55 bệnh viện tại TPHCM có ca mắc COVID-19 đến khám chữa bệnh
Tối muộn ngày 30/6, Sở Y tế TPHCM cho biết, đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận 55/130 bệnh viện (BV) trên địa bàn Thành phố có trường hợp F0 đến khám bệnh, chữa bệnh.
55.130 bệnh viện tại TPHCM từng có bệnh nhân COVID-19 đến khám (ảnh: SYT)
Theo Sở Y tế TPHCM, tính từ ngày 18/5, khi BV Vinmec Central Park phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 trên địa bàn Thành phố, đã có 459 trường hợp COVID-19 được phát hiện từ nhiều BV công lập và tư nhân trên địa bàn.
Việc tổ chức khai báo y tế, sàng lọc kịp thời phát hiện các trường hợp chỉ điểm tại các BV thật sự đã mang ý nghĩa rất lớn trong công tác phát hiện, khoanh vùng, dập dịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các BV đang gặp không ít khó khăn trước tính chất lây lan rất nhanh của chủng virus Delta. Trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu tất cả BV phải siết chặt hơn nữa các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong BV.
“Hiện nay, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố đã vượt qua con số 4.000 trường hợp và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Do tính chất lây lan rất nhanh chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát này, hiện đã có 55/130 BV tại TPHCM đã có trường hợp F0 đến khám bệnh, chữa bệnh, trong số đó, đa số được BV phát hiện chủ động; tuy nhiên cũng đã có một số BV phát hiện bị động, dẫn đến sự lây lan mầm bệnh trong BV” – Sở Y tế TPHCM cho biết.
Từ những ca F0 này, hậu quả có nhiều BV phải phong tỏa (BV quận Tân Phú, Bệnh viện Nam Sài Gòn, BV Bệnh Nhiệt Đới) và mới đây là trường hợp của BV Phạm Ngọc Thạch và BV Đa khoa Sài Gòn. Đối với BV Phạm Ngọc Thạch, một thân nhân ở quận Bình Tân, TPHCM (quận có nguy cơ lây nhiễm rất cao hiện nay) là người nuôi bệnh của một BN đang điều trị tại khoa B4 (khoa lao kháng thuốc) được phát hiện mắc COVID-19 và đã lây lan sang 24 người khác là thân nhân và bệnh nhân của khoa B3 và B4 ở cùng một khối nhà.
Hiện BV phải tạm phong tỏa khu vực điều trị nội trú bệnh lao để rà soát lại toàn bộ các khoa, phòng khác (tất cả cho kết quả xét nghiệm âm tính lần 1).
Đối với BV Đa khoa Sài Gòn, qua tầm soát xét nghiệm đã phát hiện 10 trường hợp mắc COVID-19 là nhân viên, người lao động tại BV (nhân viên bảo vệ, phòng tài chánh kế toán). Hiện BV đã tạm phong tỏa toàn bộ để rà soát, kiểm tra xét nghiệm lại toàn bộ nhân viên.
Trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu tất cả BV tiếp tục triển khai các giải pháp theo tiêu chí BV an toàn của Bộ Y tế, các hướng dẫn cụ thể của Sở Y tế đã ban hành, đồng thời phải siết chặt hơn nữa các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong BV. Cụ thể:
Đối với khu vực khám bệnh ngoại trú: tiếp tục thực hiện nghiêm sàng lọc qua khai báo y tế và đo thân nhiệt; nhân viên y tế phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống lây nhiễm. Trong giai đoạn cao điểm hiện nay, các BV nên tăng cường sử dụng khẩu trang N95 cho nhân viên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các BV tiếp tục củng cố cơ sở hạ tầng cho bộ phận khai báo y tế và khám sàng lọc theo hướng tách rời khỏi khối nhà hiện hữu của khoa Khám bệnh.
Đối với khoa Cấp cứu: tiếp tục thực hiện nghiêm buồng cấp cứu sàng lọc. Theo đó, tất cả bệnh nhân khi đến cấp cứu tại BV đều phải qua buồng cấp cứu sàng lọc, làm xét nghiệm PCR tầm soát trước khi chuyển lên các khoa nội trú (bố trí các buồng cách ly tạm chờ kết quả PCR trước khi chuyển vào các khoa nội trú).
Thực hiện xét nghiệm tầm soát đối với tất cả trường hợp có chỉ định nhập viện, nếu có thực hiện test nhanh vẫn phải làm xét nghiệm RT-PCR, trong thời gian chờ kết quả PCR phải bố trí người bệnh trong buồng cách ly tạm.
Đối với người nhà nuôi bệnh, phải làm xét nghiệm RT-PCR trước khi tham gia chăm sóc người bệnh, không dựa vào kết quả test nhanh âm tính.
Trường hợp người bệnh mắc COVID-19, cần can thiệp chuyên khoa: nếu không cấp cứu liên hệ chuyển đến BV Trưng Vương được phân công chuyên tiếp nhận các trường hợp nhiễm, có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm; nếu tình trạng cấp cứu cần phải can thiệp ngay, phải sẵn sàng khu cách ly có phòng mỗ hoặc phòng sanh, phòng hồi sức sau mỗ, hậu sản,… và hội chẩn BV tuyến trên trước can thiệp.
Thực hiện xét nghiệm định kỳ hàng tuần và đột xuất cho nhân viên (trước và sau khi tham gia các đội tiêm vắc-xin và lấy mẫu xét nghiệm). Sở Y tế khuyến khích các BV tiếp tục đầu tư nguồn lực để triển khai xét nghiệm RT-PCR.