50 năm vững bước tiến vì sức khỏe nhân dân – Bài 1
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển (1975-2025), ngành y tế tỉnh nhà đạt nhiều thành tựu nổi bật trong vai trò chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong hành trình ấy, giai đoạn 2001-2010, như một mốc son nối liền giữa quá khứ oanh liệt và hiện tại sôi động của thế hệ trẻ ngành y tế tỉnh nhà trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bài 1: “Quả ngọt” từ xã hội hóa, hợp tác quốc tế
Trong từng giai đoạn lịch sử, ngành y tế Bình Dương có những cái tên, những con người đã trở thành biểu tượng của sự phát triển. Bác sĩ Huỳnh Văn Nhị, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương giai đoạn 2001-2010 được xem là cá nhân tiêu biểu giúp Bình Dương củng cố y tế cơ sở bằng việc thúc đẩy sâu rộng xã hội hóa y tế và hợp tác quốc tế.
“Cú hích” y tế tư nhân
Chúng tôi gặp Thầy thuốc Nhân dân Huỳnh Văn Nhị vào những ngày cuối tháng 2, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Là người thuyền trưởng của ngành y tế giai đoạn 2001-2010, ông đã có nhiều cống hiến cho tiến trình phát triển ngành y tế tỉnh từ củng cố y tế cơ sở đến xã hội hóa y tế và hợp tác quốc tế. Bằng chất giọng nhẹ nhàng và nụ cười hiền hậu, Thầy thuốc Nhân dân Huỳnh Văn Nhị đã kể lại cho chúng tôi nghe về thế hệ đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tỉnh nhà năng động, sáng tạo, đoàn kết, tự lực tự cường, một lòng cống hiến vì sức khỏe nhân dân.

Ông Huỳnh Văn Nhị trao bằng khen của UBND tỉnh cho đại diện đoàn phẫu thuật hàm mặt ILWong (Ảnh chụp năm 2013, khi ông Huỳnh Văn Nhị là Phó Chủ tịch UBND tỉnh)
Mở đầu câu chuyện xã hội hóa y tế, bác sĩ Nhị cho biết Bình Dương là tỉnh phát triển mạnh công nghiệp, thu hút lực lượng lao động lớn từ các tỉnh, thành trong cả nước đến sinh sống, làm việc, nên gây áp lực lớn cho hệ thống y tế công lập. “Người lao động có nhu cầu khám, chữa bệnh vào thời điểm đó nếu về cơ sở ở xã, phường sẽ không được đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, nếu về tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh thì phải chờ đợi quá lâu vì quá tải. Sự ra đời của các phòng khám đa khoa tư nhân ở các đô thị phía nam của tỉnh (Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Bến Cát) và các bệnh viện đa khoa (BVĐK) tư nhân với trang thiết bị, máy móc hiện đại và đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng đã góp phần giảm tải cho hệ thống y tế công lập, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Thời điểm này phải kể đến BVĐK Mỹ Phước do Tổng Công ty Becamex đầu tư; BVĐK tư nhân Bình Dương; BVĐK Vạn Phúc và nhiều bệnh viện khác.
Trong vai trò Giám đốc Sở Y tế, bác sĩ Huỳnh Văn Nhị đã chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp toàn ngành triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Bình Dương thời kỳ 2001-2010. Trong quy hoạch, ông đã nêu lên các quan điểm, mục tiêu cơ bản về công tác y tế trong cả nước cũng như những định hướng cơ bản phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Bình Dương giai đoạn 2001-2010; giải quyết 8 vấn đề cơ bản của ngành. Năm 2005, Bình Dương là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành các tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế xã, 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ.
Theo ông Nhị, cùng với công tác xã hội hóa, lúc bấy giờ Bình Dương là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai phòng khám đa khoa tư nhân khám bảo hiểm y tế. Điển hình là Phòng khám Đa khoa An Bình (Dĩ An) của bác sĩ Đào Cảnh Túc. Từ hiệu quả cách làm này, Bộ Y tế đã lấy Bình Dương làm điểm nhân rộng mô hình xã hội hóa tham gia bảo hiểm y tế.
Dưới sự tham mưu, thực hiện của ngành y tế tỉnh, “quả ngọt” của chính sách trải chiếu hoa mời gọi đầu tư đã gặt hái nhiều thành công rực rỡ. Bình Dương được mệnh danh là thủ phủ của ngành công nghiệp dược. Tính đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh đã có 28 công ty, nhà máy sản xuất dược và 5 công ty sản xuất trang thiết bị y tế ở các Khu công nghiệp VSIP, Đồng An.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của y tế tư nhân, công tác đào tạo đội ngũ y, bác sĩ tay nghề cao cũng được đặc biệt chú trọng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của bác sĩ Nhị, toàn ngành tập trung cao độ cho công tác đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, điều dưỡng tại Thái Lan; quản lý nhà nước, đào tạo chuyên khoa nhi. Thời điểm này, Trường Trung học Y tế Bình Dương có hơn 1.000 học viên theo học các lớp tại trường.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Nói về những năm tháng với cương vị là tư lệnh của ngành y ở địa phương, bác sĩ Huỳnh Văn Nhị cho chúng tôi xem tấm hình mà ông đã chụp chung với Giáo sư Byong Min (ở Seoul, Hàn Quốc). “Giáo sư Min Byong IL, sinh năm 1930, ông là người đầu tiên đã đưa đoàn phẫu thuật hàm mặt ILWong đến Bình Dương và hỗ trợ cho BVĐK tỉnh đào tạo bác sĩ răng hàm mặt, tài trợ trang thiết bị, kinh phí phẫu thuật cho hàng trăm bệnh nhân bị sứt môi, hở hàm ếch trong và ngoài tỉnh”, ông Nhị cho biết.
“Chúng tôi đã dành tình cảm đặc biệt cho nhau không chỉ trên cương vị hợp tác quốc tế mà đó còn là tình thầy trò, huynh đệ. Và càng trân trọng hơn, mối quan hệ hữu nghị được bồi đắp thêm bằng sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh (lúc bấy giờ là đồng chí Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) nên mỗi lần về Bình Dương họ như về với gia đình, quê hương của mình vậy. Từ những tình cảm chân thành, chúng tôi đã níu giữ đoàn đến với Bình Dương trong suốt 30 năm qua và cho đến tận bây giờ các thế hệ học trò của ông vẫn tiếp nối”, bác sĩ Nhị chia sẻ.
Không chỉ có đoàn phẫu thuật hàm mặt từ thiện Hàn Quốc, ngành y tế tỉnh còn hợp tác lâu dài với Hoa Kỳ trong chương trình hỗ trợ đào tạo, điều trị về chấn thương chỉnh hình do bác sĩ Jikle thực hiện trong suốt 10 năm, đã góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người bệnh, hỗ trợ trang thiết bị, kỹ thuật cho bác sĩ.
Dưới sự lãnh đạo năng động, sáng tạo, vượt thách thức trong giai đoạn 2001-2010, bác sĩ Nhị đã giúp ngành y tế nhận được nhiều viện trợ của các tổ chức quốc tế (WHO, UNICEF, UNFPA, UNHCR); các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Nhật, Hà Lan, Pháp. Từ những nguồn viện trợ này đã góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đưa y tế tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới. (còn tiếp)
Năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 12 bệnh viện tư nhân, 46 phòng khám đa khoa, trên 1.200 cơ sở hành nghề y tế tư nhân và 1.247 cơ sở hành nghề y dược tư nhân khác.
Hàng năm, hệ thống y tế ngoài công lập góp từ 1,5-5 tỷ đồng cho hoạt động xã hội hóa y tế, như: Khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người có công với cách mạng... Các hoạt động này đã góp phần đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.