50 năm, vẫn vẹn nguyên những ký ức hào hùng
Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước đang nô nức chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025), chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với các cựu chiến binh (CCB) ở thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu), những người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đã 50 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một thời lửa đạn ngày nào vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những anh Bộ đội Cụ Hồ năm xưa.
Từ chuyện đi “khua sương, gỡ mìn”
Tại nhà CCB Hoàng Mạnh Kiên, ở tổ dân phố số 17, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, chúng tôi được nghe ông kể về một thời lửa đạn hào hùng. Năm 1972, từ miền quê Nho Quan, Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Ninh Bình), chàng thanh niên 22 tuổi Hoàng Mạnh Kiên tình nguyện lên đường ra mặt trận. Sau 3 tháng huấn luyện ở Thanh Hóa, ông cùng đồng đội hành quân sang Lào, tham gia chiến đấu ở mặt trận Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Các cựu chiến binh ở thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, ôn lại những năm tháng hào hùng chiến đấu trên chiến trường miền Nam.
Tháng 1-1975, đơn vị nhận lệnh về nước và ông Kiên được biên chế vào Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Về đơn vị mới, ông cùng đồng đội được giao làm nhiệm vụ trinh sát các mục tiêu và hoạt động của địch để chuẩn bị trước cho Sư đoàn tiến công đánh chiếm Buôn Ma Thuột. Đây là trận đánh "then chốt" mở màn của Chiến dịch Tây Nguyên, đồng thời cũng là trận mở màn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Nhận nhiệm vụ, ông cùng đồng đội hành quân xuyên đêm, xuyên rừng, chạy đua với thời gian để nắm chắc địa hình, quân số, khoảng cách giữa các hàng rào của địch... để vẽ sơ đồ mục tiêu thật chính xác. Ông kể: Chúng tôi thường nói vui, lính trinh sát là những người đi “khua sương, đá mìn”, bởi trước khi mở các đợt tấn công, lính trinh sát phải đi trước để dò đường, phát hiện và khắc phục các loại mìn do địch cài cắm; nắm được những điểm nào có địch mai phục... Trong quá trình làm nhiệm vụ, nhiều đồng đội đã ngã xuống, nhưng chúng tôi không bị lay động, vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các cựu chiến binh chia sẻ với nhau về những kỷ vật chiến trường hiện còn lưu giữ
Sau nhiều ngày ngủ rừng, uống nước suối với đủ mọi hiểm nguy, gian khổ, đối mặt với mất mát, hy sinh, bộ phận trinh sát của ông đã hoàn thành nhiệm vụ, rạng sáng ngày 10-3-1975, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.
Đêm 26-4-1975, đơn vị ông tiếp tục nhận lệnh hành quân tiến vào Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Nhằm ngăn chặn bước tiến của bộ đội ta, địch liên tục ném bom đánh phá, khiến nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh. Ông Kiên nhớ lại: “Trước sự khốc liệt của chiến trường, chúng tôi không hề chùn bước, cứ người trước ngã xuống, người sau lại tiếp tục xông lên. Sự hy sinh của đồng đội càng tiếp thêm sức mạnh để anh em trong đơn vị vượt qua gian nan, thử thách”. Ngày 28-4-1975, Trảng Bàng được giải phóng, đơn vị tiếp tục nhận lệnh làm nhiệm vụ chốt chặn tại cứ điểm này, không cho địch tiến về Sài Gòn.

Cựu chiến binh Hoàng Mạnh Kiên bên những danh hiệu được tặng thưởng.
Ngập tràn niềm vui chiến thắng
Với CCB Doãn Đình Nhân, ở tổ dân phố số 17, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) mỗi khi nhắc đến những ngày tháng lịch sử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đôi mắt ông lại rưng rưng, bởi nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.
Ông trải lòng: Ngày đó, tôi thuộc biên chế của Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Khi quân ta tiến công đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, đơn vị được giao nhiệm vụ đánh thọc sâu vào trung tâm đầu não của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột. Nhiệm vụ cụ thể là đánh chiếm các căn cứ pháo binh, thiết giáp cùng hệ thống phòng thủ vòng ngoài của địch. Đúng 10 sáng ngày 10-3-1975, đơn vị của ông được 4 xe tăng dẫn đường, bắt đầu tiến công vào trận địa địch. Tiếng gầm rú của động cơ xe tăng cùng hỏa lực liên tục nã đạn vào các điểm chốt phòng thủ, khiến quân địch vô cùng bất ngờ, không kịp trở tay, phải rời bỏ trận địa tháo chạy. Thừa thắng, các mũi thọc sâu của đơn vị ông đánh thẳng vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Tại đây, đơn vị của ông chiến đấu gan dạ, bất chấp sự kháng cự quyết liệt của quân địch. Đến 11 giờ trưa cùng ngày, lá cờ của quân giải phóng đã tung bay trên nóc sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy; các lực lượng địch ở thị xã Buôn Ma Thuột bị tan rã hoàn toàn.
Ngày 23-3-1975, đơn vị ông nhận lệnh của trên, gấp rút cơ động bằng xe ô tô tiến công giải phóng thị xã Gia Nghĩa trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 20-4, đơn vị của ông Nhân nhận nhiệm vụ cắt đứt đường 22 từ Tây Ninh về Sài Gòn (nay là Quốc lộ 22 nối TP Hồ Chí Minh với Thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia), ngăn không cho địch rút về cố thủ tại Sài Gòn, tập trung đánh vào hai ấp Bông Chang và Bầu Nâu (Tây Ninh). Bất chấp sự kháng cự quyết liệt của quân địch, mặc cho cái chết gần kề, nhưng ông và đồng đội vẫn gan dạ chiến đấu, động viên nhau tiến lên tiêu diệt địch…
“Khi nghe được thông tin bộ đội ta đã đánh chiếm dinh Độc Lập, Sài Gòn được giải phóng, cảm xúc vỡ òa, chúng tôi ôm nhau khóc trong niềm vui sướng. Nhân dân đổ ra đường đón chào quân giải phóng, còn quân địch xếp hàng dài đầu hàng. Tôi rất tự hào bản thân mình là người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” - CCB Doãn Đình Nhân xúc động.

CCB Hoàng Mạnh Kiên (ngồi giữa) với Huân chương Chiến sĩ giải phóng cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm chiến trường
Sau ngày giải phóng, ông Kiên, ông Nhân cũng như các đồng đội khác của mình, tiếp tục làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới tại các địa bàn Lào Cai, Lai Châu rồi phục viên, chuyển ngành.
Dù ở bất cứ nơi đâu, làm công việc gì, các chiến sĩ Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 vẫn luôn nhớ về những trận đánh hào hùng năm xưa và những người đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường. Ngay từ hàng chục năm trước, Ban Liên lạc của Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 tại thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên được thành lập. Việc thành lập nhằm kết nối, quy tập hài cốt liệt sĩ, giúp đỡ gia đình các liệt sĩ và động viên nhau phát triển kinh tế, chung tay xây dựng quê hương ngày giàu đẹp.
Đã 50 năm trôi qua, những ký ức về một thời chiến đấu oanh liệt, như vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim của các CCB từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bài, ảnh: HÀ KHÁNH và CTV