Việt bên kia chiến tuyến từng tuyên bố “không đội trời chung với cộng sản” nay đã quay về quê cha đất tổ, rũ bỏ thù hằn và được Tổ quốc mở rộng vòng tay đón nhận.

Chúng ta khép lại lịch sử, Việt Nam đã bình thường hóa với Mỹ, đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (năm 2023), đã thực hiện chủ trương hòa hợp dân tộc là thể hiện sâu sắc bản chất nhân văn, tốt đẹp của chế độ nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay kiến thiết, xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, toàn thể nhân dân và kiều bào yêu nước khắp thế giới đều là bộ phận khăng khít không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội cho toàn dân đều được thực hiện dân chủ, bình đẳng với mọi đối tượng thụ hưởng, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, thành phần xuất thân. Thực tế này bác bỏ luận điệu thù hằn dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Ba là, những ngày qua, một nhóm đối tượng đăng tin phê phán Đảng, Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm trang trọng, tốn kém trong khi người dân, doanh dân “sắp sạt nghiệp hàng loạt vì Mỹ áp thuế cao”. Các đối tượng kêu gọi “dừng các hoạt động chào mừng, kỷ niệm”, cho rằng những hoạt động như mít tinh, gặp mặt, treo cờ, băng rôn, ca múa nhạc, các lực lượng vũ trang kéo về miền Nam duyệt binh là “rầm rộ không cần thiết”. Đó là suy nghĩ sai trái của những quan điểm cố tình đánh tráo bản chất cuộc kháng chiến, hạ thấp giá trị, ý nghĩa lịch sử để xuyên tạc Chiến thắng 30/4 cũng như các hoạt động chào mừng, kỷ niệm.

“Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”, lịch sử đã trôi qua nhưng ý nghĩa vẫn vẹn nguyên, sâu sắc với hiện tại và tương lai. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của ngày lễ lớn, đặc biệt dịp kỷ niệm chẵn 50 năm, đặt trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hơn bao giờ hết cần sức mạnh đồng lòng của toàn dân, do đó Đảng, Nhà nước đã chủ trương tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), là dịp làm sâu sắc hơn các giá trị lịch sử và truyền thống, giáo dục lý tưởng cách mạng, hun đúc ý chí tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đoàn kết.

Qua đó góp phần củng cố và bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử trọng đại của sự kiện. Trọng tâm là các hoạt động lớn ở cấp Trung ương, vừa phải có ý nghĩa tri ân, giá trị tuyên truyền, giáo dục cao về chính trị tư tưởng, vừa phải mới, hấp dẫn, làm lay động lòng người, lan tỏa toàn Đảng và xã hội; bảo đảm thiết thực, an toàn, tiết kiệm, hướng tới người dân, để người dân được thụ hưởng.

Tiếp nối truyền thống hào hùng của lịch sử dân tộc, trong không khí kỷ niệm ngày lễ lớn, Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII đã thống nhất những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của nước ta, chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi để đất nước tự tin bước vào giai đoạn phát triển “thần tốc”, “táo bạo”, trong đó, bài học kinh nghiệm Đảng vận dụng là “lấy dân làm gốc”, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.

Vì vậy, cán bộ, đảng viên, nhân dân hoàn toàn tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, đồng tình, đồng sức, đồng lòng hợp thành nguồn sức mạnh to lớn xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, không để chúng có cơ hội chia rẽ khối đại đoàn kết vốn mạnh mẽ như khí thế của toàn Đảng, toàn quân trong đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Lê Mai Trang

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/50-nam-van-nhung-luan-dieu-chia-re-khoi-dai-doan-ket-dan-toc-i765797/