50 năm xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu
Ngày 30/10, tại Hà Nội diễn ra cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm 'xếp bút nghiên ra trận' của sinh viên các trường đại học nhập ngũ năm 1970.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hữu Mão, nguyên sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Trưởng ban tổ chức cho biết: Năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn cực kì gay go, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Thực hiện lệnh động viên của Nhà nước, rất nhiều sinh viên ở các trường đại học miền Bắc đã được gọi vào phục vụ trong Quân đội. Theo số liệu thống kê, từ năm 1970 đến năm 1972 đã có hơn 10.000 sinh viên nhập ngũ, hình thành nên một thế hệ sinh viên “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”.
“Nhớ lại những ngày này của 50 năm trước, kết thúc thời gian huấn luyện bộ binh, theo sự phân công điều động của cấp trên, các chàng lính sinh viên 1970 như những cánh chim đã “ra giàng” được biên chế về các đơn vị trong toàn quân để bổ sung lực lượng chiến đấu trên khắp các chiến trường suốt từ Bắc vào Nam và trên đất bạn Lào”, ông Nguyễn Hữu Mão nói.
Dù ở chiến trường nào thì những người lính sinh viên năm 1970 cũng thể hiện là những chiến binh kiên cường, thông minh, quả cảm, sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc mãi mãi trường tồn. Nhiều người đã hy sinh trên các chiến trường “mãi mãi tuổi 20”. Những chàng sinh viên năm đó đã thực sự là những người lính bản lĩnh, chiến đấu giỏi, lập công xuất sắc, được tặng nhiều Huân chương cao quý. Trong đó tiêu biểu là 4 đồng chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là: Anh hùng Liệt sĩ Nghiêm Xuân Danh - trắc thủ tên lửa Trung đoàn 275 của Quân chủng PKKQ, nguyên là sinh viên trường Đại học Sư Phạm Hà Nội; Anh hùng Liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh – nguyên là sinh viên trường Đại học Nông nghiệp; Anh hùng Trần Văn Xuân - nguyên là sinh viên trường Đại học Thủy Lợi, xạ thủ tên lửa A72 của Quân chủng PKKQ đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ; Anh hùng Phan Kim Kỳ - nguyên là sinh viên trường Đại học Thủy Lợi, xạ thủ tên lửa A72 của Quân chủng PKKQ đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ.
“Trong lịch sử dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có lớp sinh viên nào chịu gian lao, vất vả, hi sinh nhưng cũng rất tự hào như chúng ta - những người lính sinh viên thời kỳ chống Mỹ. Vì chúng ta là nhân chứng lịch sử đã đóng góp một phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chúng ta có quyền tự hào như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: Tổ quốc ghi công lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam, trong đó có sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc “, ông Nguyễn Hữu Mão chia sẻ thêm.
Khi hòa bình lập lại, những người cựu chiến binh là sinh viên của các trường đại học tiếp tục trở lại giảng đường, phục vụ công cuộc tái thiết đất nước trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhiều người đã trở thành cán bộ quản lý, nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo... Dù ở cương vị nào họ vẫn phát huy những phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ, Nhiều CCB đã vượt lên khó khăn trong cuộc sống, phát triển kinh tế, đóng góp sức mình xây dựng quê hương, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Tại cuộc gặp mặt, đại diện Ban tổ chức đã trao tặng kỷ niệm chương cho đại diện các trường đại học có CCB từng là sinh viên nhập ngũ năm 1970.