Hơn 7 giờ sáng ngày 11/7, 54 bị cáo trong đại án "chuyến bay giải cứu" bị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải đến tòa. Sau khi bước xuống từ xe chuyên dụng, các bị cáo nhanh chóng được đưa vào phòng xét xử. Bên ngoài, lực lượng an ninh siết chặt. Những người tham gia tố tụng, bao gồm luật sư, phải qua cửa an ninh với sự kiểm soát nghiêm ngặt từ các cán bộ công an.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, 54 bị cáo, những người này bị truy tố về 5 tội danh khác nhau. Trong đó, 21 người nhận hối lộ; 23 người đưa hối lộ; 4 người môi giới hối lộ; 4 người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; 2 người lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp; thêm vào đó có tới 18 bị cáo bị truy tố đến khung hình phạt chung thân, tử hình; HĐXX sẽ có 5 thành viên, gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa phiên tòa.
5 kiểm sát viên được phân công đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử. Ngoài ra, còn có 4 kiểm sát viên khác với vai trò dự khuyết.
Tổng cộng có 105 luật sư đăng ký tham gia bào chữa, một số luật sư cùng lúc bào chữa cho 2 bị cáo.
Nhóm bị cáo có nhiều luật sư nhất, gồm: Vũ Hồng Quang, cựu cán bộ Cục Hàng không VN (Bộ GTVT) và Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, cùng được 6 người bào chữa; Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, có 3 người bào chữa; Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó thủ tướng, có 2 người bào chữa…
Nhằm phục vụ việc xét xử, tòa án triệu tập 16 công ty thương mại du lịch, dịch vụ với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Phần lớn trong số này là các pháp nhân có liên quan trực tiếp đến hành vi đưa và nhận hối lộ.
Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao xác định, để có thể lọt vào danh sách tổ chức chuyến bay cho công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài, các doanh nghiệp đã phải chi tiền "bôi trơn" cho một loạt quan chức tại các bộ, ngành, địa phương.
Kết quả điều tra cho thấy, 21 cựu quan chức, cán bộ (bị truy tố tội nhận hối lộ) có tới hơn 500 lần nhận tiền từ doanh nghiệp, với tổng cộng gần 165 tỉ đồng.
Điển hình như bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận hối lộ 37 lần với tổng số 21,5 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan nhận 32 lần với tổng số hơn 25 tỉ đồng; Nguyễn Quang Linh nhận 5 lần với tổng số hơn 4,2 tỉ đồng; Chử Xuân Dũng nhận 7 lần với tổng số hơn 2 tỉ đồng; Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận 9 lần với tổng số 5 tỉ đồng; Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, nhận 2 lần với tổng số hơn 1,8 tỉ đồng…
Để có tiền “đi đêm” với quan chức mà vẫn đảm bảo lợi nhuận thu được từ các chuyến bay, các doanh nghiệp sẽ nâng giá vé máy bay và các khoản chi phí phát sinh. Hậu quả, người dân chịu thiệt khi số tiền phải bỏ ra cho mỗi suất bay về nước bị đội lên nhiều lần. Kết quả điều tra cho thấy 23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đã có hơn 400 lần đưa hối lộ, với tổng số hơn 226 tỷ đồng.
Bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.
Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch TP Hà Nội.
Lê Khánh