55 năm giữ trọn lời thề

Năm 2024, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một văn kiện lịch sử có giá trị trường tồn với con đường phát triển của dân tộc nhằm xây dựng và giữ gìn 'một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh'… Đó là khát vọng cháy bỏng của mỗi người dân và cả dân tộc Việt Nam, là sứ mệnh lịch sử mà mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên phải nỗ lực thực hiện.

Đến nay, nhiều tiên đoán và mong muốn của Bác Hồ kính yêu đã thành hiện thực và dù còn đứng trước nhiều thử thách với con đường phát triển để đạt mục tiêu Việt Nam hùng cường, song lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên nhận định và được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua, đưa vào Nghị quyết Đại hội: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Từ một đất nước bị chia cắt, chiến tranh kéo dài hàng chục năm trời, đến mùa Xuân năm 1975, Nam Bắc được thống nhất một nhà. Sau hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc, nhân dân ta được sống trong hòa bình, ổn định. Từ năm 1973 và đặc biệt sau năm 1975, Việt Nam lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao hoặc có quan hệ kinh tế, văn hóa với nhiều nước, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nước, đặc biệt là các cường quốc như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga… Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị CAND vũ trang bảo vệ Thủ đô, ngày 14/2/1961. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị CAND vũ trang bảo vệ Thủ đô, ngày 14/2/1961. Ảnh tư liệu.

Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế và văn hóa xã hội. Người nhấn mạnh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Theo số liệu mới nhất, sau gần 40 năm thực hiện đường lối Đổi mới, từ một nước bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao vây, cấm vận suốt 30 năm; Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần 60 lần so với năm 1986. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát chỉ còn khoảng 4%/năm từ mức “phi mã” 3 con số của giai đoạn đầu Đổi mới. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 8 năm liên tiếp; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới. Từ nước thiếu hụt lương thực trầm trọng, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; năm 2023 xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu; nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia…

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; năm 2023, tỷ trọng khu vực nông nghiệp chỉ còn khoảng 12%. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện; Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài; năm 2023 thu hút được trên 39,4 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, lọt vào nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI; lũy kế đến nay có 40,8 nghìn dự án đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký khoảng 487 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất, nằm trong chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Intel, Apple, GE, Foxconn…

Từ những kết quả và thành tựu to lớn về kinh tế, đời sống của nhân dân đã được cải thiện đáng kể. Liên hợp quốc có nhiều đánh giá tích cực ghi nhận Việt Nam đã thành công trong xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022 đã đánh giá, những kết quả đó là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam, và cho các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển”.

Thấm nhuần và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế và văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh cũng đạt được những bước phát triển to lớn. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang. Xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc…

Nhìn lại gần 40 năm đổi mới, 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành tựu mà đất nước ta đạt được thật đáng tự hào và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời, cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá, đó là sự phát triển ấn tượng và “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Với lực lượng CAND, học tập, thấm nhuần và tự giác thực hiện Di chúc và 6 điều Bác Hồ dạy sẽ giúp mỗi công bộc của dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ trau dồi đạo đức công vụ, nhân cách, ý thức trách nhiệm… để phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cũng nhận thức rõ những thách thức, khó khăn của nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Theo tinh thần Nghị quyết 12 của Đảng, CAND đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Đó cũng là tâm nguyện, mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để “Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”.

An Khang

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/55-nam-giu-tron-loi-the-i740780/